Mặc dù xuất hiện một số điểm sáng như nhóm chứng khoán, mía đường nhưng thị trường vẫn tiếp tục một phiên giao dịch ảm đạm khi cổ phiếu lớn còn phân hoá.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/4, VN-Index giảm tới 6,34 điểm, tương đương 0,6% xuống 1.042,91 điểm. Toàn sàn có 128 mã tăng, 247 mã giảm và 55 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,31 điểm, tương đương 0,15% lên 206,92 điểm, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm, tương đương 0,18% đạt 77,99 điểm. Chỉ số đại diện nhóm VN30 ghi nhận mức giảm sâu nhất 7,43 điểm với 23 mã giảm giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 12.148 tỷ đồng, tăng 50% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 9.674 tỷ đồng, tăng 46% so với phiên hôm trước. Nhóm VN30 được sang tay 3.509 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán Phú Hưng: Nhóm phân tích nhận thấy, chỉ số liên tục lặp đi lặp lại các đợt tăng giảm quanh chùm MA 20, 50, 100 hội tụ và phẳng, cùng với khu vực kênh giá vận động hẹp từ 1.000 đến 1.100 điểm vẫn chưa bị phá vỡ. Do đó, đợt giảm ngắn hạn hiện tại có thể chỉ là một đợt điều chỉnh về lại vùng hỗ trợ kênh giá dưới, tương đương vùng hỗ trợ 1.000 – 1.020 điểm (đáy tháng 3)
Nhìn chung, thị trường đang chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Do đó, nhà đầu tư nên giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức an toàn nhằm hạn chế rủi ro từ diễn biến bất lợi của thị trường chung.
Chứng khoán VCBS: Nếu áp lực bán vẫn tiếp tục gia tăng thì VN-Index có khả năng sẽ điều chỉnh về vùng đáy cũ quanh 1.020 – 1.030, dù xác suất là không cao.
Với diễn biến hiện tại, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư duy trì tài khoản ở mức an toàn xấp xỉ 20 – 30%, chủ động bán giảm những mã đã giảm dưới vùng hỗ trợ và chỉ giữ lại những cổ phiếu có diễn biến tích lũy, thu hút được lực cầu tốt.
Chứng khoán Asean SC: Nhóm phân tích cho rằng khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới. Dự báo trong phiên giao dịch tới, VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.035 – 1.040 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.025 – 1.030 điểm.
Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
Tin vắn chứng khoán
- Dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết GDP của nước này trong quý I tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,2% so với quý IV/2022, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý II năm ngoái.
Giới chuyên gia Trung Quốc đã đưa ra những đánh giá tích cực về sự phục hồi kinh tế nước này trong năm nay sau khi tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I tốt hơn dự kiến.
Dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố mới đây cho thấy GDP của nước này trong quý I tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,2% so với quý IV/2022, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý 2 năm ngoái
- Ngày 19/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm mạnh 0,32 – 0,7 % ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Lãi suất qua đêm 4,43%; 1 tuần 4,65%; 2 tuần 4,9% và 1 tháng 5,2%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 % ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng. Lãi suất liên ngân hàng USD qua đêm 4,61%; 1 tuần 4,71%; 2 tuần 4,87%, 1 tháng 5 %.
Theo thống kê của MSB, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày và 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày, đều với lãi suất 5%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn; có 3.133,22 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có khối lượng đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 3.133,22 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở; khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 64.074,04 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 110.699,8 tỷ đồng.