Những ngôi nhà độc đáo
Ở nhiều vùng quê, "nhà tranh vách đất" phổ biến thời đất nước còn nghèo, mái nhà lợp lá, rơm rạ, tường nhà được quây bằng tre, nứa đan hình mắt cáo trát bùn trộn rơm rạ. Sau này, khi kinh tế khá hơn, người dân xây nhà phổ biến bằng những bức tường gạch, xi măng khang trang, chắc chắn. Thế nhưng, tại làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang), tường nhà lại được xây chủ yếu bằng tiểu sành, một dụng cụ chuyên đựng hài cốt. Đây là chuyện lạ có một không hai ở Việt Nam. Về Thổ Hà, mục sở thị những bức tường nhà này, PV ghi nhận được rất nhiều câu chuyện thú vị, độc đáo.
Tường nhà xây bằng tiểu sành và mảnh gốm.
Vừa tới đầu làng, đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà san sát, chỉ cách nhau con ngõ nhỏ, cảm tưởng như được lạc vào một góc phố cổ của Hà thành. Tại đây, trừ những đoạn tường mới xây, những bức tường nhà cũ đều được xây bằng vật liệu chính là tiểu sành, mảnh gốm. Mỗi tiểu sành có chiều dài chừng 40cm, chiều rộng 20cm, phía bên trong rỗng hoàn toàn và có hai lỗ thoáng khí. Khi dùng xây nhà, tiểu sành được úp mặt rỗng quay vào phía trong ngôi nhà. Mỗi bức tường tiểu sành dày chừng 40cm - 50cm. Bà con Thổ Hà lấy chính lớp bùn dưới sông Cầu cạnh đó để kết dính những tiểu sành và mảnh gốm với nhau. Chỉ có vậy, những bức tường dù không xây bằng xi măng vôi vữa nhưng vẫn rất chắc chắn. Những ngôi nhà, bức tường tiểu sành thách thức sự va đập, bào mòn hàng mấy trăm năm của các yếu tố ngoại cảnh. Thổ Hà xưa nổi tiếng với các sản phẩm gốm như chõ, chum, vại, tiểu sành.
Trong đó, mặt hàng tiểu sành (dùng đựng hài cốt) tiêu thụ mạnh hơn cả, không bị cạnh tranh nhiều. Những tiểu sành lỡ bị sứt mẻ trong quá trình sản xuất sẽ được tận dụng để xây nhà thay cho gạch. Gốm Thổ Hà để nghìn năm cũng không bị mất màu do đất sét và kỹ thuật nung tốt. Đồ gốm Thổ Hà không dùng men, được nung ở nhiệt độ cao để tự chảy men ra và thành sành, gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ trên gốm tiếng kêu coong coong như thép, mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm qua, đựng chất rắn đầy chặt không bao giờ ẩm mốc.
Dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, vừa chỉ tay lên phía đầu hồi của ngôi nhà cổ xây hoàn toàn bằng tiểu sành, anh Nguyễn Bá Trọng (xóm 1, làng Thổ Hà) hồ hởi: "Dùng tiểu sành xây nhà giúp tận dụng được vật liệu của nghề gốm. Những bức tường xây bằng tiểu sành và mảnh gốm có sức chịu nóng, chịu lạnh rất tốt. Lúc đại hàn, trong nhà luôn tỏa ra hơi ấm, ngày nắng nóng thì trong nhà mát lạ thường. Những bức tường xây bằng tiểu sành có thể để qua hàng nghìn năm mà không lo bị hỏng".
Cũng theo anh Trọng, những tiểu sành rỗng bên trong, lại có hai lỗ thoáng khí nên khi dùng xây tường luôn có ong làm tổ bên trong. Cả bức tường của gia đình ông Cáp Trọng Tốn (xóm 1, làng Thổ Hà) lúc nào cũng vo ve cả bầy ong, người nhà thì quen với cảnh chung sống với ong nhưng dân làng hễ đi qua là phải dè chừng và né bầy ong, tránh để chúng đốt.
Trước năm 1960, Thổ Hà là làng nổi tiếng về nghề làm gốm. Những bình gốm bị lỗi, những tiểu sành bị sứt mẻ đều được tận dụng xây nhà. Khi được hỏi rằng người dân Thổ Hà có lo sợ về mặt tâm linh khi sử dụng thứ chuyên đựng hài cốt để xây nhà hay không, ông Trịnh Đắc Trưởng (xóm 3, Thổ Hà) khẳng định: "Người dân ở các vùng quê khác nghe đến tiểu sành dùng để xây nhà thì thấy xa lạ, hễ nhìn thấy ở sân thì có cảm giác rờn rợn nhưng bà con Thổ Hà chúng tôi bao đời để nó trong nhà nên thấy bình thường. Sản phẩm gốm ấy do chính người làng Thổ Hà làm ra nên đã trở thành thân thuộc. Các cụ xưa làm chẳng thừa và cũng chẳng sai chuyện gì bao giờ. Từ sáng đến chiều, ánh sáng mặt trời rọi vào nhưng tường tiểu sành không hề bị hấp nắng".
Lối kiến trúc có một không hai
Việc tận dụng tiểu sành không bán được đem làm nhà đã vô tình tạo cho Thổ Hà một lối kiến trúc riêng biệt, hiếm có. Những đoạn tường tiểu sành của những ngôi nhà san sát nhau, cùng với chiếc cổng vòm làm cho không gian của cả làng trở nên cổ kính, trầm mặc.
Gia đình cụ Nguyễn Bá Lam (94 tuổi, xóm 1, làng Thổ Hà, xã Vân Hà) hiện là gia đình duy nhất còn giữ được bức tường cổ trọn vẹn, được xây bằng tiểu sành, bình gốm và mảnh gốm dài 30m. Dù đã trải qua hơn 300 năm, tường bị bao phủ bởi một lớp rêu xanh, tuy nhiên, tất cả bình gốm, tiểu sành đều còn nguyên vẹn, không hề bị một vết nứt, mục nát. Cụ Lam cho biết: "Từ khi tôi sinh ra đến nay, bức tường bằng tiểu sành đã hiện hữu. Tôi thì đã gần đất xa trời, sức khỏe yếu nhưng lạ thay tường tiểu sành chẳng hề phải sửa chữa lần nào. Chỉ mong sao con cháu giữ được bức tường cổ, nó không đẹp đẽ gì nhưng nó là cái hồn quê, về sau làm minh chứng trong các câu chuyện kể cho lớp trẻ".
Anh Nguyễn Bá Trọng.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh những ngôi nhà cổ lần lượt bị phá bỏ để thay thế bằng nhà cao tầng chen chúc nhau, những bức tường bằng tiểu sành cũng dần mất theo. Ngôi nhà cổ 3 gian vừa bị phá bỏ hoàn toàn, những vết tích của bức tường bằng tiểu sành, mảnh gốm vẫn còn ngổn ngang khắp sân. Hơn 300 năm nhưng màu sắc của tiểu sành vẫn còn nguyên vẹn, những mảnh gốm khi xây thế nào thì khi đào lên vẫn thế ấy. Anh Nguyễn Bá Trọng cho biết, đám thợ phải rất vất vả để phá những bức tường bằng tiểu sành và mảnh gốm bởi độ chắc và cứng của nó.
Thổ Hà hiện có bốn xóm, mỗi xóm có chừng 4 - 5 con ngõ nhỏ và hầu như ngõ nào cũng có tường nhà được xây bằng tiểu sành. Ông Trịnh Đắc Tâm (xóm 2, làng Thổ Hà) vừa chỉ tay miêu tả về kỹ thuật úp tiểu sành khi xây tường vừa nhẩm tính về con số 60 bức tường còn sót lại. Một số ít trong đó là tường nguyên bản bằng tiểu sành, còn lại đã bị pha tạp theo từng đoạn. "Rất nhiều khách thập phương đến thăm Thổ Hà đều trầm trồ và tỏ ra rất thích thú với những bức tường, ngôi nhà xây bằng tiểu sành. Bản thân chúng tôi cũng đã gắn bó gần hết đời người với những bức tường ấy, nếu có điều kiện giữ lại thì các ngôi nhà sẽ rất mát. Thổ Hà cũng sẽ có cái riêng để người vùng khác nhớ tới ngoài những sản vật như rượu và bánh đa nem".
Những ai hoài cổ luôn thấy tiếc nuối vì hễ gia đình nào sửa chữa lại nhà cổ, thì các bức tường xây bằng tiểu sành đều bị phá bỏ. Nghề gốm Thổ Hà đã có từ nhiều thế kỷ nay, nghề gốm đã đem đến cuộc sống no ấm cho người dân nơi đây trong suốt thời gian dài. Vào thời kỳ hưng thịnh của nghề, cả làng Thổ Hà nhà nào lò gốm cũng đỏ lửa quanh năm. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, nghề gốm Thổ Hà đã mai một. Làng gốm Thổ Hà phải đi mua đất ở nơi khác với giá cao, theo đó, sản phẩm gốm làm ra chỉ bán được tiểu sành là nhiều. Các sản phẩm như chum, vại, chõ hầu như không bán nổi vì không cạnh tranh được với đồ nhựa. Thời điểm cuối năm thường là lúc số tiểu sành bán ra được nhiều nhất. Từ năm 1990 trở lại đây, Thổ Hà nổi tiếng về nghề làm bánh đa nem, mỳ gạo và nghề nấu rượu từ sắn.
Gốm không còn, những bức tường bằng tiểu sành, mảnh gốm, bình gốm, vết tích một thời của một làng gốm cổ truyền cũng dần mất vĩnh viễn. Trao đổi với PV, ông Cáp Trọng Việt, trưởng thôn Thổ Hà cho biết, trước kia, cả làng Thổ Hà chỉ có duy nhất nhà, tường xây bằng tiểu sành. Qua sự biến đổi của thời gian và do các điều kiện về thẩm mỹ, về diện tích, các tường này bị phá bỏ nhiều. Tiểu sành úp đầu hồi của gia đình cụ Nguyễn Bá Lam hay những bức tường nhà cổ của gia đình ông Trịnh Đắc Mùi là một nét văn hóa riêng mà không nơi nào có được. Những bức tường được dựng bằng những mảnh chõ, chum, vại, tiểu sành, kết dính bằng một thứ đất được pha trộn đặc biệt được gọi là "lầm".
Theo ông Việt, việc phá tường cổ, nhà cổ là vấn đề liên quan đến làng nghề sản xuất bánh đa nem của địa phương. Nhà cổ đa số không phơi được, người ta phải phá ra làm nhà trần. Khi người dân sửa chữa, xây lại kiểu nhà cao tầng đẹp đẽ thì toàn bộ tường tiểu sành dày 50cm được làm lại bằng tường gạch chỉ dày 20cm. Phía chính quyền địa phương chỉ tuyên truyền người dân giữ không gian cổ, tuy nhiên, vấn đề kinh tế của bà con vẫn là vấn đề chính.
Người dân Thổ Hà hiện nay đa phần chỉ thích nhiều cái đẹp, cái mới, nếu để nó cổ quá thì lại sợ rêu mốc, sợ cũ họ đâu nghĩ đến chuyện giữ nét văn hóa riêng để thu hút du lịch. Và thực tế, ngoài cục Di sản có nghiên cứu nhưng chưa có kết luận, dự án thu hút du lịch cũng chỉ trên giấy và người dân thì chưa thể sống bằng... du lịch. |
Yến Dương