Lăng kính chứng khoán 29/11: Cổ phiếu bán lẻ FRT hay MWG hấp dẫn hơn?

Trần Thị Tú Anh

Trần Thị Tú Anh

Thứ 6, 29/11/2024 06:00

Công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối lập với cổ phiếu hai "ông lớn" bán lẻ FRT của FPT Retail và MWG của Thế giới di động.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung tiếp tục có một phiên cân bằng trên đường MA20 với các chỉ báo chưa ghi nhận sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên việc đường DI- đã giảm xuống đáng kể thể hiện cho việc thị trường sẽ bước vào nhịp tích lũy và khó có thể bất ngờ điều chỉnh với biên độ rộng trong ngắn hạn. 

Với diễn biến hiện tại, xác suất cao VN-Index sẽ tăng giảm đan xen tích lũy tại khu vực 1.240 điểm trước khi hướng lên vùng điểm 1.270 điểm.

Ở khung đồ thị giờ, thể hiện sự giằng co rung lắc hiện tại, tuy nhiên có tín hiệu bo hẹp giúp giảm thiểu xác suất điều chỉnh với biên độ lớn và mục tiêu vẫn là tiến lên mốc 1.270 điểm.

Lăng kính chứng khoán 29/11: Cổ phiếu bán lẻ FRT hay MWG hấp dẫn hơn?- Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 28/11 (Nguồn: FireAnt).

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Mẫu nến đảo chiều được hình thành sau khi VN-Index chớm lên vùng kháng cự 1.25x cho thấy tín hiệu phân phối đã trở nên rõ nét hơn. Điểm tích cực là hoạt động bán diễn ra có sự kiểm soát, tập trung ở các vùng giá cao chứ chưa xuất hiện áp lực bán mạnh tại các vùng giá thấp. 

Khi chưa xảy ra hoạt động bán tháo khối lượng lớn, chỉ số vẫn có cơ hội tạo dựng các nhịp hồi phục trở lại, tuy nhiên kịch bản giằng co với xu hướng giảm điểm chủ đạo đang có phần lấn át trong các phiên tới.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN): Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ còn biến động gần mức 1.245 điểm. 

Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường sẽ còn tiếp tục biến động hẹp với thanh khoản thấp trong những phiên giao dịch tới, đặc biệt dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. 

Điểm tích cực là dòng tiền có xu hướng gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy cơ hội mua mới gia tăng.

Khuyến nghị đầu tư

- FRT (CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail): Chờ mua.

Luật Dược sửa đổi vừa được thông qua ngày 21/11 đã thông qua việc quy định cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc là một loại hình cơ sở kinh doanh riêng biệt, tạo hành lang pháp lý chính thức cho hình thức kinh doanh này.

Nổi bật là quyền luân chuyển thuốc và quyền luân chuyển người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược giữa các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc.

Điều này theo TCBS đánh giá sẽ là động lực để các chuỗi nhà thuốc lớn như Long Châu tiết kiệm chi phí vận hành, lưu kho qua đó có thể lấy thêm thị phần từ các nhà thuốc nhỏ lẻ.

Với triển vọng tích cực như vậy, TCBS cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân khi cổ phiếu có nhịp điều chỉnh trong thời gian tới.

- MWG (CTCP Đầu tư Thế giới di động): Mua. Giá mục tiêu 1 năm là 77.000 đồng/cổ phiếu, tăng 28% so với hiện tại.

Kết quả kinh doanh quý III/2024 cải thiện đáng kể từ mức thấp năm trước, với doanh thu 34.100 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và LNST 806 tỷ đồng (tăng 1.976% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 31% so với quý trước do mùa vụ, và chi phí bất thường liên quan việc đóng các cửa hàng, ảnh hưởng của bão Yagi, và trích khấu hao lợi thế thương mại.

Loại các khoản bất thường, lợi nhuận trước thuế hợp nhất cốt lõi trong quý III/2024 là 1.500 tỷ đồng (giảm 11% so với quý trước do mùa vụ). Trong quý III/2024, chuỗi Erablue đã có lãi, và sẽ được nhân rộng mạnh trong tương lai.

SSI Research giảm ước tính lợi nhuận sau thuế 2024 còn 4.000 tỷ đồng (tăng 2.259% so với cùng kỳ) do các chi phí bất thường trong quý III/2024, và ước tính lợi nhuận sau thuế 2025 còn 5.700 tỷ đồng (tăng 44% so với cùng kỳ) để phản ánh tiêu dùng phục hồi chậm và việc mở rộng cửa hàng BHX ra các tỉnh mới có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tăng trưởng 2025 thúc đẩy bởi sự cải thiện liên tục của chuỗi ĐMX/TGDĐ/BHX, chuỗi nhà thuốc lỗ ít hơn và không ghi nhận chi phí bất thường.

Trong ngắn hạn, khối ngoại bán ròng có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, mặc dù đây có thể là cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu với tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2024 dự kiến đạt 34% so với quý trước và gấp 12 lần so với cùng kỳ, và tăng trưởng 2025 đạt 44% so với cùng kỳ.

- CTG (Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank): Mua. Giá mục tiêu 1 năm là 44.20 đồng/cổ phiếu, tăng 25,9% so với hiện tại.

Với kỳ vọng chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ cải thiện mạnh từ năm 2025, giúp Vietinbank giảm mạnh chi phí dự phòng cũng như tạo nhiều cơ hội để tối ưu danh mục cho vay cho những năm tới.

Trong năm 2024, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 28.800 tỷ đồng (tăng 15,3% so với cùng kỳ), giảm nhẹ so với ước tính trước đó là 29.200 tỷ đồng do NIM thấp hơn dự kiến. Đồng thời ước tính CTG sẽ xử lý 22.700 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2024, nên chi phí dự phòng sẽ ở mức 28.000 tỷ đồng, tương đương với chi phí tín dụng là 1,78%.

Sang năm 2025, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế đạt 39.000 tỷ đồng (tăng 35,3% so với cùng kỳ) chủ yếu do chi phí dự phòng giảm (giảm 18,6% so với cùng kỳ) và NIM phục hồi (tăng 4 điểm cơ bản so với cùng kỳ).

Với việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu từ năm 2019, SSI cho rằng chi phí tín dụng sẽ giảm trong năm 2025 xuống còn 1,27% sau khi duy trì ở mức 1,9% trong 5 năm qua.

Đến giữa tháng 11/2024, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,4% so với đầu năm và lũy kế thu hồi nợ xấu đã xử lý đạt 6.500 tỷ đồng (so với kế hoạch năm 2024 là 8.000 tỷ đồng). Do đó, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 9.300 tỷ đồng (tăng 20,8% so với cùng kỳ) trong quý IV/2024.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.