Có lẽ những địa danh đầy sương gió như xã Phìn Hồ, Phăng Xô Lin, Tả Phìn, Làng Mô, Chằn Nưa... đã ăn sâu vào tiềm thức, ngấm vào da thịt. Nên, kể từ lần đầu tiên đó, đã bốn lần chúng tôi đến huyện Sìn Hồ (Lai Châu).
Bỏ lại sau lưng Hà Nội, đi qua những Thanh Sơn, Thu Cúc, Tú Lệ, Mù Căng Chải, Than Uyên, Tân Uyên, Tam Ðường... quen thuộc, qua một đêm tối đẫm sương, sáng sớm hôm sau đã là thị xã Lai Châu. Sự hứng khởi vấp ngay phải "chướng ngại vật". Không giống các điểm du lịch quen thuộc khác, lượn cả buổi sáng, chúng tôi không tìm được điểm cho thuê xe máy để đi Sìn Hồ, thậm chí tìm một chỗ ăn sáng cũng vất vả. Cái khó ló cái khôn, sau nửa ngày vừa làm "công tác dân vận", vừa làm một chuyến vượt đèo Ô Quý Hồ với hai anh xe ôm bất đắc dĩ, ngày hôm sau, chúng tôi thuê được chiếc xe để tự chở nhau đi Sìn Hồ theo tỉnh lộ 129 trong hai ngày còn lại.
Chỉ 61 km, nhưng phải hơn ba tiếng đồng hồ mới tới đích. Không phải đường quá khó hay đèo dốc nguy hiểm, nhưng đi trong khung cảnh tuyệt vời như thế, chúng tôi không thể không thỉnh thoảng dừng lại ngắm cảnh. Cách thị xã Lai Châu chục cây số có một con dốc mà nhìn về phía tay phải là một không gian mênh mông, toàn bộ thị xã ở trong tầm mắt mờ sương. Khi ấy, tiếng động lớn nhất có thể nghe thấy là hơi thở rất sâu của chính mình.
Vì chưa phải là điểm đến phổ biến của khách du lịch, nên Sìn Hồ vẫn còn yên bình với rất ít các tiện ích dịch vụ. Nhưng điều chúng tôi cần thì ở đây lại đáp ứng được. Một nơi nghỉ ngơi khá "hoành tráng": khách sạn Thanh Bình, cơ ngơi rộng rãi mà giá cả phù hợp với dân "phượt". Một hàng cơm duy nhất phục vụ khách du lịch với phong cách phục vụ và giá cả độc đáo. Vào đây, bạn không cần gọi rau, mặc nhiên sẽ có. Còn các món mặn sẽ được tính theo kiểu: hai món 70 nghìn; ba món 80 nghìn (cho hai người ăn). Một sự kết hợp duyên dáng giữa tiệc đứng tự chọn (buffet) và tiệm cơm bình dân có người phục vụ...
Buổi sáng cuối tuần, một hoạt động không thể thiếu là dạo quanh chợ. Chợ phiên Sìn Hồ không rộng và đông đúc như Bắc Hà hay Mèo Vạc, cũng không có kiến trúc độc đáo như chợ Ðồng Văn, nhưng là địa chỉ giao lưu buôn bán của đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Giáy... Kiểu dáng và mầu sắc các bộ trang phục bản xứ pha trộn với nhau đầy đặc sắc. Ta thấy xuất hiện những gương mặt trẻ thơ và thiếu nữ xinh đẹp và đáng yêu đến bất ngờ. Và dường như tất thảy đang thả tầm mắt xa xăm, để trong khoảnh khắc bất thần, khuôn mặt và dáng đứng ấy hiện lên những nét hoang sơ, tự nhiên và kiêu kỳ lạ thường, cũng giống như mảnh đất Sìn Hồ - lãng đãng mà hút hồn du khách...
Theo Công an nhân dân