Làng gốm cổ độc đáo của người M’Nông trên cao nguyên

Làng gốm cổ độc đáo của người M’Nông trên cao nguyên

Trịnh Thị Thơ

Trịnh Thị Thơ

Thứ 2, 05/02/2024 07:00

Buôn Dơng Bắk là nơi duy nhất trên Tây Nguyên còn duy trì nghề làm gốm thủ công của người M’Nông. Đây cũng là niềm tự hào về nét đẹp văn hóa giàu bản sắc dân tộc.

Nghề làm gốm dưới chân núi Chư Yang Sin và nghệ thuật “trích” đất

Trải qua bao thăng trầm, đến nay đồng bào dân tộc M’Nông ở buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) vẫn còn giữ được nghề làm gốm thủ công hàng trăm năm tuổi.

Nói về nghề làm gốm thủ công độc đáo của dân tộc mình, nghệ nhân H’Phiết Uông (SN 1951, trú tại buôn Đơng Bắk, xã Yang Tao) cho biết, từ thời xưa, gốm Yang Tao đã nổi tiếng khắp vùng. Các sản phẩm gốm làm ra không chỉ cung cấp cho đồng bào M’Nông ở tỉnh Đắk Lắk mà còn được bà con các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung tìm mua về sử dụng.

Cũng vì thế, từ thời thơ ấu, bà H’Phiết đã theo cha đi khắp nơi để bán gốm, đổi lấy gạo, mì, bắp, đậu… Mỗi sản phẩm gốm đổi lấy một số lượng lương thực tương ứng, ví dụ một cái chén sẽ đổi được một chén gạo.

Theo người dân địa phương, trước đây, các sản phẩm gốm ở Yang Tao chưa sặc sỡ, sơn phết như bây giờ. Các vật dụng đồ gốm được làm nhiều nhất là nồi, chảo, bát, đĩa, bình, thau, lọ hoa, hồ lô... Những nghệ nhân tay nghề cao còn làm được cả những con vật như: Voi, trâu, bò, hổ, báo, rùa, hươu, nai...

Văn hoá - Làng gốm cổ độc đáo của người M’Nông trên cao nguyên

Nguyên liệu làm gốm là đất sét được lấy từ bờ sông, dưới chân núi Chư Yang Sin.

Nét độc đáo của gốm Yang Tao thể hiện ở chỗ được chế tác hoàn toàn thủ công. Nguyên liệu làm gốm là đất sét được lấy từ bờ sông, dưới chân núi Chư Yang Sin có màu sắc nâu vàng, không giống với đất sét ở vùng khác.

Sau khi mang về nhà, người M’Nông ở Yang Tao cùng nhau loại bỏ các tạp chất rồi “ủ” đất bằng cách đắp các loại vật dụng như lá chuối, nong nia, dần sàng... Hàng ngày, đất sét được tưới một lượng nước nhỏ để đất không khô đi, giữ vẹn tính “nguyên thủy” của đất.

Nghệ nhân H’Phiết nhớ lại: “Thời đó, ở Yang Tao nhà nhà, người người làm gốm. Chiều đến, người dân lại vác cuốc đi dọc các bãi bồi ven sông, núi đào đất làm nguyên liệu. Đất sét sau khi được lấy về sẽ được ủ cẩn thận, rồi mới đem ra để giã Trong quá trình giã, nhồi, các nghệ nhân đều lượm ra các mảnh sỏi nhỏ, rác, làm sạch chúng trước khi “trích” đất chế tác sản phẩm. “Trích” đất là lấy ra lượng đất sét đã nhồi, ước lượng vừa đủ để làm ra sản phẩm. Việc “trích” đất có thể xem như là một nghi lễ, bởi khi “trích” đất rồi người ta sẽ không thêm, bớt, sản phẩm có thể to hoặc nhỏ hơn tùy vào khối đất đã “trích”.

Văn hoá - Làng gốm cổ độc đáo của người M’Nông trên cao nguyên (Hình 2).

Người dân M’Nông giã đất sét trước khi chế tác.

Trong quá trình chế tác, người M’Nông ở Yang Tao không dùng bàn xoay như các làng gốm khác mà để đất nhuyễn trên đế gỗ có chiều cao khoảng 70cm. Sau đó, người làm gốm di chuyển quanh đế, sử dụng thanh tre vót mỏng, miếng vải ướt và vòng tre để tạo hình sản phẩm. Chờ cho sản phẩm khô đến độ nhất định, nghệ nhân sử dụng que tre, que củi, lông nhím để vẽ hoa văn, họa tiết, lấy hòn đá chà xát bề mặt cho đến khi đạt độ láng bóng.

Không chỉ vậy, quy trình nung gốm của người dân nơi đây cũng rất độc đáo. Các sản phẩm gốm được đặt trên nền đất trống, theo quy tắc vật nhỏ xếp phía trong, vật lớn xếp xung quanh phía ngoài, bên dưới là lớp củi khô. Gốm được nung lộ thiên bằng củi đến khi thấy tất cả đã đỏ rực là đạt độ chín. Tiếp đó, người làm gốm sử dụng vỏ trấu hoặc mùn cưa để hun, tạo màu đen bóng tự nhiên và mang đặc trưng riêng cho gốm Yang Tao.

Nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa

Là một trong những người con của buôn Dơng Bắk, nghệ nhân H’Lươm Uông chia sẻ: “Hiện nay, chỉ duy nhất buôn Dơng Bắk còn chế tác gốm với quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công và cách nung gốm lộ thiên. Những nghệ nhân tranh thủ lúc nông nhàn làm các sản phẩm gốm bằng tay nhưng chỉ bán được cho khách tham quan, các đoàn nghiên cứu. Trước tình trạng này, nhiều người không khỏi lo lắng, nghề gốm cổ của dân tộc M’Nông ở Yang Tao đang đứng trước nguy cơ mai một”.

Văn hoá - Làng gốm cổ độc đáo của người M’Nông trên cao nguyên (Hình 3).

Các nghệ nhân để đất nhuyễn trên đế gỗ rồi di chuyển quanh đế, rồi sử dụng thanh tre vót mỏng, miếng vải ướt và vòng tre để tạo hình sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Huyên, Bí thư Đảng ủy xã Yang Tao thông tin, xã Yang Tao có đến 90% đồng bào M’Mông sinh sống. Ngày xưa, gốm Yang Tao nổi tiếng là thế nhưng giờ cả xã chỉ còn 6 người làm gốm toàn người già, trung niên mà lớp trẻ chẳng ai thiết tha học nghề. Mặc dù, xã đã quy hoạch đất và mời các doanh nghiệp đầu tư phát triển làng nghề truyền thống này nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư nào thực sự tâm huyết.

Để giữ nghề truyền thống, các nghệ nhân làm gốm biến tấu sản phẩm cho hợp xu thế. Theo đó, sản phẩm gốm Yang Tao không chỉ là thau, chậu, nồi niêu, chén bát như xưa nữa mà có thêm ấm trà, khay, đĩa, ly, tách, ché, con voi, con rùa… chế tác tinh xảo.

“Chúng tôi làm gốm không chỉ vì đam mê mà bằng cả trách nhiệm bảo tồn giá trị truyền thống. Tôi luôn hy vọng sự nỗ lực giữ nghề truyền thống của bà, mẹ sẽ giúp thế hệ trẻ nhận ra giá trị văn hóa của nghề để có ý thức bảo tồn, phát huy”, nghệ nhân H’Lươm Uông tâm sự.

Văn hoá - Làng gốm cổ độc đáo của người M’Nông trên cao nguyên (Hình 4).

Các nghệ nhân dạy học viên làm gốm thủ công.

Không đứng ngoài cuộc, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã từng phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp dạy làm gốm cho thanh thiếu niên và giới thiệu sản phẩm gốm Yang Tao với các đơn vị du lịch.

Gốm Yang Tao cũng được tạo điều kiện tham gia trưng bày tại các Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, trưng bày tại Festival gốm Thanh Hà - Hội An và luôn tạo ấn tượng với khách. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Lắk năm 2021, nghệ nhân xã Yang Tao được ban tổ chức đặt chế tác 200 con voi bằng gốm dành tặng đại biểu, quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào M’Nông.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp UBND huyện Lắk tổ chức lớp truyền dạy và thực hành nghề làm gốm thủ công của người M’Nông tại buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao. Tham gia lớp học có 20 học viên là phụ nữ dân tộc M’Nông trên địa bàn buôn Dơng Bắk.

Văn hoá - Làng gốm cổ độc đáo của người M’Nông trên cao nguyên (Hình 5).

Bà H’Loan Uông, Chủ tịch UBND xã Yang Tao (bên phải) cho biết, nghề làm gốm thủ công của người M’Nông đã có từ thời xa xưa.

Nghệ nhân H’Phiết Uông bộc bạch: “Tham gia truyền dạy nghề làm gốm thủ công cho lớp trẻ, tôi mong muốn, sau này mình già đi thì nghề làm gốm vẫn luôn được duy trì theo thời gian. Đồng thời, mong muốn các học viên tham gia lớp học này sẽ truyền dạy cho các lớp trẻ sau để cùng nhau bảo vệ nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Nếu bất cứ người dân nào trên địa bàn đam mê, mong muốn tìm hiểu, học nghề làm gốm thủ công thì tôi sẵn sàng dùng cả tâm huyết của mình để truyền dạy cho họ”.

Văn hoá - Làng gốm cổ độc đáo của người M’Nông trên cao nguyên (Hình 6).

Những sản phẩm gốm thủ công của người M’nông tại buôn Dơng Bắk.

Văn hoá - Làng gốm cổ độc đáo của người M’Nông trên cao nguyên (Hình 7).

Để giữ nghề truyền thống, các nghệ nhân làm gốm biến tấu sản phẩm cho hợp xu thế.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk Trần Quang Năm, lớp truyền dạy và thực hành nghề làm gốm thủ công sẽ mở ra cơ hội để nghề làm gốm truyền thống ở xã Yang Tao có điều kiện phát triển.

Thông qua lớp học sẽ giúp chính quyền xã Yang Tạo nói riêng và cả huyện Lắk nói chung có điều kiện thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình.

Bên cạnh đó, góp phần phát triển ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, giúp cải thiện nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bà H’Loan Uông, Chủ tịch UBND xã Yang Tao chia sẻ, nghề làm gốm thủ công của người M’Nông đã có từ thời xa xưa. Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ người sử dụng các sản phẩm gốm thủ công ngày càng ít đi. Trước tình hình này, thời gian qua, chính quyền địa phương xã Yang Tao luôn khuyến khích người dân, bà con nên duy trì và truyền dạy, lan tỏa nghề làm gốm thủ công cho các thế hệ trẻ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gia đình và nhu cầu khám phá của khách du lịch. Hiện nay, chính quyền địa phương đã quy hoạch diện tích đất khoảng 3.000m2 để phục vụ xây dựng làng nghề làm gốm, đan lát, dệt thổ cẩm. Qua đó, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nâng cao thu nhập cho bà con và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Lắk nói chung và xã Yang Tao nói riêng.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.