Xuất ngoại bán dạo trầm hương
Trong cái nắng vàng mắt đầu tháng 6, con đường vượt qua đèo Le về làng Trung Phước dường như rút ngắn bởi trước mắt tôi là những tỷ phú nông dân làng Trung Phước xuất ngoại bán dạo trầm hương mới trở về.
Lão nông Trương Văn Ba kiêm phu trầm, và bây giờ là tỷ phú bán dạo trầm hương xuyên quốc gia từ Trung Quốc, Hồng Kông sang Nhật Bản, bảo rằng suốt mấy năm nay anh ăn cơm bên Trung Quốc nhiều hơn ăn cơm ở làng.
Đến giờ, anh Ba không thể nhớ mình đã bao nhiêu lần xuất ngoại để bán dạo trầm hương. Tấm hộ chiếu phổ thông phải đổi mấy bận vì không còn chổ để đóng thị thực mỗi lần xuất nhập cảnh.
Một gốc dó trầm chuẩn bị đưa vào chế tác trầm cảnh tại làng Trung Phước.
Chuyến xuất ngoại đầu tiên của anh là vào đầu năm 2011. Anh bảo, đấy là chuyến lãng du phiêu bạt với ý định tìm đối tác tiêu thụ trầm hương do mình sản xuất.
Khi vừa đáp xuống sân bay Bắc Kinh, Trung Quốc anh thấy vô cùng lạ lẫm, lớ ngớ chẳng biết đi đâu về đâu vì phố xá sầm uất làm anh choáng ngợp.
“Đứng một lúc định thần và vẫy chiếc taxi, tiếng Trung một tiếng không biết nên tui chỉ biết nói chuyện bằng 2 tay ra hiệu tài xế cứ thế chạy thẳng. Ngồi trong xe, thò đầu ra ngoài thấy bất kỳ cửa hàng mỹ nghệ nào bên đường là tui yêu cầu tài xế dừng xe lại” - anh Ba kể.
Xuống xe, tui lôi gói trầm trong túi ra rồi bật hộp quẹt ga đốt để cho chủ cửa hàng nghe mùi thơm của trầm và ra hiệu muốn bán. Không ngờ chuyến xuất ngoại bán dạo trầm đầu tiên tui thắng lớn. Cả ba lô trầm mang theo bán sạch chỉ chưa quá 10 ngày, kiếm hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
“Đã hơn 3 năm qua tui cứ thế đi bán dạo trầm hương ở Trung Quốc. Nhiều lúc tui mua vé bay sang Hồng Kông để chào hàng” anh Ba cho hay.
Giới thiệu sản phẩm trầm hương với khách tại hội chợ
Cũng giống như anh Ba, nhiều thanh niên của làng như Trương Thanh Hiền, Nguyễn Thanh Lân, Huỳnh Văn Thành - những nông dân chân đất - cũng bắt đầu lập công ty sản xuất trầm hương và mang hàng sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản để bán dạo.
Anh Ba cho biết, mỗi năm doanh số bán dạo của mỗi cơ sở sản xuất trầm hương ở làng Trung Phước lên đến hàng chục tỷ đồng, lợi nhuận 4-5 tỷ đồng mỗi công ty là chuyện bình thường.
Còn Trương Thanh Hiền thì cười bảo: “Khi tui tốt nghiệp đại học kinh tế Đà Nẵng quyết định không xin việc làm mà bỏ về làng mở công ty trầm hương mỹ nghệ ai cũng bảo tui khùng. Nhưng hơn 4 năm qua, công ty trầm hương mỹ nghệ của tui ăn nên làm ra và nuôi sống hơn 60 hộ gia đình” - Hiền kể.
Làng đại gia trầm hương
Từ Trung Phước lên bến Cà Tang, nơi đầu nguồn Sông Thu, dài khoảng 4 km mà tôi nhẩm tính có đến gần 40 cơ sở và công ty chế biến trầm hương nhân tạo nhằm cung cấp cho những thương lái của làng xuất ngoại ra nước ngoài bán dạo.
Đây cũng là nơi cung cấp sản phẩm trầm hương để sau đó, hàng trăm nông dân của làng nối gót nhau đưa hàng ra nước ngoài bán dạo và trở thành những đại gia nông dân giàu có nơi đầu nguồn sông Thu này.
Đốt thử trầm hương để giới thiệu với khách hàng
Điều kỳ lạ, hầu hết giám đốc các công ty sản xuất trầm hương tại làng đều là nông dân chân đất. Cầm tiền tỷ trong tay, nhưng các đại gia nông dân này vẫn cần mẫn làm việc, không mua sắm ô tô đắt tiền như các đại gia nơi thị thành.
Đại gia trầm cảnh Trương Thanh Hiền, Trương Văn Ba... là trong những ông chủ lớn nơi làng trầm Trung Phước. Mới nhìn, không ai biết là những đại gia nắm tiền tỷ trong tay với các bạn hàng làm ăn ở nước ngoài.
Đại gia lão nông Huỳnh Văn Thành, bây giờ là ông chủ của công ty trầm hương nức tiếng ở làng Trung Phước, kể lần đầu đưa hàng sang Côn Minh, Trung Quốc bán dạo. Vì sợ lạc đường ông cầm theo danh thiếp của khách sạn, nhưng sợ đánh rơi không biết đường trở về nên lấy điện thoại chụp hình khách sạn cho chắc ăn. Cứ thế thuê taxi đi bán dạo khắp thành phố, đến khi về bật điện thoại đưa cho tài xế là về đến nơi.
Bây giờ thì ông đã rành đường đi nước bước, lại biết chút ít tiếng Trung, tiếng Nhật nên việc buôn bán làm ăn không còn vất vả như hồi mới sang đi bán dạo.
Nhiều nông dân đã thành công trong việc trồng dó bầu tạo trầm, trở thành những tỷ phú.
Khi bắt đầu các hội chợ quốc tế, từ Côn Minh (Trung Quốc) đến Tokyo (Nhật Bản), Hong Kong, Đài Loan... các đại gia làng trầm Trung Phước đều tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm trầm hương.
Ông Thành vẫn còn nhớ như in vào tháng 5/2009, tại hội chợ quốc tế Nam Ninh (Trung Quốc) có hơn 2.000 gian hàng của các nước trên thế giới thì Việt Nam có 140 gian hàng tham gia. Trong số đó, có 10 gian hàng trầm cảnh của làng Trung Phước góp mặt.
Chỉ sau 10 ngày tham dự, toàn bộ gian hàng trầm của làng Trung Phước bán hết sạch, thu về khoảng hơn 2 tỷ đồng mỗi quầy. Đó là lần bán hàng thắng đậm và được quảng bá sản phẩm trầm của làng ra thế giới - ông Thành hào hứng.
Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Huỳnh Tấn Triều kể rằng chính ông cũng rất ngỡ ngàng về ngôi làng đại gia này, bởi hầu hết, nông dân làng Trung Phước đều ăn nên làm ra từ nghề sản xuất trầm. Sản phẩm trầm lại được các nông dân của làng mang đi xuất ngoại bán dạo làm giàu mà có lẽ, ít ngôi làng nào ở Quảng Nam làm được.
Ông Triều cho hay đã nhiều lần huyện lấy mô hình làng tỷ phú Trung Phước nhân rộng ra toàn huyện, nhưng không hề dễ. Muốn được như vậy đòi hỏi nông dân các làng khác phải dám nghĩ, dám làm chứ không thể ngồi chờ đầu tư của nhà nước và cầm tay chỉ việc...
Giờ thì làng trầm đại gia Trung Phước là ngôi làng duy nhất ở Quảng Nam ghi tên địa danh của làng trên bản đồ trầm hương thế giới. Ở đó, có hàng trăm đại gia nông dân xuất ngoại bán dạo trầm hương và trở về giống như đi chợ.
Tỷ phú trầm hương từ gió bầu Ông Từ Văn Long, (58 tuổi), ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam -một trong những phu trầm một thuở dọc ngang nơi miền rừng Trường Sơn - vẫn nhớ như in những tháng ngày “ngậm ngải tìm trầm” nơi rừng thẳm. Ông tự hỏi tại sao không đem cây dó bầu hương về trồng và bắt nó tạo trầm làm giàu? Không chỉ ông Long, phu trầm Nguyễn Hoàng Huy, quê Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam cũng nuôi giấc mơ tỷ phú từ việc trồng dó bầu tạo trầm và đã thành công. Những vườn dó bầu hương được gieo trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước giờ là báu vật - theo lời những phu trầm như Huy hay ông Long - có trả tiền tỷ cũng không bán. Khi vườn dó bầu khép tán, đã có nhiều công ty trầm hương đến đặt mua với giá nhiều tỷ đồng nhưng Huy từ chối. Huy nói đang nuôi giấc mộng tạo trầm để làm giàu trên thân cây dó - nơi vườn nhà trồng được mấy chục năm nay. Khi vườn dó bầu của Huy khép tán, anh mày mò tìm chất xúc tác cây vào thân cây dó bầu hương để tạo trầm. Hơn 18 tháng sau ngày đưa chất xúc tác vào thân cây dó, Huy hạ cây để kiểm tra. Ước mơ tạo trầm cho dó đã thành hiện thực. Huy bảo khi hạ cây dó chặt đến đoạn cấy chất xúc tác thấy những vệt màu đen của trầm đã kết anh mừng rơi nước mắt. Từ thành công ban đầu của Huy, nhiều phu trầm là chủ các vườn dó bầu hương như Trương Công Lương trú thôn Bình Phước, thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước cùng hàng chục phu trầm khác cũng tìm ra chất xúc tác tạo trầm cho dó bầu hương từ loại dầu thực vật. Bắt đầu từ đó những vườn ươm dó bầu hương và những vườn rừng dó bầu hình thành khắp làng quê miền núi Quảng Nam. Những phu trầm nghèo khó thuở nào rửa tay gác búa hạ sơn đã bắt đầu trở thành tỷ phú từ cây dó bầu. |
Theo Vietnamnet.vn