Trong lịch sử võ thuật Trung Hoa và Việt Nam từ xưa đến nay có rất nhiều tuyệt kỹ kungfu, trong đó có các phép điểm huyệt, nghĩa là đánh vào nhân thần cấm kỵ; những màn biểu diễn nội lực về sức chịu đựng của con người, hay những kỹ thuật công phá.... Ngoài ra, người ta cũng có thể luyện để nhịn ăn và tự chôn sống dưới đất nhiều giờ. Lại có những kỹ thuật luyện tập điều chỉnh cảm xúc hoặc hệ thần kinh của cơ thể...
Tất cả những kungfu ấy nhằm mục đích bảo vệ bản thân và nâng cao sức khoẻ, trí tuệ minh mẫn, phát huy khả năng sáng tạo phục vụ đời sống con người.
Chúng ta ai cũng ít nhất một lần xem phim chưởng, hoặc đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Có hàng trăm môn phái, hàng ngàn pháp luyện mà nghe qua ai cũng ngưỡng mộ, nhưng Kim Dung đã khai thác được tính tò mò của con người khi đưa ra tên gọi cho các chiêu thức kỳ ảo và huyền bí; từ đó khiến người đọc, người nghe hay người xem nổi gai ốc, thậm chí có người nghiện đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung.
Trong các bí kíp ấy có một bí kíp gọi là "lăng không kình". Họ lý giải rằng, trong Thái Cực Quyền hoặc các môn luyện tập nội công tâm pháp, nếu hai người có thời gian luyện tập cùng nhau lâu thì dần dần giữa họ sẽ có sự tương tác về cảm nhận năng lực. Người kia định làm gì thì người này đã hiểu và có thể hoá giải đòn thế đó. Giống như một người thầy truyền dạy cho học trò và tập luyện lâu năm, học trò định xuất một chiêu thức nào, ông thầy cũng biết. Dựa vào đó mà thầy có thể tránh né, hoá giải, làm cho học trò mất đà mà tự té ngã. Nó giống như những kỹ thuật mượn lực vật lý trong cách tập của Thái Cực Quyền, hoặc Nhu Đạo của Nhật Bản. Đó chính là kỹ thuật mà người ta gọi là lăng không kình.
Như vậy, ta hiểu là chỉ có ai cùng tập với nhau lâu ngày mới xuất hiện cảm nhận đó và có thể tác động đến người đối diện nhằm triệt tiêu sức mạnh của đối phương. Còn nếu một người không có võ hoặc có võ mà không quen biết, chưa từng tập với nhau, lăng không kình không thể phát huy tác dụng bởi họ chưa ăn ý, chưa hiểu nhau.
Cho nên, các danh sư võ thuật có võ đạo hiểu điều này và chỉ coi đó là một môn tâm pháp để cảm hoá học trò của mình qua từng buổi tập. Còn nếu ai luyện tốt đạt đến linh giác có thể nghe tiếng gió, lượng sức mạnh của đối phương mà né tránh hoặc hoá giải đòn thế.
Nhưng cũng nhiều vị võ sư đã nhân cách hoá, hình tượng hoá lăng không kình lên tầm thượng thừa và biến thành tiểu xảo để biểu diễn trước đám đông. Người không có võ chưa hiểu biết thì hiếu kỳ xúm đến xem; người có võ công cao siêu thì bịt mũi đi qua chẳng thèm nhìn một giây, bởi họ hiểu rằng vị danh sư kia chưa có đạo trong võ và lợi dụng sự huyền bí võ thuật để đánh lừa người khác; lại có những thanh niên khoẻ mạnh thấy vậy tò mò xin thách đấu và cuối cùng đã có nhiều võ sư bị hộc máu mồm máu mắt vì cái trò biểu diễn lăng không kình!
Ấy vậy mà nhiều người vẫn chưa tỉnh ngộ, vẫn muốn tiếp tục dụng chiêu này. Hoá ra họ không có đạo, họ tự lừa dối lương tâm, hoặc muốn diễn trò vui cho thiên hạ xem.
Chính vì điều này, các võ sư đánh giá những võ sư khoe khoang có lăng không kình chỉ là trò chơi tự sướng của những người hoang tưởng võ thuật theo kiểu kiếm hiệp Kim Dung.
Thật là khổ cho nghiệp Võ và nghiệp Đạo! Cho nên, học võ là phải tu cái chân, cái tâm, cái khẩu, cái ý, cái hình, sao cho hài hoà không phô trương, khoe khoang mới đúng là võ đạo.
Chưởng môn sáng lập môn phái Lâm Sơn Động, võ sư, GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!