Bí quyết cá nướng thơm lừng xứ Nghệ
Những ngày cận Tết Nguyên đán, hàng chục cơ sở tại phường Nghi Thuỷ, Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An nướng cá đang đỏ lửa suốt ngày đêm. Ngay từ đầu làng cũng có thể thấy mùi cá nướng toả ra ngào ngạt.
Chị Nguyễn Thị Lý (57 tuổi, trú tại phường Nghi Thủy) có hơn 40 năm làm nghề cho biết, cá nướng ở đây có đầy đủ các loại, kích thước khách nhau, từ những con cá thu lớn đến cá thửng, cá nục, cá lượng…
"Cá nướng muốn ngon, đạt chất lượng nhất phải mua được cá tươi, mới đánh bắt về. Vì thế làm nghề nướng cá này, chúng tôi phải dậy từ 3-4h ra bến, canh thuyền về để mua cá. Nếu chậm chân, những thúng cá tươi sẽ bị mua hết", chị Lý nói.
Những con cá lớn cần chia thành các khúc nhỏ để nướng. Sau khi sơ chế sạch, cá được trải đều trên bếp. Cá nướng bằng than củi, giữ được vị ngon, dễ bảo quản, vận chuyển, có thể mang đi xa tiêu thụ.
Qua quan sát, bếp nướng cá được thiết kế khá đơn giản bằng những viên gạch xếp thành hàng, 2 thanh sắt dài hơn 1,5m được người dân kê lên bếp để nướng cá. Bật mí thêm về phương pháp, chị Lý cho hay, than nướng phải là thứ than hoa đượm mà không khói, lúc nướng lửa than phải đều.
Người nướng phải nhanh tay trở để cá chín cả 2 mặt, khoảng cách giữa than và vỉ nướng cá phải đảm bảo từ 10-15 cm. Khi thấy miếng cá se lại, vàng óng tỏa ra hương vị thơm ngon đặc trưng nghĩa là đã đạt chất lượng. Cá chín dậy mùi thơm nức, lan tỏa khắp nơi.
"Thời gian nướng mỗi mẻ cá thu là 10-12 phút. Với các loại như cá trích, nục, cồi, lỗ cổ thì 20-30 phút. Muốn cá chín đúng thời gian thì nhiệt từ bếp phải đều, nếu than cháy to quá sẽ làm cá dễ bị cháy, than kém khiến lâu chín và màu cá không được đẹp", chị Lý cho hay.
Nghề này tuy vất vả, ngày nào cũng lấm lem than khói, nhưng mang lại nguồn thu ổn định. Mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, mỗi người nướng được gần một tạ cá, nhận được trung bình 200.000 đồng tiền công.
Tỉ mẩn rửa sạch từng khúc cá để chuẩn bị cho mẻ nướng mới, chị Nguyễn Thị Nga cho biết, chị bắt đầu biết nướng cá từ năm 12-13 tuổi, đến nay sau hơn 30 năm gắn bó, nướng cá đã trở thành nghề mang lại thu nhập ổn định cho cả gia đình.
"Gia đình tôi 3 đời làm nghề nướng cá, nghề này giúp cho gia đình có thu nhập ổn định, nuôi con cái học hành và đặc biệt là những dịp Tết như thế này việc nhiều, có khi nướng cả ban đêm, nhưng lại có một cái Tết đủ đầy hơn", chị Nga nói.
Cá thu nướng than hồng, đặc sản dịp Tết Nguyên đán
Chị Hoàng Thị Hậu (chủ cơ sở nướng cá Hoàng Hậu) tại bến cá Nghi Thuỷ cho biết, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ rất cao, đặc biệt là những loại cá ngon, khách đặt với số lượng lớn để làm quà biếu.
Trong đó, mặt hàng bán chạy nhất là cá thu nướng. Vì vậy, cá thu được khách đặt mua làm quà biếu Tết thường sẽ được nẹp thêm thanh tre mỏng để tạo hình thẳng đẹp, không bị vỡ nát.
Do đã có thương hiệu từ hàng chục năm nay, vậy nên khách hàng chỉ cần lên mạng gõ cá nướng Nghi Thuỷ cũng đã cho hàng chục kết quả. Vì vậy, khách hàng chỉ cần liên lạc qua điện thoại để đặt. Cá sau khi nướng chín, các chủ cơ sở sẽ đóng gói, gửi cho khách theo địa chỉ.
Còn khách du lịch muốn mua cá tươi nướng có thể chọn tại cửa hàng nằm ven biển hoặc bến Nghi Thuỷ. Giá mỗi kg cá thu trắng 200.000 đồng, cá thu đen 170.000 đồng. Đến sát Tết, giá sẽ nhích thêm một ít.
Bà Nguyễn Thị Lan, trú phường Nghi Thủy, chia sẻ, dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày cơ sở của bà nướng gần 1 tấn cá để phục vụ cho thị trường. Trong đó, có loại cá thu lưới, rất tươi ngon được nhiều người đặt mua.
"Du khách cũng có thể đặt thêm cá trích và cá nục 80.000 đồng; cá lỗ cố 100.000 đồng mỗi kg. Cá nướng rồi hút chân không, với mục đích để giữ cá được tươi ngon", bà Lan nói.
Những tháng hè, thị trường tiêu thụ chính của gia đình là khách du lịch, các nhà hàng, khách sạn lớn… nên sản lượng tiêu thụ duy trì ổn định. Còn vào dịp Tết, nhu cầu mua cá nướng làm quà biếu tăng cao nên sản lượng tiêu thụ cũng tăng.
Gia đình phải thêm lao động, thêm lò nướng để kịp đơn hàng. Ngoài khách trong huyện, trong tỉnh, thời điểm này có rất nhiều khách ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã đặt hàng cho Tết.
Ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy cho biết, nằm ven biển, phường Nghi Thủy có trên 20 hộ gia đình chuyên làm nghề nướng cá, trong đó 4 hộ thuê nhân công thời vụ. Bình quân mỗi ngày các lò nướng tiêu thụ trên 5 tấn cá các loại đưa đi khắp các chợ trong tỉnh và phục vụ khách du lịch làm quà.
"Phát huy tiềm năng lợi thế của một xã ven biển, những năm qua xã Nghi Thuỷ đã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản, trong đó nướng cá biển được xem là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân", ông Lợi nói.