“Bê” tên diễn viên đặt cho con
Những nét văn hóa Hàn trong các bộ phim đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ Việt Nam, nhất là ở thành thị. Giới trẻ bây giờ ăn cũng bắt chước theo kiểu Hàn Quốc, mặc theo thời trang Hàn Quốc, âm nhạc của Hàn Quốc và yêu cũng lãng mạng như Hàn Quốc
Những đứa trẻ mang tên Hàn Quốc
Nhưng có lẽ không ở đâu sự Hàn Quốc hóa lại sâu sắc và thú vị như ở hai ngôi làng Broch 1 và làng Djrông (xã Ia Dơk, huyện Đăk Đoa, Gia Lai). Những người dân chất phác nơi đây, đam mê phim Hàn cuồng nhiệt đến mức… “bê” nguyên tên của các nhân vật trong phim đặt vào giấy khai sinh cho những đứa con của mình.
Nếu có dịp dạo quanh một vòng làng Broch lúc 11h trưa, chắc hẳn ai cũng sẽ rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người dân lũ lượt kéo nhau từ rẫy về nhà. Họ trở về sớm không phải lo bữa trưa cho gia đình, mà là vì không muốn bỏ lỡ bộ phim Hàn Quốc đang được trình chiếu trên ti vi. Và khi xem hết phim, họ lại ra làm rẫy tiếp. Cứ như vậy, hễ có bộ phim Hàn Quốc nào được kênh VTV1 trình chiếu thì người dân nơi đây dù có bận việc đến mấy cũng khó có thể làm cho họ bỏ lỡ được.
Cứ như thế, văn hóa Hàn đã “ngấm” vào đời sống tinh thần của người dân xã Ia Dơk từ lúc nào không hay. Vì quá hâm mộ các nam, nữ tài tử diễn viên trên phim, mà các ông bố bà mẹ vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên đã đua nhau đặt tên cho con theo tên các nhân vật trong phim, và không cần biết cái tên đó dịch ra có nghĩa là gì. Thường họ sẽ chọn tên của các nhân vật xinh đẹp, ngoan hiền, giỏi giang… mà họ yêu thích để đặt cho con.
Vậy là những năm gần đây, những đứa trẻ ra đời mang tên truyền thống của những người Bahnar trên vùng đất đỏ bazan ngày càng ít đi, thay vào đó là những cái tên rất Hàn, rất Tây. Như đứa con gái gần 2 năm tuổi của gia đình chị Chăm mang tên Hy-Chơng; cậu con trai cả của gia đình chị Chănh tên Cha-ri. Chị Chănh giải thích đấy là tên của nhân vật chính Moon Cha-ri trong bộ phim Khi mùa xuân về. Nhân vật Cha-ri là người con gái dịu dàng, ngoan hiền nhưng không kém phần mạnh mẽ, khi đặt tên Cha-ri cho con gái của mình, chị Chănh mong muốn con gái mình sau này lớn lên cũng sẽ có được tính cách như thế của Cha-ri trong bộ phim.
Đến thăm nhà chị Am Len (Giáo viên cấp 1 của xã), chị là một trong những giáo viên mẫu mực và có trình độ trong làng, và cũng là một fan vô cùng hâm mộ phim Hàn Quốc. Và tất nhiên, cũng như nhiều đấng sinh thành khác trong làng, chị Len cũng đã tậu một cái tên rất Hàn về gắn cho đứa con của mình. Gọi đứa con nhỏ có tên Sy Y Mun lại, chị Len giải thích: “Sy Y Mun là tên của nhân vật chính trong bộ phim Vua đầu bếp, đây là diễn viên mình thích nhất trong bộ phim này. Mình đặt tên cho con không chỉ vì yêu thích phim Hàn, mà còn có ý nghĩ mong muốn con mình sau này cũng tài giỏi và có đạo đức giống y như nhân vật trong bộ phim.
Trào lưu đặt tên Hàn Quốc cho con
Phổ biến nhất trong các tờ giấy khai sinh lưu trong hồ sơ của phòng Tư pháp xã Ia Dơk là những cái tên như: U-ri, Chun-sơk, Su-ny, Si-chun… Và nó cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong các tờ giấy khai sinh. Đặc biệt, không chỉ “mốt” đặt tên Hàn, người dân nơi đây còn đặt tên cho con theo tên các cầu thủ bóng đá ngoại hạng Anh, các nhân vật nổi tiếng...
Những cái tên như: Rê-mi, Li-sa, Bà-ra-háp, Xa-ri, Ka phu… giành cho các cô bé, cậu bé đang “tràn lan” khắp xóm làng. Chúng tôi đến nhà anh Krưp đúng lúc anh đang gọi cậu con trai có cái tên Mes-si (đặt theo tên cầu thủ bóng đá Messi người Argentina). Khi chúng tôi hỏi vì sao lại đặt tên con như thế, anh Krưp tự hào nói: “Mình rất thích xem bóng đá, trong đó mình thích nhất cầu thủ Messi đang đá cho Câu lạc bộ Barcelona tại Cup C1 năm 2010, nên khi vợ mình đẻ con, mình đặt luôn tên này cho con để sau này con lớn lên nó đá bóng giỏi như vậy”.
Cứ như thế, hàng chục trẻ em dưới 6 tuổi ở xã Ia Dơk đã được “khoác” lên mình những cái tên rất sính ngoại, mà các ông bố, bà mẹ không cần quan tâm đến những đứa con của mình sau này sẽ nghĩ như thế nào.
Làng Brock 1 với 120 hộ (trong đó có 20 hộ người Kinh), hơn 400 nhân khẩu, sinh sống bằng nghề trồng cây công nghiệp. Kinh tế của làng đang dần đổi thay, những phương tiện hiện đại như ti vi, điện thoại… cũng đã rất phổ biến. Kéo theo đó là một trào lưu văn hóa du nhập vào qua các phương tiện truyền thông, biến một ngôi làng lạc hậu thành một làng vừa Hàn Quốc vừa Tây-Âu, thể hiện rõ nhất qua những tên gọi thường ngày.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thu - cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã A Dơk - cho biết: “Pháp luật không cấm người dân đặt tên cho con như thế nào, trừ tên lãnh tụ. Chính vì vậy, cha mẹ đến làm giấy khai sinh và ghi rõ họ tên con ra giấy, chúng tôi chỉ ghi theo tên đó. Nếu hỏi sao giống tên các nhân vật trên truyền hình thì họ cười không nói gì”.
Nhưng cũng từ đây, nhiều người nghi ngại rằng với trào lưu “Hàn Quốc hóa” đang diễn ra ngày một phổ biến ở địa phương khiến phong tục tập quán chính thống của đồng bào xưa đang dần mai một. Chính vì vậy, thời gian qua, chính quyền địa phương luôn tích cực áp dụng biện pháp vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rằng: Tiếp nhận văn hóa bên ngoài theo hướng tích cực thì là điều tốt, nhưng dù như thế nào thì đừng bao giờ quên đi bản sắc văn hóa chính thống của dân tộc mình.
Chị Thu cũng cho biết thêm, sau khi xã tổ chức tuyên truyền, vận động thì cũng có một số ít người dân hiểu được vấn đề và ý nghĩa của việc giữ gìn văn hóa dân tộc. Vì thế, xu hướng lấy tên các diễn viên, cầu thủ, nhân vật nổi tiếng của người dân nơi đây đang bắt đầu chững lại.
Nhật Khánh