Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch khá tích cực khi đà tăng tiếp tục được duy trì. Trước khi chịu áp lực điều chỉnh ở hai phiên cuối tuần, thị trường ghi nhận ba phiên đầu tuần tăng điểm tốt vượt vùng 1.250 điểm.
Kết tuần, VN-Index tăng 23,67 điểm, tương đương 1,94% lên 1.244,7 điểm. HNX tăng 7,46 điểm, tương đương 3,27% lên 235,68 điểm.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu cổ phiếu công nghệ, viễn thông là nhân tố chính hỗ trợ lên đà tăng của thị trường, nổi bật CMG tăng 30,6%, ELC tăng 17,36%, FOX tăng 7,72%, VGI tăng 5,45%. Trái chiều, VCB, VHM và BID là các mã có tác động tiêu cực nhất, riêng VCB đã lấy đi gần 0,7 điểm của chỉ số.
Dù thanh khoản tăng nhưng vẫn chưa vượt trên mức trung bình 20 tuần cho thấy tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn thận trọng. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 19.730 tỷ đồng/phiên, tăng 26% so với tuần trước.
Khối ngoại bán ròng 2.991 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó bán ròng 3.125 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 12301 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 96 tỷ đồng trên UPCoM.
Đánh giá về diễn biến giao dịch tuần qua, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, VN-Index trong ngắn hạn đã tiến tới gần vùng kháng cự mạnh quanh 1.250 điểm là vùng hỗ trợ đã đánh mất trước đó và hiện cũng là vùng trên của khu vực tích lũy trung hạn.
Theo SHS, nếu không sớm bứt phá với động lực tốt và duy trì giao dịch trên vùng kháng cự nói trên trong các phiên tới, chỉ số sẽ có thể có nhịp điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn.
Trong bối cảnh hiện tại, việc thị trường tiếp tục tích lũy là hợp lý. VN-Index tiếp tục rung lắc quanh vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm, nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua đuổi giá ở vùng giá hiện tại và kiên nhẫn chờ đợi.
Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục và nên chờ nhịp điềuchỉnh nếu muốn giải ngân thêm do mặt bằng giá hiện tại không còn quá hấp dẫn khi Vn-Index đang vận động ở vùngcản trên của kênh tích lũy.
Còn theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index vẫn chưa thể vượt cản 1.250 điểm và những biến động giằng co trong thời gian qua phản ánh rủi ro đã gia tăng. Bên cạnh đó, việc thanh khoản tiếp tục sụt giảm phản ánh cho nỗi lo về rủi ro trên, tuy nhiên nhìn chung nguồn cung không gây áp lực lớn và vẫn còn trong trạng thái chờ đợi.
Trạng thái lưỡng lự có thể tiếp diễn trong tuần giao dịch tiếp theo trước khi một trong hai phe giành được ưu thế tại vùng giá quanh 1.250 điểm. Hiện tại, thị trường vẫn sẽ nhận được hỗ trợ khi lùi bước do nguồn cung chưa có động thái gây áp lực lớn nhưng lực cầu vẫn chưa đủ để vượt cản.
Theo khuyến nghị của Chứng khoán BIDV (BSC), nhà đầu tư nên lựa chọn "tiền tươi thóc thật" thay vì dựa vào "kỳ vọng". Tốc độ phục hồi lợi nhuận sẽ là yếu tố tiên quyết cần được nhà đầu tư quan tâm để tránh rơi vào trạng thái "bẫy giá trị" khi cổ phiếu tưởng chừng rẻ nhưng lại không ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng.
Cơ hội sẽ chọn lọc hơn đến từ các nhóm ngành có nền lợi nhuận thấp trong quý II - quý III/2023, có khả năng duy trì số lợi nhuận tuyệt đối cải thiện theo quý và biên lợi nhuận có xu hướng phục hồi trong 3 quý liền kề gần nhất.