Làng lạ Việt Nam: Giải mã "mật ngữ Tõi xưỡn" lưu giữ bí quyết 1 làng nghề

Làng lạ Việt Nam: Giải mã "mật ngữ Tõi xưỡn" lưu giữ bí quyết 1 làng nghề

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 5, 18/10/2018 20:30

Lạc vào làng Đa Chất (Phú Xuyên, Hà Nội), bất kỳ ai cũng sẽ nghĩ rằng mình đang nghe một thứ “ngoại ngữ” khác.

Theo báo An ninh Thủ đô, cách trung tâm thành phố Hà Nội 40km, làng cối Đa Chất (Phú Xuyên, Hà Nội) có một hệ thống “mật ngữ” cực kỳ độc đáo hay còn gọi là tiếng lóng. Tiếng lóng Đa Chất còn được gọi với tên khác là Tõi xưỡn (nói lóng). Cùng với nghề truyền thống của làng là đóng cối tre thì ngôn ngữ Tõi xưỡn cũng ra đời theo.

Dân sinh - Làng lạ Việt Nam: Giải mã 'mật ngữ Tõi xưỡn' lưu giữ bí quyết 1 làng nghề

Đình làng Đa Chất, Phú Xuyên, Hà Nội.

Trước kia, dân làng nghèo nên các thợ đóng cối làng phải ra ngoài tìm kiếm việc làm. Họ thường đi làm xa và ở luôn tại nhà chủ cho tiện việc đi lại. Để phục vụ cho việc sinh hoạt và giữ bí quyết nghề với khách hàng nên họ đã hình thành và hiểu với nhau trong một hệ thống ngôn ngữ riêng.

Những tiếng lóng đầu tiên chủ yếu được các thợ cối sử dụng để nhắc nhở nhau trong cách sinh hoạt, ăn mặc, trong việc giữ gìn đồ đạc, tiết kiệm nguyên liệu và bàn bạc nhanh về giá cả, công xá làm việc: Xảo vụ sởn xấn vụ đây (thợ cối đi đóng cối đây), cái bệt dạc, dừa êm, đen tanh thôi (cái nhà này nghèo, bụng nó tốt, chỉ lấy 3 đồng thôi), xảo bờm (trộm đấy)…

Dân sinh - Làng lạ Việt Nam: Giải mã 'mật ngữ Tõi xưỡn' lưu giữ bí quyết 1 làng nghề (Hình 2).

Cối tre truyền thống của làng Đa Chất. (Ảnh: Thanh Niên).

Lâu dần, người dân làng sử dụng để nhắc nhở nhau trong tiếp khách sao cho thật chu đáo, để khách không biết thực tế hoàn cảnh của gia đình mình, giữ ấn tượng tốt với khách. Với người dân Đa Chất thì thể diện rất quan trọng.

Thít (ăn), mận hồng (tiết canh), bệt thuôn (nhà ấy tốt), cối tre (vụ)… là một số tiếng lóng thông dụng ở Đa Chất. Trong câu nói hàng ngày thì người dân sẽ lồng cả tiếng Việt với tiếng lóng.

Tiếng lóng Đa Chất có 3 đặc trưng lớn là: Nói nhanh; không thể biến thành ngôn ngữ văn học và chỉ học được qua tình huống cụ thể. Để thuận tiện cho sinh hoạt và giữ bí quyết làm nghề nên tiếng lóng được nói nhanh cho người ngoài không kịp nghe hoặc không chú ý đến nội dung. Nếu có ai hỏi lại thì ý câu nói sẽ được chuyển sang hướng khác. Để tránh sự chú ý, người nói đôi khi thêm cả tiếng Việt và tiếng lóng.

Tiếng lóng mang chức năng thông tin là chính nên không thể chuyển thành ngôn ngữ văn học. Vì vậy, các tính từ bày tỏ thái độ xuất hiện nhiều: Trẩm (đừng, xấu, không nên), choáng (đẹp), chổi (chớ, đừng)…

Theo báo Nhân dân, khi được hỏi về quá trình học thứ tiếng này, Trưởng thôn Đa Chất cho biết, những thế hệ sau đều học bằng con đường truyền miệng qua mỗi chuyến đi xa làm nghề đóng cối xay hoặc trong môi trường giao tiếp của người làng với nhau.

“Tiếng cổ được dùng kèm theo những câu nói tiếng Việt phổ thông để đánh lạc hướng sự chú ý của người khác”, bác Tuyên nói. Thí dụ như: “Hôm nay trời nắng. Đổi ỏn ngáo bái”. Người lạ vào làng, nghe tiếng nói của người dân đều không hiểu thứ ngôn ngữ mà họ đang nói là gì.

Trong làng Đa Chất, hiện chỉ có những người ở độ tuổi trên 40 mới biết nhiều tiếng Tõi xưỡn, và chủ yếu là nam giới. Phụ nữ và thanh niên trong làng biết ít hơn, hoặc có khi chỉ một vài câu giao tiếp cơ bản.

“Tiếng cổ của làng cũng có lượng từ vựng gần bằng với tiếng Việt, nhưng phong phú hơn. Phát âm trong tiếng Tõi xưỡn có điểm giống với chữ Nho của người Mán”, cụ Nguyễn Ngọc Đoán (78 tuổi) – Cụ từ chăm lo đình làng Đa Chất, người nhớ nhiều tiếng cổ nhất nhì trong làng từng khẳng định.

Tiếng cổ của làng không có bảng chữ cái và cũng không có quy ước trong việc phát âm hay cấu tạo ngữ pháp. Năm 2006, bộ Văn hóa Thông tin đã đến làng mời các cụ già trong làng sưu tầm, tập hợp lại các từ trong tiếng cổ để in thành sách và giữ gìn cho các thế hệ sau.

Theo báo Thanh Niên, lịch sử làng nghề làm cối tre làng Đa Chất được truyền từ đời này qua đời khác và ngôn ngữ “lạ” của làng cũng vậy. Cuốn "Thần phả" ghi lại cách phát âm được phiên âm của hơn 200 từ lóng thông dụng, ông Đoán giải thích rằng tiếng lóng được nói theo cách cấu tạo câu tiếng Việt bình thường, ghép các từ lại với nhau cũng có chủ -  vị ngữ.

Được biết, từng có ý kiến rằng, trong các cuộc họp chi bộ ở thôn, để "tiếng lóng" phổ biến hơn với người dân, xã sẽ đưa ngôn ngữ này vào cuộc họp. Hiện, ông Nguyễn Ngọc Đoán đã tập hợp những người thợ cối năm xưa để ghi lại những câu, từ tiếng lóng quen thuộc. Ông Đoán cũng đang là thầy dạy tiếng lóng làng Đa Chất cho thế hệ trẻ trong làng để con cháu không quên nếp truyền thống, phong tục của quê hương.

Xem thêm>>> Làng lạ Việt Nam: Đập trên 400 nhát búa mới được một quỳ vàng

Phong Linh (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.