Trước những đánh giá này, Đàm Vĩnh Hưng đáp trả bằng một bức "tâm thư". Anh đưa ra hai giả thuyết: một, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bị người viết bài phỏng vấn "cài bẫy" và dẫn dắt... Hai: Nếu trong trường hợp Nguyễn Ánh 9 đã nêu ra những nhận xét thực sự như thế, thì đích thực ông là "ngụy quân tử". Bởi theo Đàm Vĩnh Hưng, những hành xử của Nguyễn Ánh 9 từ trước đến nay, khác xa với lời nói của ông.
Nguyễn Ánh 9 cho biết, ông đã đọc toàn bộ bức "tâm thư" của Đàm Vĩnh Hưng. Ở giả thuyết đầu do nam ca sĩ đặt ra, ông cho biết: bài phỏng vấn có những câu nói được đặt, thêm thắt không đúng chỗ khiến cho lời nhận xét của ông càng thêm nặng nề, "mất cái hay của người nói và làm người nghe cũng mất niềm tin". Tuy vậy, Nguyễn Ánh 9 vẫn bảo lưu các ý kiến của mình: "Tôi nói với lòng thành thật và không hề cố ý xúc phạm ai hết vì họ cũng không làm gì tôi để tôi xúc phạm họ".
Nhạc sĩ 73 tuổi khẳng định, ông chỉ nêu lên nhận định cá nhân ở góc độ của tác giả ca khúc Ai đưa em về. "Tôi thấy bài hát đó Đàm Vĩnh Hưng hát không hợp, hát không đúng ý tôi mong muốn, chứ tôi không hề chỉ trích. Tôi chỉ bức xúc và nói về vấn đề bài hát của tôi", ông chia sẻ.
Tác giả Buồn ơi chào mi không buồn khi bị gọi là "ngụy quân tử" vì ông cho rằng, có thể Đàm Vĩnh Hưng viết ra những lời này lúc đang nóng giận và "sốc". Nhưng ông khẳng định, ông chưa bao giờ mời Đàm Vĩnh Hưng hát trong chương trình của mình. "Trong đời mình, tôi cũng chỉ từng một lần đệm đàn cho Đàm Vĩnh Hưng hát ở Trống Đồng. Mà thật ra lần đó là tôi đàn cho Dương Triệu Vũ hát Ai đưa em về,Đàm Vĩnh Hưng hát bè theo. Đó là lần duy nhất!", ông nói.
Không chỉ với riêng với Đàm Vĩnh Hưng, trong bài phỏng vấn "gây bão", nhạc sĩ cũng thấy buồn trước hiện tượng ca sĩ bây giờ quá chú trọng vào chuyện ăn mặc, trang điểm cho đẹp, khi lên sân khấu ít đặt cảm xúc vào âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát. Ông cũng nêu những ví dụ cụ thể, người có khả năng thanh nhạc như Thanh Lam, Mỹ Linh, Bằng Kiều... lại ngày càng lạm dụng kỹ thuật, cố khoe giọng mà vô tình làm hỏng tình cảm trong bài hát. Ông cũng chia sẻ sự phát triển của đời sống âm nhạc nói chung, về hiện tượng nhạc Hàn Quốc...
Những chuyện Nguyễn Ánh 9 đề cập đều không mới. Từ nhiều năm nay, làng nhạc Việt Nam vốn phát triển bề rộng mà ít có chiều sâu. Sự hời hợt trong sáng tác ca khúc nhạc nội và sự dễ dãi trong việc đón nhận của một bộ phận công chúng là những yếu tố góp phần tạo nên tình trạng này. Vào đầu tháng 5, trong đêm nhạc của chương trình Tiếng hát mãi xanh, ở tuổi 89, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng chê những ca sĩ thích "hét" hơn là hát và "tưởng như thế là hay". Còn nhạc sĩ Quốc Dũng cũng từng thổ lộ với báo chí, ông không còn cảm hứng âm nhạc: "Những cái tôi làm lạc lõng với thế giới âm nhạc bây giờ chủ yếu dành cho tuổi teen. Ít để ý đến thị trường nhạc Việt bây giờ nhưng tôi thấy rằng, mỗi thời gian, mỗi thế hệ có một sở thích âm nhạc khác nhau mà thế hệ của chúng tôi thì xa rồi. Tôi đã 'rửa tay gác kiếm' lâu lắm rồi...".
Trong bối cảnh đó, Việt Nam hầu như không có những nhà phê bình âm nhạc đúng nghĩa. Các ca sĩ, nhạc sĩ thường tự đăng đàn nói về nhau, bằng những lời có cánh. Vì thế, thỉnh thoảng, những lời nói thật, không đi kèm sự tụng ca lập tức bị "ruồng rẫy".
Những quan điểm của Nguyễn Ánh 9 có thể gây tranh cãi, có thể được đồng tình hoặc bị phản đối. Tuy nhiên, thứ gây ồn ào nhất không còn là nội dung của bài phỏng vấn mà là cách hành xử của người nghệ sĩ.
Trước những nhận định của nhạc sĩ lão làng, ca sĩ Mỹ Tâm, Tuấn Hiệp, hai trong số những người ông đề cập đến đã lên tiếng với ý chung, chuyện khen chê, thích hay không thích là bình thường, các ca sĩ cũng cần phải xem lại. Ít nhiều, họ đã đón nhận ý kiến của Nguyễn Ánh 9 bằng sự tiếp thu, lắng nghe. Riêng Đàm Vĩnh Hưng có phản ứng khác khiến vị nhạc sĩ lão làng lên tiếng rằng ông sẵn sàng xin lỗi anh.
Không ít người cho rằng, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã thiếu cân nhắc khi công khai buông lời về đồng nghiệp. Chị Kim Vân, trên trang facebook của mình, bình luận: “Có câu nói quen thuộc mà mọi người thường hay trích dẫn: ‘Những người chê ta là thầy ta’. Câu này không bao giờ sai, nhưng cần hiểu rõ chữ chê như thế nào... Nếu chê theo kiểu: ‘anh chỉ xứng làm ca sĩ loại C hát lót ở phòng trà’ hay ‘cô hát thua một ca sĩ nghiệp dư’ thì không thể giúp đối tượng thấy được khiếm khuyết ở đâu, mà chỉ gieo vào lòng họ những bực mình, tự ái. Nếu mà cụ 9 biết dừng lại ở đúng chỗ, như nói Thanh Lam hát còn thiếu nhạc cảm, Đàm Vĩnh Hưng hát không ra được chất nhạc xưa... thì câu chuyện đã không đến mức đi quá xa như vậy".
Một facebooker khác nhận xét: “Bác 9 có thời của bác và Thanh Lam, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng hay Hà Hồ cũng có thời của họ. Làm nghệ thuật không quan trọng cứ phải thật bác học, thật uyên thâm. Làm nghệ thuật là làm cho khán giả, một người nghệ sĩ được khán giả đón nhận tức là họ đã có được thành công. Ừ thì Đàm Vĩnh Hưng hay Hồ Hà hát chưa hay, nhưng bao nhiêu người thuộc bài của họ, bao nhiêu người bỏ tiền ra đi xem họ hát...".
Nhưng một bộ phận khác tỏ ra bất bình trước cách đáp trả của Đàm Vĩnh Hưng, đặc biệt là giọng điệu và lời lẽ anh dùng trong bức tâm thư. Một độc giả chia sẻ: "Nhận xét của ông không có chỗ nào sai, có chăng sai ở chỗ đụng trúng tổ kiến lửa showbiz Việt, nơi mà người ta ít chịu tiếp thu, nhìn nhận cái chưa được của mình để hoàn thiện bản thân, suốt ngày gân cổ lên để cãi, thậm chí, dùng những lời lẽ xúc phạm với vị nhạc sĩ già đáng tuổi cha mình".
Còn trên trang cá nhân, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Quang Vinh cũng có bài viết bày tỏ về vấn đề này, trong đó có đoạn: "Bác Nguyễn Ánh 9 có gửi lời xin lỗi mọi người, xin lỗi em (Đàm Vĩnh Hưng - PV)... nhưng nếu em từng trải, em hiểu rằng, đó là lời xin lỗi của một người đàng hoàng, đối với lớp cháu con rằng, bác không chấp. Thế đó em nhé. Cái từ xin lỗi của bác nghe nó đau và cay đấy".
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh từng có bài viết Ai cho mày chê con tao xấu: "Hỡi nghệ sĩ, đừng bắt chước bọn báo tường chúng tôi. Hãy tập câm, tập mù, tập điếc. Ai khen không cười, ai chê không giận, cắm cúi mà làm việc. Người ta không hiểu mình trong khi mình có giá trị thật thì trăm năm sau thể nào cũng có thằng sáng mắt nhìn ra. Mà nếu may thì có khi cũng chẳng phải đến trăm năm sau, ngay tuần sau, số báo sau, đã có người nhận ra mình rồi...
Chưa kể còn hàng nghìn khán giả âm thầm khen mà mình không biết (tại họ không viết thành bài), và cũng không loại trừ được trường hợp xấu là có hàng ngàn khán giả khác đang chê ở nhà mà mình không hay. Hì hục phá cái chóp con của tảng băng trôi làm gì cho nó mệt". Những lời phiếm luận mà Phan Thị Vàng Anh viết vẫn mãi giữ giá trị của nó, nhất là trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn trong các giá trị nghệ thuật, giải trí như hiện nay.
Theo Thất Sơn/VnExpress