Trên con đường đi vãn cảnh chùa Hương, ở đoạn đi qua xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), chúng tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy trên cổng làng có khắc dòng chữ “Làng văn hóa Trinh Tiết”. Qua tìm hiểu PV Người đưa tin được biết, đã từ lâu, con gái làng này không chỉ nổi tiếng về sắc đẹp mà dịu dàng, đảm đang, khéo léo và luôn giữ trọn trinh tiết. Ở đây, người ta quy định một tập tục khá thú vị. Đó là con gái trong làng trước khi đi lấy chồng phải lát đường làng.
Đường vào làng Trinh Tiết
Làng gái đẹp
Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng, hai bên tường rêu phong cổ kính, ông Đỗ Đức Trường, nguyên Bí thư chi bộ làng Trinh Tiết khoe rằng: “Con đường lát gạch PV đang đi là do những cô gái còn trinh làm đấy”. Trước đây, làng còn nằm trong vùng chiêm trũng, đường đi lầy lội. Mùa mưa, dân làng đi lại trên những cây cầu “chân chó” cực kỳ vất vả. Trong làng có huy động mọi người đóng góp nhưng không thành công. Thế là, các cụ nghĩ ra một “độc chiêu”: gia đình nào có con gái đi lấy chồng phải góp gạch xây đường làng.
Để tìm hiểu sâu hơn về làng văn hóa Trinh Tiết, chúng tôi đã đến gặp cụ Kiều Ngọc Úc (83 tuổi) một cao niên trong làng. Cụ Úc sinh ra và lớn lên ở làng Trinh Tiết. Dù tuổi đã già, sức đã yếu nhưng cụ vẫn đam mê nghiên cứu Nho học và văn hóa cổ. Được biết, cụ Úc là người duy nhất trong làng có thể nắm rõ về lịch sử cũng như văn hóa ngôi làng đặc biệt. Tâm sự với chúng tôi, cụ Kiều Ngọc Úc lật từng trang trong cuốn sổ nhàu nát cho biết: Tên khai sinh của làng Tinh Tiết là Bối Lang. Ngày xưa, ngôi làng nằm gọn trên một gò đất. Sau khi phù sa sông Đáy bồi thành một vùng đất màu mỡ ở ven bờ nên dân làng đã rủ nhau ra sinh sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, diệt lụa... Những mặt hàng thủ công do chính những người con gái làng làm ra để bán ở chợ Siêu. Rồi cái tên làng Siêu cũng xuất hiện từ đó.
Nhắc đến con gái làng Trinh Tiết, ai cũng khen họ đảm đang, tháo vát. Những đôi bàn tay khéo léo cấy nên những cây lúa thẳng tắp, chăm sóc cho những cánh đồng xanh mơn mởn. Bàn tay ngọc ngà quay tơ, diệt lụa kết thành mảnh vải mịn, áo the mượt mà, tấm lụa mềm mại, vuông lượt (mảnh vải đã được gấp lại ngay ngắn) đẹp đẽ để làm quà tặng. Các nàng còn biết sáng tạo đặc sản cốm thành hương vị quyến rũ với sự kết hợp của mùi thơm chuối tiêu.... Biết bao chàng trai làng trên xóm dưới đều si mê con gái làng Trinh Tiết.
Cụ Úc bỗng dừng lại ở một trang sổ rồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện có trong tuyền thuyết. Theo đó, ngày xưa, có chàng trai tên Nguyễn Đức Minh, ở Thanh Hóa, sau khi được bố truyền lại nghề gia truyền “tướng địa” (xem phong thủy – PV) đã đi ngao du thiên hạ để hành nghề và khám phá các vùng đất lạ. Có một lần đi ngang qua vùng đất này, gặp thiếu nữ Trần Thị Thanh có vẻ đẹp sắc nước hương trời nên đã đem lòng si mê. Đức Minh về nhà bảo bố mẹ đến hỏi cưới nàng làm vợ. Tuy nhiên, sáu năm sau ngày vu quy họ vẫn chưa có một mặt con nên hai vợ chồng dắt nhau lên chùa Hương Sơn Tự cầu nguyện. Lời nguyện cầu ứng linh, không lâu sau họ sinh ra đứa con mụ mẫm, đặt tên là Bảo Công.
Khi cậu bé Bảo Công lên sáu tuổi thì mồ côi cha. Hai mẹ con phải bơ vơ, khổ cực. Cuộc sống khó khăn nhưng người mẹ vẫn một mình làm thuê, làm mướn để nuôi con khôn lớn. Mặc dù đã có rất nhiều người đến hỏi cưới nhưng bà không chấp nhận đi bước nữa, vẫn rất mực thủy chung son sắt thờ chồng, nuôi con. Thương mẹ, Bảo Công cũng nhận chăn bò cho phú ông để hai mẹ con có thể được ở gần nhau. Ngày ngày, cậu bé đuổi bò ra đồng rồi cùng đám trẻ làng tập đánh trận giả. Các cậu bé lấy những bông cỏ lau, cành cây…làm ngọn cờ. Cậu bé Bảo Công luôn thể hiện được tài thao lược, chỉ huy “trận” nào đánh thắng “trận” đó. Lớn lên trong cảnh nước nhà bị xâm lăng, dân chúng bị đàn áp, Bảo Công bí mật triệu tập binh mã, mong có ngày góp sức đánh tan quân xâm lược.
Cụ Úc nhíu mày kể, tôi nghe các cụ đi trước kể lại là năm 545, Nhà Lương đem quân xâm lược nước Vạn Xuân. Vua Lý Nam Đế thua trận và bị ốm chết. Người lên thay là vua Triệu Quang Phục. Ngài lui quân về động Dạ Trạch (Hưng Yên) để đánh du kích. Lúc này nghe tiếng của Bảo Công ở làng Siêu đang tập hợp được rất nhiều binh mã, nhà Vua đã sai người đến mời Bảo Công hợp sức đánh giặc ngoại xâm. Năm 550, vua Triệu Quang Phục giành thắng lợi, khôi phục lại nước Vạn Xuân, tự xưng là Triệu Việt Vương.
Sau khi Bảo Công đã góp công đánh tan quân giặc thì hay tin mẹ già ở quê mất. Ông lập tức về quê chịu tang mẹ ba năm. Lúc này, Lý Phật Tử dùng âm mưu thâm hiểm, giả vờ muốn làm lành để xin cưới con gái Triệu Việt Vương. Bảo Công đến kinh thành để khuyên vua về dã tâm của Lý Phật Tử đừng gả con gái cho hắn. Hết lời can ngăn mà nhà Vua không nghe, Bảo Công đã treo ấn từ quan về quê sinh sống.
Năm 571, vua Triệu Quang Phục mất cảnh giác với âm mưu của hai cha con Lý Phật Tử nên đã thua trận, ngài rút chạy về phía nam, cùng đường đã gieo mình xuống cửa biển Đại An (nay thuộc tỉnh Nam Định) tự vẫn.
Cụ Úc đang kể với PV và con cháu về lịch sử làng
Thuyền thuyết làng Trinh Tiết
Năm 1054, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy nhìn thấy cảnh sắc thơ mộng nên đã dừng thuyền lên bờ thăm thú. Các thiếu nữ ở đây xinh đẹp, dịu dàng khiến vua cũng phải tấm tắc ngợi khen. Các cụ trong làng đã biếu nhà Vua một áo lụa và một áo tơ tằm do chính những thiếu nữ trong làng thêu.
Vua rất hài lòng. Nhà Vua vất xúc động khi nghe câu chuyện bà Trần Thị Thanh mất chồng nhưng không chịu đi bước nữa ở lại nuôi con thành một vị tướng tài, giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Cảm động trước tấm lòng son sắt thủy chung của người phụ nữ nơi đây, vua đã đổi tên làng Siêu thành Làng Trinh Tiết.
Chúng tôi đem những chuyện lạ này đến để trao đổi với ông Hoàng Xuân Công, cán bộ văn hóa xã Đại Hưng. Ông Công cho biết, làng Trinh Tiết có hơn 900 hộ dân. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, buôn bán, chạy chợ… Nhưng chủ yếu họ vẫn là sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, diệt lụa truyền thống. Vải vóc, lụa là của làng Trinh Tiết được diệt từ những bàn tay các thiếu nữ làng này tinh xảo đến từng đường tơ. Ngày xưa, khi những người chồng đi kháng chiến thì họ vừa chăm sóc con cái và đảm trách việc đồng áng. Hình ảnh người con gái đi cày cũng chẳng có gì lạ ở làng này.
Được biết, từ lâu người dân nơi đây luôn tự hào về truyền thống gìn giữ Tiết Trinh. Ngay cả khi chồng chết, những người phụ nữ ở “góa” thờ chồng nuôi con. Ông Hoàng Xuân Công chia sẻ với chúng tôi, trong cuộc sống hiện đại, giới trẻ có biểu hiện sống vội, sống gấp nhưng những cô gái làng Trinh Tiết vẫn luôn ý giữ được nét đẹp của người phụ nữ truyền thống. Nếu có chuyện “ăn cơm trước kẻng” thì cũng phải có sự dạm hỏi cưới trước. Hiện nay, làng Trinh Tiết không có việc chửa hoang hoặc sinh con “ngoài giá thú”.
Tiễn chúng tôi ra về trên con đường được lát gạch từ đóng góp của những cô gái trinh, ông Công nói với PV, những phẩm chất tốt đẹp của người con gái làng Trinh Tiết khiến bất kỳ ai đến cũng khen ngợi. Khi đã lấy chồng, họ sẽ nguyện thủy chung đời đời, kiếp kiếp. Chẳng may chồng mất, họ vẫn thủ tiết thờ chồng, nuôi con. “Chính vì vậy mà con gái làng chúng tôi có giá lắm!”, vị cán bộ xã cười nói.
Thách cưới bằng... gạch Ngôi làng bên dòng sông Đáy hiền hòa đã sinh ra các thiếu nữ xinh đẹp, trong trắng, lại khéo may vá, thiêu thùa nên rất nhiều cung tần, mỹ nữ lọt vào mắt xanh của Vua. Tất cả các thiếu nữ được tiến dâng phải vẹn nguyên trinh tiết. Chính vì vậy con gái làng Trinh Tiết chỉ chấp nhận “trao thân” cho người mình đã lấy làm chồng. Đặc biệt, trước khi đi lấy chồng, mỗi người con gái trong làng đều phải góp 200 viên gạch để xây đường làng. Ông Trường cười bảo: “Nếu như nhà gái không lo đủ thì nhà trai phải lo giúp, bao giờ góp đủ 200 viên gạch mới cho tổ chức đám cưới. Nếu không, đừng hòng lấy được con gái làng này”. Tuy nhiên, từ khi con đường làng được hoàn tất thì tục lệ gái trinh góp gạch xây đường làng cũng bị bỏ. Thế nhưng, con đường làng nhuốm màu rêu phong, cổ kính đã minh chứng đẹp đẽ, độc đáo của văn hóa làng Trinh Tiết. |
Hoàng Thế Tào