Bị cấm đoán trong chính ngôi nhà của mình!
Theo PV báo điện tử Người Đưa Tin tìm hiểu, có khoảng 60 hộ dân sinh sống tại ngôi làng được coi là di sản sống này đồng loạt ký vào đơn kiến nghị xin được "trả" lại danh hiệu Di Tích Quốc gia. Có lẽ từ trước đến nay, nhiều người chỉ biết đến Đường Lâm với những ngôi nhà cổ có tuổi thọ vài trăm năm được xây bằng tường đá ong chứ ít ai biết đến được sự bất tiện trong "lòng" của chủ nhân sở hữu những di sản vô giá đó.
Một số hình ảnh về làng cổ Đường Lâm
Tình cảnh nhiều hộ gia đình có bốn cặp vợ chồng sống chung trong căn nhà cấp bốn khoảng 100m² có lẽ là nguyên nhân của sự "trả". Theo đại diện của hộ dân, thì do cái quy chế tạm thời được đưa ra cách đây 8 năm, người dân không được xây nhà hai tầng trở lên, không được tự ý cơi nới, nhiều hộ chật quá, họ xây thêm cái gác xép nhỏ cũng bị "quy" vào xây hai tầng và yêu cầu phá dỡ. Trụ sở xã, trường mầm non xã cũng không được xây dựng đạt quy mô, 70-80 cháu sinh hoạt chung trong một cái phòng, vì không thể xây hai tầng được, dự án xây trường ra vị trí khác thì phải... chờ tiền.
Theo như trình bày của ông Phan Văn Hòa, phó chủ tịch UBND xã Đường Lâm với báo chí thì bà con không được hỗ trợ giãn dân hoặc kinh phí sửa sang nhà cửa gì cả, trong khi đó toàn bộ tiền thu vé 20.000 đồng/người vào làng, mỗi năm hai ba chục vạn khách, tiền tỉ ấy, người ta nói (bằng văn bản) là để... chi cho công tác quản lý (trả lương cho những người đứng ra tổ chức thu vé!). Ông Hoà nói làng cổ Đường Lâm hiện nay đang có những bức xúc "không có lối thoát". Lãnh đạo xã đi họp muốn nói về chuyện này, đôi khi định trình bày cũng không được nói. Mỗi lần đi họp, lãnh đạo xã trình bày với cấp trên thì được bảo trách nhiệm của xã là cứ xử lý "vi phạm" trong xây dựng đi đã. Chứ còn giải pháp thì... không có giải pháp!.
Theo chúng tôi tìm hiểu, làng cổ Đường Lâm được công nhận Di tích Quốc gia từ năm 2005, đã gần 10 năm trôi qua, đến nay quy hoạch làng cổ vẫn chưa có. Hiện tại mới chỉ có quy chế tạm thời về xây dựng, làm nhà cửa ở trong làng. Những người dân sống ở đây đề xuất một mẫu nhà làm sao vừa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cho bà con, vừa bảo vệ được cảnh quan làng cổ, tuy nhiên vẫn chưa có phương án nào được lựa chọn và đưa ra.
Hướng mở
GS., nhà văn hóa Trần Lâm Biền cho biết: "Mấy hôm nay tôi cũng nghe báo chí phản ánh rất nhiều về sự việc này. Tôi được biết, hiện nay không chỉ ở làng cổ Đường Lâm mà nhiều nơi khác cũng chung tình cảnh đó. Đã từ lâu, ở nước ta luôn tồn tại một thực tế, cái gì cũng muốn chạy trước, làm nhanh nhưng không hề có sự chuẩn bị và phương án phòng bị sự cố phát sinh. Tôi đã đi rất nhiều nước Tây Âu, thấy họ có cách làm cực kỳ khoa học và thông minh. Ở bất cứ nơi đâu có di tích, họ luôn xây dựng một nhà mới ở gần đó. Nghĩa là họ phân biệt thành khu "mới" và khu "cổ".
Ở nước Bỉ, giữa con đường trục lớn, khu mới sẽ xây dựng những tòa nhà mới còn khu cổ cố gắng bảo tồn, giữ lại toàn bộ các kiến trúc từ nhà cửa, đường, vỉa hè... Tôi thấy có những con đường dài hàng cây số bên đó vẫn được lát bằng phiến đá đã hàng trăm năm tuổi thọ. Nếu làm được như thế thì cả hai khu trên sẽ không bị xen kẽ và phá hoại giá trị của nhau".
GS. Trần Lâm Biền
GS. Trần Lâm Biền cho rằng, ở làng cổ Đường Lâm, người ta quy hoạch nhà cửa thành di tích mà không mở cho người dân một "lối thoát" đương nhiên họ sẽ phản ứng. Họ đang bị "cấm đoán" trên chính ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, hai năm trôi qua, những người làm di tích lại không nhìn nhận được sự ngột ngạt, mâu thuẫn đó để tìm cách giải quyết. Đến khi những bức bối đó, con người ta không thể chịu đựng được nữa thì điều tất yếu họ phải làm đơn rút khỏi di tích. Đó là điều dễ hiểu. Họ là gia đình, cũng cần phải sinh con đẻ cái. Việc các cơ quan chức năng cấm họ xây nhà, sửa nhà thì cả chục người trong một gia đình chui vào đâu mà sống?
"Đúng luật mà nói, những ngôi nhà cổ đó là của người dân, họ có đủ quyền để sửa nhà, xây nhà. Tuy nhiên, những người quy hoạch di tích lại không cho họ thực hiện điều đó. Khi dân số tăng lên, các ngôi nhà đó không đủ tải để ở. Không biết họ phải sống trong cảnh ngột ngạt đó đến bao giờ", GS. Biền chia sẻ.
Theo vị giáo sư này, đến thời điểm hiện tại mới nói về việc sửa sai thì đã muộn. Tuy nhiên, biết sai mà sửa còn hơn cứ ngồi đó làm khổ người dân Đường Lâm. "Các cơ quan chức năng nên thiết kế một khu đất ngay cạnh làng cổ để người dân phát triển nhà ở mới. Và chính khu mới đó sẽ là đối trọng để nâng tầm giá trị văn hóa của những ngôi nhà cổ kia lên. Còn nếu họ không giải quyết được những hệ lụy nói trên thì nên trả lại cái quyền vốn có của người dân Đường Lâm được tu sửa và xây dựng trên chính ngôi nhà của mình", GS. Biền nói.
Danh hiệu phải thiết thực PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên phó Viện trưởng viện Văn hóa và phát triển cho rằng: "Nếu như Nhà nước chưa có kế hoạch để xây dựng bảo tồn cho nó đúng với gốc của làng cổ thì Nhà nước phải bỏ tiền từ các nguồn khác để bảo tồn nó. Cấp cho người ta một cái danh hiệu mà danh hiệu đó không mang lại ý nghĩa kinh tế nào trong khi đó người dân dù bình thường hay sống trong những ngôi làng cổ thì đều cần phải sống nên họ đề nghị trả lại danh hiệu cũng là điều dễ hiểu. Di sản phải mang lại lợi ích thiết thực thì bản thân người dân sẽ tự ý thức bảo tồn làng cổ, bảo tồn "nguồn" kinh tế của họ”. |
Chương - Thơm