Nhằm tri ân và tôn vinh danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và thế giới, những đóng góp to lớn về văn học và tư tưởng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch số 326/KH-UBND về tổ chức các hoạt động vinh danh, kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một người con của quê hương Nghệ An. Bà là con của ông Hồ Phi Diễn (1704 - 1786) - một nhà nho ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Bà là nhà thơ nữ kiệt xuất của Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, được tôn vinh “Bà chúa thơ Nôm” với nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao của thơ Nôm, là một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới.
Với tư tưởng mới mẻ, cùng lối làm thơ phá cách, đậm dấu ấn cá nhân - cá thể, ngôn ngữ bình dị mà sáng tạo, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ dân gian, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền, từ quá khứ đến hiện tại.
Thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người, mà trước hết là bình đẳng giới và cho giải phóng phụ nữ ở Việt Nam.
Trải qua hàng thế kỷ, đến nay, thơ Hồ Xuân Hương vẫn được các thế hệ đương đại yêu mến, bởi mỗi tiếng thơ của bà là đều đại diện cho tâm tư, tình cảm, khát vọng yêu và sống, sự quyết liệt trong đấu tranh bình quyền… của người phụ nữ. Với những giá trị tư tưởng, nghệ thuật mang tính quốc tế và vượt tầm thời đại, thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng.
Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 vào tháng 11/2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết vinh danh, cùng tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đó là sự khẳng định, đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, sự sáng tạo trong văn học cũng như tư tưởng vượt thời đại về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ ở nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Đặc biệt, trong 6 danh nhân Việt Nam từng được UNESCO vinh danh (Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu), duy nhất Hồ Xuân Hương là nữ.
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, việc UNESCO vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương có thể nói là một sự kiện chính trị rất quan trọng của đất nước và đặc biệt là đối với tỉnh Nghệ An, là niềm vinh dự, tự hào không chỉ cho đất nước Việt Nam nói chung, mà còn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An. Do vậy, đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, nhất là trên lĩnh vực văn hóa.
Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh và ghi nhận những thành tựu của danh nhân nữ sĩ Hồ Xuân Hương theo yêu cầu của UNESCO góp phần quảng bá hình ảnh con người và văn hóa của tỉnh Nghệ An nói riêng và của Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế, qua đó, ngày càng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà các bậc tiền nhân nói chung và nữ sĩ Hồ Xuân Hương nói riêng để lại.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An không chỉ tự hào về nữ sĩ Hồ Xuân Hương mà còn có trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa mà nữ sĩ để lại trong sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn mới ngày nay”, ông Long nói.
Ông Hồ Bảo Thông, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết, chính quyền địa phương luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nhà thờ họ Hồ - dòng họ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, xây dựng nơi đây thành điểm du lịch văn hóa - tâm linh hấp dẫn.
Ngoài ra, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của nhân dân trong vùng, nhất là thế hệ trẻ, học sinh các trường học về việc chủ động, tự giác tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương - dòng họ mình; đồng thời, tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa gắn với tiềm năng du lịch của vùng, để vừa thu hút khách tham quan, nghiên cứu, du lịch, vừa huy động thêm được nhiều nguồn lực đầu tư.