Xã Yên Trường, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội, chỉ có 20% người dân sản xuất nông nghiệp, số còn lại tham gia vào dịch vụ, buôn bán. Yên Trường cũng nổi tiếng với tục ăn thịt chó “đồng loạt” vào ngày mùng 4 Tết hàng năm, đây là tục lệ lâu đời, đã duy trì qua nhiều thế hệ người dân trong thôn.
Theo Vietnamnet đưa tin, nhiều người dân thôn Yên Trường, cứ mùng 4 Tết cả thôn như ngày hội, các thương lái thịt chó tấp nập giao thịt từ sáng sớm. Cũng lúc ấy, nhiều nhà dân trong thôn đã dậy để chuẩn bị đồ gia giảm, đồ dùng chế biến, cả thôn rộn rã tiếng băm chặt, mùi thơm từ sáng cho tới trưa.
Theo tục lệ để lại, buổi sáng ngày mùng 4 Tết, đàn ông ai nấy đều chuẩn bị cuốc, xẻng ra đồng tảo mộ, thắp hương người đã khuất, phụ nữ ở nhà chuẩn bị nấu nướng, chế biến các món ăn từ thịt chó.
Theo người dân tại làng Yên Trường, công tác chuẩn bị cho ngày này được bàn bạc từ trước Tết. Người trưởng họ sẽ cắt cử nam thanh niên đi đặt hàng thịt chó tại các lò mổ ở xã Đông Phương Yên, Trung Hòa và Yên Trường (huyện Chương Mỹ). Sau đó, họ lên thực đơn chế biến, chị em phụ nữ đảm nhiệm việc nấu nướng.
"Nếu không đặt hàng từ trước Tết, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng cháy hàng. Ngoài ra, các lò giết mổ ở Chương Mỹ những dịp này cũng phải thu mua chó từ Nghệ An, Thanh Hóa mới đủ số lượng cung cấp", người dân chia sẻ.
5h sáng ngày 4 Tết Nguyên đán, các thanh niên được phân công vội vã sang lò giết mổ xếp hàng, chờ nhận thịt chó không khác gì thời bao cấp.
6h sáng, các con chó đã làm lông sạch sẽ được các chủ lò giao cho khách hàng. Khách mang về chỉ việc pha, chặt cho lên mấy bếp than hồng nấu nướng. Những ngày đó, người dân đi qua Yên Trường không khỏi bị thu hút bởi mùi rựa mận, riềng sả bay khắp xóm.
Theo ông Ngô Bá Thông (trưởng họ Ngô – dòng họ lớn nhất nhì làng Yên Trường) chia sẻ với báo Vov.vn, thịt chó chủ yếu được chế biến thành 4 món: luộc, giềng mẻ, canh măng và dăm hành. Địa điểm chế biến, nấu nướng tại nhà trưởng họ, đây là thời gian để cả họ gặp gỡ, chia sẻ chuyện buồn vui năm cũ và đơn giản hơn là đổi khẩu vị sau những ngày Tết đã “thịt mỡ, dưa hành”.
Ngoài sân nhà thờ họ, mọi người trải chiếu ngồi la liệt, mỗi mâm 10 người nhưng họ nào đông quá có khi lên tới 15 người/mâm.
Ông Nguyễn Gia Tứ - Trưởng thôn Yên Trường cho biết, cả thôn có khoảng 1.500 hộ dân, gồm 3 làng gộp lại, nếu tính sơ sơ ngày mùng 4 Tết cả thôn sẽ tiêu thụ hết khoảng 4 tấn thịt chó móc hàm. Có năm thịt chó bị “cháy hàng” không đủ cung cấp, nhiều nhà phải đi các xã lân cận để mua.
Nếu làm phép tính, thịt chó hôm mùng 4 Tết có giá khoảng 130.000– 150.000 đồng/kg thịt, thì cả thôn sẽ bỏ ra hơn nửa tỷ đồng để mua thịt, chưa tính tiền phụ gia như giềng mẻ, mắm tôm và các loại rau. Trung bình mỗi con chó có trọng lượng 10kg/con thì ngày hôm đó có khoảng 400 con chó bị giết thịt, hàng chục lít rượu được uống hết.
Đó còn chưa kể một số nhà còn làm thêm món giò chó, lượng thịt sẽ nhiều hơn gấp đôi gấp ba, theo người dân trong thôn mỗi 1kg giò chó thành phẩm nếu bán ra thị trường có giá hơn 1 triệu đồng.
Theo ông Tứ, dịp này ngoài anh em, họ mạc, còn là cơ hội cho những người trong thôn hiện đang sinh sống ở nước ngoài ít có thời gian về thăm quê được gặp gỡ nhau. “Nếu ai có dịp ghé chơi thôn Yên Trường vào ngày này, đi bất cứ nhà ai cũng được mọi người vui vẻ mời chén rượu đầu xuân, mời món thịt chó. Quan trọng họ có dám ăn hay không, vì đa số họ vẫn còn kiêng ăn thịt chó đầu năm”, ông Tứ cho biết thêm.
Phong Linh (tổng hợp)