"Làng chạy" có khoảng 15 hộ, sinh sống trong những căn lều lụp xụp, dựng tạm bợ. Dân ở làng đều là người xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nơi xuất phát điểm của nghề đan dây truyền thống.
Theo nhiều người dân tại đây, sản phẩm dây, sợi sản xuất ở khu vực Chợ Mới nổi tiếng khắp cả nước bởi chất lượng, màu sắc và độ tỉ mỉ. Mỗi năm, hàng trăm tấn các loại dây, sợi được các thương lái vận chuyển đi bán khắp cả nước.
Tuy nhiên, anh Võ Đức Tiến (35 tuổi), cho biết: "Sau khi hội nhập WTO, các nhà máy, công ty chuyên sản xuất các loại dây, sợi ra đời hàng loạt khiến cho sản phẩm của làng nghề đan dây Chợ Mới ngày một mai một. Những người làm nghề đã phải bỏ xứ đi tứ phương để kiếm sống và tìm cơ hội để khôi phục lại nghề truyền thống".
PV đã tìm đến nhà ông Võ Văn Sơn, người đầu tiên đưa những thiết bị máy móc từ An Giang lên TP.HCM mở làng nghề. Trò chuyện với chúng tôi, ông chia sẻ: "Trong một lần đến chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp), tôi bất ngờ khi biết các sạp hàng ở đây đang tìm người để sản xuất các loại dây, sợi có số lượng nhỏ theo yêu cầu. Như bắt được vàng, tôi cùng vài người đồng hương tìm ngay địa điểm mở làng và bắt đầu vận chuyển phương tiện máy móc lên. Thấy chúng tôi quyết tâm, những người làm nghề ở quê cứ lần lượt theo về đây. Đến nay, "làng chạy" đã tồn tại ở TP.HCM hơn 10 năm".
Trên lối mòn hẹp dẫn vào "làng chạy", chúng tôi như bị cuốn hút bởi hàng trăm thiết bị máy móc được người dân tự chế nằm ở khắp nơi. Hàng ngàn mét dây đang làm dở nằm vương vãi khắp nơi. Sau mỗi đường chạy ngoài cái nắng bỏng rát, thợ chạy dây lại lao vào những xô nước đá để sẵn trong lều để uống.
Công việc cứ tiếp tục cho đến khi thành phố lên đèn, nhịp sống về đêm bắt đầu nhộn nhịp thì những hộ dân ở làng chạy mới dừng tay để nghỉ ngơi. Lúc này, những đứa trẻ là con cái của các hộ bắt đầu tập trung về các căn lều để đợi bố mẹ, ông bà trở về.
Hầu như những người làm nghề đan dây ở đây đều biết làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị "chết" khi khu vực này sắp bị giải tỏa. Một thực tế khác không thể phủ nhận là nghề đan dây, se dây thủ công làm không đủ ăn nhưng những người thợ ở đây đang ở thế cùng phải cố gắng để giữ cái nghề để mưu sinh vì không có nghề nào khác.
Những người dân cao tuổi làm nghề cho hay, trước đây một thời gian, làng có phát triển các hình thức sản xuất như phối hợp thợ chính, làm sản phẩm theo nhóm nhằm sản xuất nhanh các đơn hàng, nhưng chỉ được một thời gian rồi cũng bị đổ bể.
Thế nhưng, trên bao nhiêu lo âu về nơi ăn chốn ở, về cái nghề truyền thống của cha ông, chúng tôi cảm nhận được nỗi lo lớn nhất của người dân nơi đây không chỉ là cơm ăn, áo mặc mà còn về tương lai của thế hệ con cháu. Bà Nguyễn Thị Bé (58 tuổi), có bốn người con (ba trai, một gái) nhưng chỉ còn mỗi thằng út đang học lớp 4 mà cũng đang định cho nghỉ.
Không giấu được nỗi buồn, bà Bé tâm sự: "Cuộc sống mưu sinh đã khó khăn mà học hành lại tốn quá nhiều chi phí nên phần đông các em nhỏ ở đây phải dang dở việc học hành, họa hoằn lắm mới có em học hết cấp 2".
Theo lời bà thì mấy đứa nhỏ ở đây nếu học hết cấp 3 thì chưa chắc có điều kiện lên đại học, như thế học cũng không biết để làm gì, chi bằng nghỉ học sớm đặng phụ giúp cha mẹ làm nghề.
H.Nam