Với độ cao 461,3m, toà tháp Landmark 81 tại TP.HCM chính thức vượt qua độ cao của toà tháp Will Towers – Chicago (450m) và Petronas Towers - Kuala Lumpur (459,1m) để đứng trong danh sách 10 toà nhà cao nhất thế giới.
Được khởi công từ năm 2015, toà tháp được lấy cảm hứng từ bó tre Việt Nam, được mệnh danh là "công trình thế kỷ" được làm nên từ "bàn tay và khối óc người Việt".
Có rất nhiều câu chuyện được kể lại vào thời điểm mà chủ đầu tư là tập đoàn VinGroup lựa chọn công ty Coteccons làm tổng thầu xây dựng, thay vì hàng loạt "ông trùm" ngành địa ốc khác để thực hiện dự án Landmark 81.
Không bàn đến những vấn đề phức tạp của kiến trúc, phức hợp phương thức kinh doanh, con số "khủng" được nhiều người thống kê, ta nhìn vào tương lai phát triển của một đất nước non trẻ trên thực trường thế giới.
Sính hàng ngoại - Loại hàng nội
Xu hướng chuộng hàng ngoại của ta chiếm 19% và dần có sự tăng lên, những con số thống kê hàng năm của hãng nghiên cứu thị trường Niesel đã cho thấy một thực trạng nhức nhối: Người Việt không ưa thích hàng Việt.
Xuất phát từ tâm lý số đông muốn chứng minh khả năng tiêu thụ cá nhân, hay gọi đơn giản hơn là đẳng cấp tiêu dùng? Từ những mặt hàng gia dụng cho đến lương thực – thực phẩm – may mặc, dù hiểu hết những giá trị thực song chúng ta đều tìm đến những mác hàng nhập ngoại mà bỏ qua nhãn mác nội địa.
Hàng cao cấp thì có các thương hiệu nổi tiếng, gia dụng có Elmich, Bosch…; may mặc sang trọng có Gucci, Hermes, CK,…; bình dân có Zara, H&M,….
Ấy là còn chưa kể đến sự cạnh tranh từ thị trường châu Á hưởng lợi thuế 0% như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Theo khảo sát Hàng tiêu dùng Việt Nam chất lượng cao, chỉ có 2% kết quả đánh giá chất lượng nội địa ngang bằng với chất lượng quốc tế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn trong việc khẳng định vị thế cạnh tranh so với hàng ngoại nhập nhất là trong bối cảnh mở cửa khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại quốc tế tự do FTA.
Ngoài sự ảnh hưởng bởi “hiệu ứng đám đông”, người Việt luôn lo lắng vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm “bẩn”, công nghệ hoá chất gây dị tật, ung thư và hàng loạt các lo lắng khác có cơ sở. Họ cho rằng các nguồn nguyên liệu nhập ngoại sẽ an toàn hơn.
Thực tế đáng buồn bởi chỉ vì một số ít những kẻ có lòng tham đạp lên những giá trị thuần tuý nhằm mục đích lợi nhuận khiến những mặt hàng nội địa trở nên kém uy tín với người dùng trong nước. Xây dựng niềm tin người tiêu dùng là điều tối quan trọng ngày nay, nhưng công việc này đã trở nên khó khăn hơn vì chỉ có 1/3 người tiêu dùng ở cả thành thị và nông thôn tin vào những lợi ích sản phẩm trong nước.Hơn nữa, sự mở rộng quy mô sản xuất thiếu tính toán khiến cho nguồn hàng nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng gây nên tình trạng đẩy cao áp giá khiến người tiêu dùng trở nên e dè.
Mấy năm trở lại đây, người dùng có sở thích sử dụng hàng xách tay từ nước ngoài. Dù giá cả rẻ hơn nhưng hàng "Made in Vietnam" vẫn bị lép vế thậm chí ế ẩm trên các kệ đựng hàng hoá. Tâm lý chung đó là rào cản lớn cho các doanh nghiệp.
Sự liều lĩnh hay niềm tin?
Quay trở lại với sự kiện toà tháp Landmark 81, điều gì thôi thúc ông chủ VinGroup bỏ qua hàng loạt doanh nghiệp ngoại, quyết định giao dự án hàng nghìn tỷ đồng cho Coteccons - một doanh nghiệp trong nước chưa từng có kinh nghiệm làm toà tháp cao siêu tầng?
Cá nhân tôi cho rằng, đó là năng lực và trình độ. Bởi Coteccons đã giành chiến thắng trước cuộc chiến cạnh tranh công bằng cùng các chủ đầu tư quốc tế. Với sự hỗ trợ tư vấn kĩ thuật từ phía nhà thầu Obayashi (Nhật Bản), một công trình thế kỷ khẳng định giá trị bản sắc Việt do chính người Việt tạo ra.
Vậy tại sao chúng ta không ưu tiên lựa chọn hàng Việt?
Thừa nhận rằng, các doanh nghiệp Việt không có thế mạnh trong việc sản xuất với các mặt hàng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kích thích giác quan như Trung Quốc, Thái Lan, vv.... nhưng các mặt hàng đời sống trong nước không hề kém cạnh, thậm chí còn phù hợp với văn hoá của người Việt.
Trong vài năm trở lại đây, tâm lý sính "ngoại" đã không còn đúng nhất là với sản phẩm tiêu dùng nhanh. Sở dĩ như vậy là bởi các nhà sản xuất của Việt Nam đã chú trọng đúng mức tới nhu cầu của người tiêu dùng, sản xuất ra được nhiều sản phẩm có giá trị cao và đảm bảo an toàn.
Lượng khách hàng trung thành với "Made in Vietnam" tương đối lớn, có những thương hiệu tiêu dùng trong nước lấn át sản phẩm ngoại nhập trở thành sự lựa chọn hàng đầu điển hình như: Sunhouse, Vinamilk, Sabeco, Cà phê Trung Nguyên, Vina Acecook... Các sản phẩm tươi sống, đóng hộp đảm bảo đạt chuẩn chất lượng sản xuất, chế biến đã được đẩy tới các hệ thống siêu thị trung tâm như BigC, Vinmart, Fivimart,… hay đến các chuỗi siêu thị bán lẻ để tăng khả năng tiếp cận người dùng.
Sức tiêu thụ hàng Việt sẽ khiến thị trường Việt Nam được cân bằng, tránh được nguy cơ mất thị trường nội địa vào tay các ông lớn nước ngoài có tiềm lực.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả