Theo báo Nhân dân, đến làng nghề Kiêu Kỵ có thể được tận mắt nhìn, tận tay sờ vào những tác phẩm được làm ra bằng đôi bàn tay tài ba của các nghệ nhân Kiêu Kỵ; lắng nghe câu chuyện cuộc đời gắn liền với những bước thăng trầm của làng nghề.
“Phá giặc uy linh lừng đất Bắc.
Dát vàng tinh xảo nức trời Nam”.
Hai câu thơ nói về làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ, làng nghề duy nhất ở Việt Nam chuyên làm về dát vàng quỳ. Kiêu Kỵ thuộc đất Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa, nay thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội.
Ông tổ của nghề dát vàng Kiêu Kỵ là Nguyễn Quý Trị, một tiến sĩ dưới đời vua Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786). Ông sinh ra và lớn lên ở làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (thuộc tỉnh Hải Dương). Năm 1763, khi đang giữ chức Binh Bộ Tả Thị Lang – Hàn lâm Viện trực học sĩ, ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc. Ở đó, ông đã học được nghề làm vàng bạc để sơn thếp lên hoành phi, câu đối…
Sau khi về nước, ông đã truyền nghề lại cho người dân trong làng. Kiêu Kỵ có vị trí khá gần với kinh thành Thăng Long, rất tiện lợi cho việc thi công các công trình sơn son thếp vàng ở đền điện, đình chùa… của vua chúa đất kinh đô.
Ông Lê Bá Chung - nghệ nhân của làng Kiêu Kỵ cho hay, làng đã trải qua bao thăng trầm, khó khăn để giữ nghề phát triển như hôm nay.
Những năm 1980, cùng với những đổi thay của đời sống, nghề làm vàng quỳ ngày càng mai một. Phần lớn dân trong làng chuyển sang làm nghề sản xuất đồ dùng bằng da và giả da. “Khó khăn nhất là những năm 1987-1990, trong làng chỉ còn lại vài ba nhà còn làm nghề vàng quỳ, các sản phẩm vàng quỳ cũng khó bán hơn” - ông Chung nói.
Ông nói tiếp: “Không tiêu thụ được sản phẩm đồng nghĩa với việc không có thu nhập. Nhìn các nghệ nhân gạo cội trong làng không có việc làm, chỉ trông chờ vào một vài đơn hàng được chăng hay chớ mà thấy xót xa. Tôi quyết định rong ruổi khắp nơi, từ làng nghề làm đồ sơn mài Cát Đằng ở xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), làng gỗ Hải Minh (Hải Hậu, Nam Định), làng nghề tạc tượng Bảo Hà (Hải Phòng)… để mời chào bán quỳ.
Thời đó, phương tiện đi lại chưa thuận lợi như bây giờ. Mỗi chuyến đi Nam Định hay Hải Phòng phải mất mấy ngày. Khó khăn, nhưng chỉ cần nghe thấy nơi nào có nhu cầu mua vàng quỳ là tôi lập tức lên đường”.
Báo VnExpress thông tin, theo lối xưa, để dát được một lá vàng mỏng thếp lên các bức tượng, hoành phi, câu đối phải trải qua 40 công đoạn. Hiện nay, một số khâu được tối giản, nên chỉ còn 20 công đoạn.
Theo các cụ cao niên ở làng Kiêu Kỵ, khâu làm giấy quỳ giống mang tính chất quyết định đến chất lượng sản phẩm. Xưa có lúc các thợ làng suýt bỏ nghề vì không tìm ra loại giấy thay thế. Ở làng vẫn truyền miệng nhau câu: "Giấy giống là sự sống". Nhờ được thếp vàng nên những pho tượng ở chùa Tây Phương có vẻ đẹp lâu đời, càng qua thời gian càng đẹp.
Để chế biến mực, đầu tiên, người thợ đem nhựa thông nhào với mùn cưa, rồi viên to bằng ngón chân cái. Nếu mùn cưa gỗ nhãn là tốt nhất. Các viên nhựa thông trộn mùn cưa đem đi đốt cho khói đen bốc lên bám vào đáy chảo. Đốt hết 10kg nhựa thông mới được 100g bồ hóng loại một đọng ở vùng giữa đáy chảo.
Bồ hóng nhào với keo da trâu cho thật nhuyễn, lọc kỹ, loại bỏ cặn và phần vón cục. Đem hỗn hợp này cho vào nồi đun sôi lăn tăn, cô đặc lại. Giã hoặc xay keo mực thật kỹ thành keo đen đặc quánh. Nhào thứ bột đen mịn này với keo da trâu theo tỷ lệ nhất định thành mực đen sẫm, đặc sánh. Sử dụng mực này để lướt (phết) giấy dó làm thành giấy quỳ.
Xếp các tờ giấy quỳ thành từng xếp rồi đập một hồi lâu. Sau đó, dỡ ra từng lá và phết mực, phơi cho khô. Lặp lại công đoạn trên thêm một lần nữa là xong công đoạn chuẩn bị giấy quỳ. Mỗi một bọc giấy quỳ được hoàn thành, người thợ phải phết mực ít nhất 3 lần rồi mới phơi khô, để đảm bảo độ bóng, mịn của lá quỳ.
Theo Dân Trí, người thợ đem chỉ vàng/bạc để lên đe, lấy búa đập cán dài ra, càng dài càng tốt, 1 chỉ cán dài được 2m là vừa đẹp, sau đó cắt sợi vàng/bạc này ra thành từng đoạn nhỏ bằng móng tay (mảnh diệp). Diệp được xếp vào các lá quỳ rồi buộc thành từng xếp, cho vào lồng sấy trên bếp lò một đêm.
Sau đó, người thợ bít đai xếp diệp - quỳ chặt lại, dùng búa đập đều tay. Đến khi miếng diệp vàng mỏng dàn kín 4 chiều miếng quỳ, cắt tiếp diệp thành 16 miếng nhỏ rồi lại tiếp tục bít đai đập tiếp từng miếng nhỏ này một lần nữa.
Để đảm bảo độ chính xác cao, người dân làng Kiêu Kỵ thường sử dụng một chiếc cân nhỏ để cân trọng lượng của vàng. Trong đó, mỗi một quỳ gồm 490 lá, được tán mỏng từ khoảng nửa chỉ vàng 24k. Sau đó, người thợ lại phải dùng một loại kéo chuyên dụng, cắt vàng thành từng miếng nhỏ. Các miếng vàng phải đảm bảo chính xác về kích thước và sẽ được các nghệ nhân đặt vào lá quỳ, tiếp tục đập cho mỏng.
Một người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 1m2. Để hoàn thành một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng 1 giờ liên tục. Tính ra phải đập trên 400 nhát búa cho một quỳ vàng. Trung bình mỗi ngày một người thợ phải đập khoảng 8 tiếng để hoàn thiện từ 6-7 gói quỳ. Những gói quỳ thành phẩm được buộc lại cẩn thận có giá bán vào khoảng 1 triệu 600 nghìn đồng, tương đương với giá trị của nửa chỉ vàng trên thị trường.
Phong Linh (tổng hợp)