Trong bối cảnh vĩ mô không thuận lợi và nhiều thông tin kém tích cực xuất hiện, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 10 sụt giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index đã quay đầu tăng điểm sau khi “thủng” 1.000 điểm trong phiên đầu tuần. Kết phiên giao dịch ngày 28/10, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.027 điểm, tương ứng giảm hơn 9% so với tháng trước. Cùng với đó, thanh khoản bình quân phiên sụt giảm 16%, đạt khoảng 13.000 tỷ đồng.
Theo chia sẻ về thị trường và hướng đi của dòng tiền trong thời gian tới, ông Trần Quý Dương, Giám Đốc chi nhánh quận 1, CTCK Phú Hưng và ông Nguyễn Trọng Minh, Trưởng phòng môi giới, CTCK Yuanta Việt Nam - Co-Fouder BigStock, Quản lý tài sản đều chung quan điểm rằng, về dài hạn thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm giá.
Người Đưa Tin (NĐT): Nhiều đánh giá nhận định rằng TTCK Việt Nam có định giá hấp dẫn, tuy nhiên thị trường lại liên tục có đợt giảm mạnh, có những cổ phiếu đã giảm mạnh trong một thời gian ngắn, vậy nhận định về định giá có mâu thuẫn với diễn biến của thị trường hiện tại?
Ông Trần Quý Dương: Bản thân TTCK luôn đan xen các giai đoạn Overvalue và Undervalue (bị định giá quá cao hoặc quá thấp) và thường diễn biến ngắn hạn bị ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý nhà đầu tư.
Trong bối cảnh thị trường hiện tại đang chứng kiến nhiều bất lợi như việc còn tồn tại các thông tin tiêu cực và sai phạm; dòng tiền bị hụt đáng kể do khó khăn chung từ thị trường trái phiếu và bất động sản; dòng vốn ngoại liên tục rút ròng dưới tác động của USD mạnh lên.
Do đó, giai đoạn hiện tại, dù P/E thị trường đã về mức 10.x, tương đương đáy Covid nhưng các cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm và thiếu sức bật, tôi thấy hiện tượng này cũng không quá bất ngờ.
Ông Nguyễn Trọng Minh: Các phương pháp định giá cơ bản của doanh nghiệp và thị trường theo “giả định tương lai”. Tuy nhiên các giả định tương lại này sẽ thay đổi khi có các biến cố bất ngờ không lường trước được như chiến tranh Ukraine, dòng tiền tắc nghẽn, vụ án liên quan đến FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…
Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp trong quý III và các quý tiếp theo. Định giá của thị trường và doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi (theo chiều hướng tiêu cực) trong thời gian tới. Tôi luôn quan điểm rằng thị trường luôn đúng, khi thị trường biến động mạnh đều có lí do của nó, nhà đầu tư nên tuân theo quy luật của thị trường và các nguyên tắc giao dịch. Không nên tìm lí do để chống lại thị trường, vì khi mọi thứ rõ ràng thị trường có thể đã rơi vào điểm đảo chiều.
Trong ngắn hạn khi thị trường rơi vào trạng thái QUÁ MUA (như đầu năm 2022) hay trạng thái QUÁ BÁN (như hiện tại), thị trường sẽ tự cân bằng thông qua các nhịp điều chỉnh/hồi phục. Còn trong dài hạn, thị trường và cổ phiếu sẽ tăng trưởng/suy thoái phụ thuộc vào tình hình kinh doanh và định giá doanh nghiệp.
NĐT: Tuần vừa qua VN-Index đã có tín hiệu hồi phục nhẹ, thanh khoản phiên sau cao hơn phiên trước, liệu thị trường đã đảo chiều xu hướng hay chưa, quan điểm của ông về rủi ro và cơ hội trên thị trường là gì?
Ông Trần Quý Dương: Các CTCK đa số đã hoàn tất việc Force sell Margin (bán giải chấp), đồng thời định giá đa số các cổ phiếu hiện nay đã về mức quá rẻ, đây là cơ hội lớn cho dòng tiền mới trung và dài hạn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn phải xây dựng chiến lược đầu tư và phân bổ vốn hợp lý khi nhiều rủi ro thị trường vẫn hiện hữu: bom nợ trái phiếu (khi giá trị đáo hạn trái phiếu tập trung khá lớn vào nhóm bất động sản và ngân hàng trong cuối năm nay và 2 năm tiếp theo); FED tiếp tục lộ trình tăng lãi suất dẫn đến rủi ro tỉ giá, đồng USD chưa rõ dấu hiệu tạo đỉnh, và dòng tiền ngoại tiếp tụt rút ròng mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Minh: Trong tuần qua, VN-Index sau khi rơi vào trạng thái quá bán, kết hợp với hiện tượng Call Margin hàng loạt, đã giảm dưới 1.000 điểm và nhanh chóng lấy lại mức điểm số này. Đây là tín hiệu hồi phục trong ngắn hạn. Thông thường các nhịp hồi phục này sẽ kéo dài từ 2-3 tuần.
Ngắn hạn, VN-Index sẽ có một nhịp hồi phục, ít nhất là lên đến 1.100-1.120, trong 1-2 tuần. Còn dài hạn, VN-Index vẫn trong một pha giảm giá, cần rất nhiều thời gian nữa để thiết lập vùng giá cân bằng và tạo đáy đi lên.
NĐT: Hiện nay xuất hiện nhiều tin tức tiêu cực trên thị trường trái phiếu, theo ông những nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu của doanh nghiệp liên quan đến các trái phiếu này nên hành động thế nào?
Ông Trần Quý Dương: Với các doanh nghiệp có nợ trái phiếu lớn, nhà đầu tư nên thận trọng tìm hiểu kỹ dòng tiền trái phiếu có thật sự đi vào các dự án không và hiệu quả các dự án đang như thế nào.
Ngoài ra, không nên đánh đồng tất cả doanh nghiệp vay nợ trái phiếu lớn đều xấu, bởi nhiều doanh nghiệp đã sử dụng đòn bẩy trái phiếu rất tốt và đem lại dòng tiền ổn định, giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh và tài sản của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu thông tin về dòng tiền trả nợ, mục đích và hiệu quả sử dụng vốn không rõ ràng, nhà đầu tư nên tạm thời thận trọng chờ đợi sự minh bạch từ doanh nghiệp và lựa chọn phương án đầu tư khác.
Ông Nguyễn Trọng Minh: Thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn của doanh nghiệp và là kênh đầu tư chuyên nghiệp cho các quỹ đầu tư và nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu Việt Nam mới chỉ phát triển hơn 10 năm, vì vậy, cơ sở pháp lý, các cổ chức định giá trái phiếu chưa được hoàn thiện. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp cố tình lách luật, phát hành nhiều loại trái phiếu chất lượng thấp và sai mục đích sử dụng vốn.
Lần xử lý mạnh tay này của Chính phủ sẽ giúp cho thị trường trái phiếu vận hành tốt hơn và tránh được những rủi ro lớn hơn cho thị trường sau này. Trong tương lai, chất lượng trái phiếu sẽ tốt hơn, sẽ có các tổ chức định giá, xếp hạng trái phiếu, các loại trái phiếu tốt sẽ dễ dàng thu hút dòng tiền hơn vì không bị lẫn lộn với cái loại trái phiếu chất lượng kém.
Còn về câu chuyện các tin đồn tiêu cực về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, theo tôi nhà đầu tư nên tỉnh táo với các thông tin, tránh để các tin đồn sai làm ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của mình. Hãy nhìn sâu vào xu hướng thị trường, nội tại và triển vọng của từng cổ phiếu để đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn nhất.