Những vấn đề cũ và mới
Những năm gần đây, dư luận nhiều lần lên tiếng về khu lăng mộ Hoàng Cao Khải (phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên rơi vào tình trạng bị lấn chiếm, xâm hại. Mặc dù là công trình được xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1962 nhưng do sự thiếu quan tâm của các cấp, ngành nên tình trạng lấn chiếm xảy ra ở di tích này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Đây là một quần thể di tích gồm đền thờ, lăng mộ… bằng đá được xây dựng năm 1893 bởi quan Khâm sai kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải (1850 – 1933). Nó được đánh giá là công trình bằng đá lớn thứ hai Việt Nam (sau di tích thành nhà Hồ) với trình độ kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc. Quần thể di tích gồm hai công trình lớn là lăng Hoàng Cao Khải và lăng con trai ông, Hoàng Trọng Phu.
Tuy nhiên sau nhiều năm bị lấn chiếm, xâm hại, di tích này giờ đã thay đổi khá nhiều. Cụ thể ở phía trước lăng Hoàng Cao Khải từng có hai hàng lính chầu bằng đá, mỗi hàng gồm 4 người bồng gươm cao 1,3m. Nhưng hiện tại, lăng chỉ còn lại 3 bức tượng đều mất phần chân do bị tôn nền xi măng trùm lên.
Phần tai, cánh tay tượng cũng bị sứt mẻ. Các cửa lăng đã bị bịt kín bằng gạch xây và chỉ để một lối ra vào duy nhất có gắn cửa kéo bằng sắt. Hiện lăng Hoàng Cao Khải trở thành trụ sở tuần tra cụm dân cư số 9 của công an phường Trung Liệt. Phía sau lăng, trước đây là Nghinh Phong quán nay đã biến thành nhà dân và nơi chứa đồ.
Lăng Hoàng Trọng Phu cũng ở trong tình trạng tương tự. Mặt trước của lăng được người dân dùng các tấm gỗ ghép thành những cánh cửa. Các cửa xung quanh đều được xây kín bằng gạch. Đôi rồng đá ở cửa lăng cũng dùng làm nơi để đồ, bức tường xây bịt lối vào nay trở thành bảng tin của tổ dân phố.
Phía trên người dân bắn một tấm bạt xếp để biến một góc lăng thành nơi để xe. Trước đó, khu đặt mộ đá của Hoàng Trọng Phu đã bị một gia đình ngăn thành phòng ngủ. Xung quanh lăng hiện bị người dân biến thành nơi bán hàng nước, trông xe, bán đồ lặt vặt … Nếu nhìn từ bên ngoài, người lạ khó có thể phát hiện đây là một lăng mộ mà nghĩ đó giống nhà dân hơn.
Vì đâu khó xử lý?
Hiện nay những quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa rất rõ ràng. Tuy nhiên, không hiểu sao những năm qua chính quyền phường Trung Liệt và quận Đống Đa vẫn loay hoay chưa thể giải quyết triệt để vấn đề này. Trao đổi với PV báo Người đưa tin, bà Lê Ngọc Bích, Phó chủ tịch phường Trung Liệt cho hay: “Những thực trạng bấy lâu nay của khu di tích lăng Hoàng Cao Khải là do lịch sử để lại.
Bản thân chúng tôi cũng đã yêu cầu các hộ dân kí cam kết không lấn chiếm vi phạm, đảm bảo vệ sinh môi trường không gian xung quanh lăng. Đồng thời chúng tôi cũng giao cho tổ dân phố ở đó trực tiếp quản lý, bảo vệ, có vấn đề gì báo cáo với phường. Hơn nữa mỗi khi chúng tôi xuống kiểm tra, các hộ dân đều nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng khi đoàn kiểm tra về thì đâu lại đóng đấy”.
Chị Đỗ Thu Trang, cán bộ văn hóa phường cho biết thêm: "Hiện nay chúng tôi đã thực hiện cắm mốc giới để phân định đất di tích. Lãnh đạo phường cũng nhiều lần đề xuất xây tường bao quanh để bảo vệ khu di tích, tránh tình trạng người dân lấn chiếm, xâm hại. Tuy nhiên sau nhiều lần đề xuất, UBND quận đến giờ vẫn chưa thực hiện".
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của phường Trung Liệt khi để người dân lấn chiếm, xâm hại di tích, bà Bích nói: “Phường cũng chỉ là giúp việc cho quận chứ không quản lý trực tiếp. Nếu các anh muốn nắm rõ hơn thông tin thì lên hỏi quận. Phường chúng tôi đông dân cư, nhiều di tích nên chủ yếu phải dựa vào ý thức người dân”.
Bà Lê Ngọc Bích cho biết thêm, năm 2015, UBND quận Đống Đa đã phải bỏ tiền ra để đền bù, giải phóng chính những hộ dân lấn chiếm di tích ra khỏi di tích này.
Một câu hỏi đặt ra là nếu chính quyền sở tại làm quyết liệt thì liệu có xảy ra nghịch lý chúng ta phải bỏ tiền đền bù cho những hộ dân lấn chiếm di tích ra khỏi di tích hay không? Thiết nghĩ trong vấn đề này, chúng ta không thể đổ lỗi cho ... lịch sử để lại được.
Nhằm làm rõ hơn vấn đề, phóng viên đã tới đặt lịch với văn phòng UBND quận Đống Đa. Nhân viên văn phòng tiếp nhận thông tin cho biết: “Chúng tôi sẽ trình lãnh đạo và liên hệ lại với anh”. Tuy nhiên tới thời điểm này, hơn 10 ngày trôi qua, thông tin từ UBND quận Đống Đa vẫn bặt vô âm tín.
Quản lý, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa được quy định rõ ràng Điều 13, luật Di sản văn hóa được ban hành từ năm 2001 nghiêm cấm hành vi xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa. Điều 32 của luật này cũng quy định cụ thể các khu vực bảo vệ di tích. Theo đó khu vực gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích thì phải được bảo vệ nguyên trạng. Khi phát hiện di tích bị lấn chiếm, hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại thì tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích đó phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo cho cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp, UBND địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin nơi gần nhất. |
Phạm Thiệu