Cách thành phố Nam Định 24km về phía Đông, xã Hải Minh thuộc địa bàn huyện Hải Hậu, xưa nổi danh là làng nghề gỗ mỹ nghệ, nay nức tiếng là làng đại gia.
Hai bên đường vào xã Hải Minh, những ngôi nhà cao tầng, biệt thự, có cả những tòa trông giống như lâu đài, mọc lên san sát. Những ông bà chủ tuổi đời 30-35 tự tin khoe mô hình làm giàu, cơ ngơi hàng chục tỷ.
Thu nhập hàng tỷ đồng mỗi tháng
Chủ nhân của căn biệt thự 5 tầng trị giá 18 tỷ đồng, bà Sao khẳng định, có được như ngày hôm nay là nhờ nghề gỗ truyền thống của quê hương. Gia đình bà Sao nhập những món hàng từ khắp nơi, trong nước, ngoài nước, rồi về bán lại cho khách có nhu cầu. Khách cũng là khách thập phương, từ người trong huyện, trong tỉnh đến người nước ngoài.
Doanh thu bình quân của gia đình bà Sao tính bằng tiền tỷ. Có tháng bán được vài ba tỷ có những tháng không có đước sản phẩm nào.
Các con gái của bà Sao sau khi tốt nghiệp đại học đều về quê lấy chồng rồi nối nghiệp gia đình, đến nay đều đã có xưởng gỗ riêng, có cửa hàng lớn trong xã.
Ở xóm bên cạnh, vợ chồng anh Ngát, chị Đoan vừa lập nghiệp được 5 năm nay. Trung bình mỗi ngày anh chị bán ra 2 sản phẩm, doanh thu mỗi tháng khoảng 700-800 triệu đồng.
Kể với Zing, chị Ngát nói: “Tính ra mỗi tháng cũng lãi được trên dưới trăm triệu. Nói thành công thì cũng chưa dám khẳng định nhưng hiện tại đời sống gia đình cũng ổn định nhờ nghề gỗ”.
Điều đặc biệt ở làng nghề gỗ Hải Minh là có không ít người học đại học xong lại về quê làm nghề truyền thống, thay vì bám trụ ở các thành phố lớn.
Chủ nhân của không ít xưởng gỗ, nhiều cửa hàng nội thất ở làng nghề này khoe có bằng cử nhân loại giỏi, loại khá. Họ chọn về quê bởi ở lại thành phố khó xin việc và cũng vì nghề truyền thống của quê hương cho thu nhập cao gấp bội so với mức lương khởi điểm của nhiều vị trí công việc khác.
Trả lời Vietnamnet, ông Phạm Văn Phú, Bí thư đảng ủy xã Hải Minh, Hải Hậu, cho biết: "Sản xuất đồ gỗ là nghề truyền thống của xã Hải Minh từ năm 1990. Hiện xã có khoảng 1000 đến 1200 hộ sản xuất và kinh doanh đồ gỗ trên tổng số trên 4700 hộ dân. Trong đó, không ít những cơ sở có quy mô lớn (có 70, 80 lao động hoạt động thường xuyên)”.
Những tòa lâu đài tráng lệ
Đến đất Nam Định thì không thể không ghé thăm lâu đài Lan Khoa Khuê của đại tỷ phú Nguyễn Văn Khuê. Lâu đài trắng mất 9 năm để hoàn thành với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng. Lâu đài có tổng cộng 5 tầng, với diện tích 470m2 trong khuôn viên 3000m2.
Công trình được làm theo lối kiến trúc phương Tây cùng những đường nét chạm trổ, hoa văn phong phú lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp. Nội thất bên trong đa phần từ những loại gỗ quý như gỗ hương, gỗ đỏ, cẩm lai. Để tuổi già có thể đi lại dễ dàng, ông Khuê lắp thang máy đặt ở gần phòng ăn. Sảnh dùng bữa của gia đình đủ để 100 người ngồi thoải mái. Đặc biệt, trần nhà còn được dát một lớp vàng mỏng, có khả năng cách nhiệt tốt và giảm thiểu rủi ro khi gặp hỏa hoạn.
Gần lâu đài của ông Khuê là một dinh thự 3 tầng bằng đá và gỗ nổi tiếng của một vị đại gia tên Tịnh. Hàng rào dinh thự tạc bằng đá xanh nguyên khối, cổng làm từ gỗ quý. Phía trong, gia chủ cho thiết kế sân vườn đẹp mắt với tiểu cảnh, núi đá phong thủy. Dinh thự mang đậm nét kiến trúc văn hóa Việt Nam với mái đao uốn lượn.
"Trên địa bàn xã có hơn 10 lâu đài của các đại gia trong ngành sản xuất gỗ hoặc kinh doanh các ngành đường biển. Các hộ khá giả này cũng thường xuyên làm từ thiện, ủng hộ xây dựng quê hương. Ví dụ vừa qua xã vận động người dân ủng hộ làm đường, gia đình ông Tịnh ủng hộ 150 triệu đồng. Vào dịp Tết, nhiều hộ cũng ủng hộ gia đình nghèo từ 30 - 40 triệu đồng để ăn Tết. Các hộ này cũng tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và các nơi khác với mức thu nhập ổn định. Nhờ kinh tế phát triển, người dân xã Hải Minh cũng có điều kiện đầu tư cho giáo dục và y tế", Bí thư xã chia sẻ.
Bá Di