Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư. Thị trường có khởi đầu tương đối tích cực với phiên tăng nhẹ vào ngày 2/4, tuy nhiên áp lực bán gia tăng khiến VN-Index liên tục giảm điểm ở 4 phiên còn lại trong tuần.
Sau những biến động mạnh, kết tuần, VN-Index giảm 28,98 điểm, tương đương 2,26% so với tuần trước xuống 1.255,11 điểm. HNX giảm 1,9% xuống 239,68 điểm.
Nhóm ngành bất động sản là điểm sáng hiếm hoi của thị trường trong tuần qua, nổi bật DIG tăng 0,3% và NVL tăng 6,1%. Nhóm ngân hàng và chứng khoán có diễn biến kém tích cực nhất và điều chỉnh mạnh.
Lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường. Trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng 15.681 tỷ đồng, đây là tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp.
Bên cạnh đó, tỉ giá USD/VND vượt đỉnh lịch sử và hướng tới mốc 25.000 bất chấp nỗ lực hút ròng của Ngân hàng Nhà nước thông qua kênh OMO cũng khiến tâm lý nhà đầu tư tiêu cực.
Về diễn biến trong tuần giao dịch tới, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị , Khối Phân tích CTCK VNDIRECTcho rằng hiện chỉ số VN-Index đang trong quán tính giảm ngắn hạn và có thể điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.230 điểm (+/-10 điểm).
Tuy vậy, nhà đầu tư chưa nên vội bắt đáy trong bối cảnh sức nóng tỉ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và biến động thị trường đang ở mức lớn. Nhà đầu tư cần kiên nhẫn quan sát lực cầu của thị trường ở vùng hỗ trợ quanh 1.230 điểm cũng như chờ đợi thị trường xác lập vùng cân bằng ngắn hạn trước khi đưa ra quyết định giải ngân mới.
Ngược lại, đối với nhà đầu tư có tỉ lệ đòn bẩy cao, cần tuân thủ kỷ luật và canh các nhịp hồi phục để hạ tỉ trọng đòn bẩy nhằm kiểm soát rủi ro danh mục đầu tư.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh CTCK DSC nhận định, những yếu tố hỗ trợ thị trường trong trung và dài hạn vẫn chưa bị vi phạm, nhưng thị trường trường cần tìm điểm cân bằng với những diễn biến biến mới của bối cảnh trong nước và thế giới.
Trên thế giới, thị trường chứng khoán lớn có dấu hiệu suy yếu trong ngắn hạn, các loại tài sản rủi ro như tiền số cũng điều chỉnh mạnh. Trong khi đó lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng và thị trường hàng hóa tiếp tục nóng khiến kỳ vọng về mức độ hạ lãi suất của FED giảm đi đáng kể. Rủi ro địa chính trị trở lại trong thời gian gần đây đẩy thị trường hàng hóa tăng mạnh, đây là ẩn số rất cần quan sát.
Trong nước, đó là sự cân đối của cơ quan quản lý về sự đánh đổi một bên là các yếu tố chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế, sức mạnh dòng vốn nội với một bên là các yếu tố tỷ giá, dòng vốn ngoại.
Chuyên gia đến từ DSC cho biết, thị trường đã trải qua chuỗi tăng dài và thị trường nếu cần vài tuần hoặc lâu hơn để tìm điểm cân bằng mới, tích lũy trở lại cũng là điều bình thường.
Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn về xu hướng thì các trụ cột của thị trường giá lên cần được đánh giá cẩn trọng. Đối với một thị trường phân hóa như trong thời gian qua và chịu tác động của nhiều cổ phiếu lớn thanh khoản không quá lớn, điểm số cũng không quá quan trọng, quan trọng là thị trường cần tìm được điểm cân bằng mới và các yếu tố vĩ mô cần sớm cân đối.
Hỗ trợ gần nhất của thị trường quanh 1.240 điểm, hỗ trợ mạnh quanh ngưỡng 1.200 điểm. Trong khi đó vùng kháng cự mạnh là vùng 1.280-1.300 điểm.