Sáng 25/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em đã dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với thông điệp "Chung tay vì trẻ em nghèo, phòng chống đuối nước trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”, tổ chức tại TP. Thanh Hoá.
Những năm gần đây, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đạt được nhiều thành quả, đảm bảo các quyền của trẻ em và hội nhập với quốc tế. Trẻ em được phát tiền toàn diện, được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ.
Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, thách thức trong công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em. Đó là vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em, suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em, tai nạn, thương tích, đuối nước đối với trẻ em. Đặc biệt là vẫn còn khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về cơ hội phát triển và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em.
Hiện cả nước còn khoảng gần 5,6 triệu trẻ em là trẻ em nghèo theo phương thức tính nghèo đa chiều. Hơn 50% số trẻ em dân tộc thiểu số là trẻ em nghèo. Trong đó tỷ lệ nghèo cao nhất là về vui chơi giải trí (65,9%), sức khoẻ (45,3%) và nước sạch 36,6%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn cao, cao nhất là vùng Tây Nguyên (34,9%), Trung du và miền núi phía Bắc (30,7%). Tỷ lệ nhập học mầm non của trẻ em còn thấp, đặc biệt là trẻ em trong các hộ nghèo, trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc tiếp cận dịch vụ vui chơi giải trí của trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp. Mới có 58,5% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa, thể thao.
Vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra phức tạp. Trong giai đoạn 2017-2018 có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Có những vụ việc phát hiện muộn, thiếu một số các chế tài để kết tội, trẻ em, người lớn thiếu kỹ năng phòng ngừa xâm hại bạo lực.
Trung bình mỗi năm vẫn còn hơn 4.000 em bị tử vong do tai nạn thương tích, 2.000 em bị tử vong do đuối nước.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong tháng hành động, khi xảy ra các vụ việc liên quan đến trẻ em, chính quyền các địa phương xử lý nhanh nhất, nghiêm nhất, hỗ trợ tốt nhất cho các em, tiến tới đưa phương châm, tinh thần này được quán triệt thực hiện thường xuyên. Mỗi người lớn và chính các em chủ động thực hiện tốt các công việc, mục tiêu của tháng hành động.
“Tháng hành động không chỉ thay đổi nhận thức mà là hành vi, cách ứng xử để trẻ em được thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất mà xã hội dành cho các em”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Trò chuyện với các cháu học sinh trường THCS Trần Mai Ninh (TP. Thanh Hoá), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không cần nói nhiều về trẻ em là tương lai của loài người, của mỗi dân tộc, đất nước. Trẻ em là tương lai, như búp trên cành. Chúng ta cũng không cần nói nhiều về việc tại sao phải dành sự chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ em. Việt Nam đang phát triển, đất nước còn đang rất nghèo, chúng ta xóa đói giảm nghèo nói chung nhưng đặc biệt phải chú ý hơn đến trẻ em.
Phó Thủ tướng chia sẻ: Năm nay là năm thứ 30 Việt Nam ký Công ước về quyền trẻ em, năm thứ 25 phát động tháng hành động vì trẻ em và có rất nhiều điều để nói. Đó là còn rất nhiều trẻ em ở miền núi, vùng khó khăn bị thấp còi, suy dinh dưỡng vì không được tiếp cận đầy đủ các các dịch vụ sức khỏe, giáo dục. Nhiều trẻ em ngay từ khi sinh ra đã bị bỏ rơi do những lỗi lầm của người lớn. Còn nhiều em được nuôi nấng không đủ dinh dưỡng, khi ốm đau chưa được chăm sóc tốt. Không ít trẻ em bị bạo hành, bị bóc lột sức lao động, bị thương tích, tử vong do tai nạn, đuối nước.
Sau khi đặt câu hỏi trẻ em có tất cả bao nhiêu quyền nhưng ít người dự lễ phát động biết rõ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải phổ biến đầy đủ các quyền này cho trẻ em và cả người lớn.
“Ngoài những phong trào, kêu gọi, vận động thì việc tối quan trọng là phải thực hiện thật tốt Luật Trẻ em, trong đó quy định rất đầy đủ các quyền của trẻ em, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, xã hội. Chúng ta phải làm cho mọi người trong xã hội, đặc biệt là trẻ em biết được quyền của mình. Những tổ chức, cá nhân được quy định trong luật phải được ràng buộc trách nhiệm về mặt Đảng, chính quyền, luật pháp. Các hành vi vi phạm về quyền trẻ em phải bị xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng nói.
Trong điều kiện của xã hội Việt Nam hiện nay, thói quen đời sống, sinh hoạt, Phó Thủ tướng nêu 2 điểm cần đặc biệt lưu ý liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Thứ nhất là cách giáo dục trẻ em thường nghiêm khắc, uốn nắn từ đầu, “Yêu cho roi, cho vọt/ Ghét cho ngọt, cho bùi”. Nhưng xã hội ngày càng phát triển thì quan niệm này phải được hiểu cho đúng, cho hợp với thời đại. Chúng ta nghiêm khắc với trẻ em bằng tấm lòng, tình thương nhưng cách thể hiện không phải bằng roi, vọt hay những câu nói, thái độ gây tổn thương cho trẻ em.
Thứ hai là coi trẻ em chỉ biết vâng lời, làm theo lời người lớn. Chúng ta hãy tôn trọng trẻ em, lắng nghe trẻ em nói để biết các cháu muốn gì, được tham gia, bày tỏ ý kiến của mình.
“Tất cả chúng ta hãy thực sự chăm sóc cho thế hệ mai sau của gia đình mình, dòng tộc mình, quê hương mình, đất nước mình, thế giới của mình thực sự thiết thực. Đầu tiên phải tăng cường tuyên truyền về các quyền trẻ em theo đúng Luật Trẻ em”, Phó Thủ tướng mong muốn.
Theo Chinhphu.vn