Thế giới của người thiên cổ
Mảnh đất Hiệp Hòa, Bắc Giang xưa nay được mệnh danh là khu bảo tàng đá lớn nhất cả nước. Trong số 46 lăng đá cổ của tỉnh Bắc Giang còn lưu giữ đến ngày nay, huyện Hiệp Hòa có tới 26 lăng. Xếp sau đó là Việt Yên 11 lăng và Tân Yên 5 lăng còn 4 lăng nằm rải rác ở các huyện khác. Để tìm hiểu về những di tích có bề dày văn hóa này, PV đã tìm về khu lăng mộ đá Dinh Hương, xã Đức Thắng, Hiệp Hòa và được nghe rất nhiều câu chuyện kỳ bí xung quanh khu lăng mộ cổ này.
Tượng đá trong lăng
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, ông Nguyễn Văn Sang (SN 1965), phó chủ tịch phụ trách khối văn hóa-xã hội xã Đức Thắng không giấu nổi niềm tự hào khi nhắc đến công trình quý báu của quê hương. Ông cho biết, theo các cụ cao niên trong làng, từ xưa, người Hiệp Hòa nói riêng và người xứ Kinh Bắc nói chung có cuộc sống vô cùng phong phú và có bề dày văn hóa; đặc biệt là truyền thống khoa cử, trọng chữ, hiếu học. Những bậc hiền tài ấy sau khi đỗ đạt đã vào làm quan lớn trong các triều đình xưa, có công lớn với triều đình và thu phục được lòng dân. Những vị này, khi về già thường trở lại quê hương, được nhà vua ban thưởng nhiều bổng lộc và cho phép xây lăng mộ để làm chỗ an nghỉ vĩnh hằng cho mình.
Lý giải việc xuất hiện nhiều lăng đá cổ trong vùng, ông Sang còn cho hay, trước đây xứ Kinh Bắc có rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống đạt trình độ sáng tạo nghệ thuật cao, trong đó có nghề chạm khắc đá. Qua nhiều thế hệ, đã có không ít nghệ nhân nổi danh và được nhân dân thờ phụng.
Sau ít phút trò chuyện tại UBND xã, chúng tôi may mắn được gặp ông Khương Viết Hưởng, trưởng thôn Dinh Hương. Vốn là người sinh ra trên mảnh đất Dinh Hương, ông Hưởng nắm rất rõ khu lăng mộ và những câu chuyện ly kỳ xung quanh đó. Tiếp đón nhiều đoàn nghiên cứu và các nhà văn hóa về Dinh Hương, ông Hưởng cho hay, rất nhiều người đã khẳng định rằng, trong phạm vi các tỉnh miền Bắc từ Ninh Bình trở ra, lăng đá Dinh Hương được đánh giá là lăng đẹp nhất, có nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc và điêu khắc.
Theo văn bia ghi chép lại, lăng Dinh Hương được xây dựng từ năm 1729 và hoàn thành năm 1749. Lăng mộ này xuất hiện trước tất cả các lăng mộ vua Nguyễn ở Cố đô Huế. Lăng Dinh Hương là nơi an nghỉ của vị võ quan thủy binh Quận công La Quý Hầu. Ông có tên thật là La Đoan Trực (sinh năm 1688 và mất năm 1749). Năm 1730, dưới triều vua Lê Duy Phường, ông được cử làm dịch quân thị hầu, thị đội, rồi làm thái giám.
Dưới triều vua Lê Ý Tông, ông được cử hai lần đi sứ phương Bắc vào năm 1735 và năm 1739. Sang năm 1740 dưới triều vua Lê Hiển Tông, ông cầm quân đi dẹp loạn ở các vùng thuộc đạo Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương. Ông mất mùng 9 tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1749), thọ 61 tuổi.
Năm 1754 ông được vua phong là Phúc thần trung cẩn đại vương. Sau khi thôi làm quan, với những chiến công của mình, ông được nhà vua ban tặng rất nhiều bổng lộc và cho phép xây dựng lăng đá tại quê hương. Lăng được chính Quận công xây dựng tại quê nhà khi còn sống.
Có mặt tại khu lăng đá, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô của khu lăng đá cổ. Quần thể lăng đá Dinh Hương được chia làm ba phần chính: Phần mộ táng ở giữa, phần thờ tự ở bên trái, phần bia ở bên phải. Tập hợp trong lăng là hệ thống tượng người, voi và nghê bằng đá xanh, kích thước lớn, hình khối mập và được chạm tỉa công phu. Trong lăng có hai bức tượng đá tạc hình hai vị võ tướng dắt ngựa đứng chầu đối diện nhau.
Theo lời ông Khương Viết Hưởng, cặp tượng này được giới chuyên môn xếp vào kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá của người Việt xưa. Phía bên trái lăng là tượng võ quan râu dài, mặt nhỏ, đeo gươm, dắt ngựa; phía bên phải là võ quan mặt to, hàm rộng. Với tỉ lệ kích cỡ cân đối, toàn bộ hình khối tượng được chạm khắc công phu toát nên vẻ đạo mạo, phi phàm.
Khu vực tập trung sự chú ý của chúng tôi nhất chính là khu mộ phần. Phía trước mộ phần có một khoảng sân rộng bằng gạch. Phía trong cùng, hai bên mộ phần có hai tượng nữ quan đứng hầu mang vóc dáng và dung mạo sống động như nguyên mẫu đời thường. Ngay hai bên hương án là hai con nghê đá trong tư thế ngồi, mặt ngửa lên trời cao. Nhích về phía trước một chút là đôi tượng voi bằng đá trong tư thế phủ phục. Quan sát chung các pho tượng nơi đây, chúng tôi nhận thấy, nét độc đáo của nghệ thuật chạm khắc theo khuynh hướng tả thực, tự nhiên hóa. Các pho tượng có kích thước lớn, hình khối mập, chắc, cứng cáp, giống như thật và được tỉa tót một cách công phu.
Chiếm một vị trí khá lớn trong quần thể lăng Dinh Hương là phần bia. Trải qua gần 300 năm nhưng những chữ chạm khắc trên bia vẫn còn rõ nét. Theo lời kể của vị trưởng thôn Dinh Hương, năm 1995, tấm bia này đã được Viện nghiên cứu Hán Nôm chép lại và nghiên cứu. Nội dung tấm bia có ghi cụ thể về thân thế, sự nghiệp của vị Quận công La Quý Hầu cũng như quá trình xây dựng lăng mộ cổ, nguồn gốc nguyên liệu đá tại lăng.
Khu trung tâm lăng đá cổ.
Bí ẩn xác ướp trong lăng mộ
Đến khu lăng đá vào buổi chiều muộn trong tiết trời lành lạnh, chúng tôi có cảm giác như mình đang lạc vào thế giới của người xưa. Điều đặc biệt cuốn hút là chúng tôi lại được ông Khương Viết Hưởng kể lại những câu chuyện vô cùng hấp dẫn song hành cùng khu lăng đá này. Lăng Dinh Hương được đích thân vị tướng La Đoan Trực xây dựng khi còn sống và là nơi an nghỉ của ông khi đã qua đời. Tính đến thời điểm này, lăng đá đã tồn tại 283 năm.
Ông Hưởng cho biết, theo lời kể của các vị cao niên, khi vị tướng công này mất, người làng vô cùng thương tiếc và tìm mọi cách để lưu giữ được lâu nhất thi hài của ông. Học theo cách an táng thời cổ, áo quan của vị tướng công được làm bằng gỗ thông, loại gỗ có hương thơm và được trang trí rất cầu kỳ. Thi hài được ướp cùng các hợp chất để giữ cho thi thể có thể nguyên vẹn trong thời gian dài nhất. Theo đó, thi hài được ngâm vào dầu thông cho thơm sau đó được mặc rất nhiều quần áo đẹp có thêu hình rồng phượng. Không những thế, bên trong áo quan còn có nhiều chè búp, hoa hòe và các hợp chất tinh chế quý hiếm giúp cho xác ướp được thơm và khô ráo.
Trải qua thời gian, thi hài dù được bảo quản rất tôn nghiêm nhưng không tránh khỏi sự dòm ngó của kẻ gian. Nhiều người cho rằng, vì là vị quan có nhiều công lao và được ban thưởng nhiều bổng lộc, châu báu nên khi ông mất, rất nhiều đồ vật quý hiếm đã được an táng theo. Thông tin ấy đã khiến lăng mộ không ít lần rơi vào tầm ngắm của giới săn đồ cổ.
Năm 1979, khu lăng đá cổ đã bị kẻ gian xâm phạm và đào bới lật tung khu mộ táng. Một phần góc áo quan ở phía đầu của vị tướng công đã bị vỡ mất một mảng. Chiếc đai đồng dùng để gắn miệng áo quan cũng bị bung ra. Người ta quan sát phía trong thì thấy lênh láng một chất lỏng màu đen như nước dầu luyn. Tuy nhiên, thứ nước ấy không có mùi gì khó chịu. Nhiều người tò mò đã dùng que đưa vào phía trong áo quan thì nhấc lên rất nhiều vải vóc, áo gấm dạng như của vua chúa thời xưa. Lúc đó, khi thi hài của vị tướng công bị xâm phạm, nhiều người đã kiến nghị nên sang quan, thay cát cho ông. Tuy nhiên vì sự linh thiêng và lâu đời của lăng mộ, người làng Dinh Hương quyết định vá lại áo quan và lấp đất lại như cũ.
Cũng theo lời ông Hưởng, tính từ thời điểm đó đến nay, không còn ai dám đào bới phần mộ táng này lên nữa. Chính vì thế cũng không ai dám chắc đến thời điểm này, trong phần lăng mộ còn tồn tại thi hài của vị tướng công hay đã bị kẻ gian đánh cắp. Tiếp xúc với một số người dân nơi đây chúng tôi được biết, lâu lâu lại có một số nhóm người nhăm nhe khám phá khu mộ phần để truy tìm đồ cổ. Có lẽ đó vẫn là một bí ẩn mà người thời nay chưa có lời giải đáp.
Phạm Hạnh - Dương Thu