'Lãng phí ở đâu, nơi ấy phải chịu trách nhiệm!'

'Lãng phí ở đâu, nơi ấy phải chịu trách nhiệm!'

Thứ 2, 01/04/2013 15:37

Ông Nguyễn Đức Kiên, phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: 'Chúng ta đang lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng là rất lớn, nó làm cho giá thành một công trình xây dựng tăng lên, làm cho chỉ số ICO (chỉ số an toàn) ngày càng tăng cao so với các giai đoạn đầu tư trước'.

Ông Nguyễn Đức Kiên, phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với phóng viên Nguoiduatin.vn những nhận định, giải pháp chống lãng phí.

Thưa, ông đánh giá gì về hậu quả của lãng phí ảnh hưởng tới nền kinh tế hiện nay?

Chúng ta đang lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng là rất lớn, nó làm cho giá thành một công trình xây dựng tăng lên, làm cho chỉ số ICO (chỉ số an toàn) ngày càng tăng cao so với các giai đoạn đầu tư trước. Đó là những biểu hiện chỉ rõ sự đầu tư không hiệu quả của chúng ta.

Vấn đề này đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực như đầu tư công trình hạ tầng, những công trình dân sinh nâng cao đời sống của nhân dân, công trình sản xuất không vận hành hết công suất...

Xã hội - 'Lãng phí ở đâu, nơi ấy phải chịu trách nhiệm!'

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.

Lãng phí hiện nay có thể thấy ở khắp nơi thậm chí còn được coi là nguy hại hơn tham nhũng, thất thoát nhưng chúng ta chưa có chế tài xử lý lãng phí, cá nhân bị xử lý vì gây lãng phí?

Vấn đề bây giờ chúng ta phải xem xét những cá nhân liên quan đến những dự án, công trình lãng phí họ có làm gì sai không. Nếu họ không làm sai thì không kỷ luật được. Chúng ta cứ nói họ vẽ ra những triển vọng cho dự án, nhưng khi đưa vào hoạt động lại không hiệu quả nên buộc cá nhân phải cam kết điều này là không thể làm được.

Tôi lấy ví dụ khu Thể dục thể thao Mỹ Đình chúng ta đánh giá thế nào là hiệu quả và không hiệu quả? hay cầu Thăng Long khánh thành từ năm 1986 mãi đến năm 1995-1996 chúng ta mới khai thác hiệu quả, đường Hồ Chí Minh làm xong nhưng các xe tải, xe khách vẫn không chạy trên đường mới... vấn đề ở đây còn là thói quen, cách ứng xử của xã hội, người dân với công trình, dự án. 

Nghĩa là chúng ta không thể lấy thước đo số lượng sử dụng để tính sự hiệu quả của dự án?

Đây là điều thực tế. Chẳng hạn đường Hồ Chí Minh nếu lấy thước đo vận tải đường dài thì không đạt yêu cầu, nhưng về mặt vận tải địa phương và đổi mới bộ mặt dân cư thì nó đạt yêu cầu. Nó đạt yêu cầu về quốc phòng an ninh, nhưng nó không đạt yêu cầu về bảo vệ rừng. Mỗi dự án, mỗi công trình đều có những vấn đề khác nhau do vậy chúng ta phải có cách nhìn tổng thể.

Theo ông, liệu Quốc hội cần đưa vấn đề này vào chương trình giám sát, để tổng kết lãng phí của cả nước, của từng địa phương cụ thể như thế nào không?

Hiện nay chúng ta đã có luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rồi thì cứ theo luật mà triển khai. Còn chúng ta muốn xem xét trách nhiệm cá nhân, hay sự lãng phí ở địa phương nào thì cần chỉ ra công trình nào có lãng phí.

Khi đó các ĐBQH, Hội đồng Nhân dân thể hiện quyền của mình như thế nào trong quyết định ngân sách, thảo luận như thế nào về việc dừng cấp kinh phí cho công trình lãng phí. Ngay với việc lãng phí trong sử dụng đất đai, quy hoạch rồi không triển khai dự án, yêu cầu địa phương phải thu hồi. Nhiều người cứ nói giao địa phương thu hồi là khó vì có lợi ích nhóm ở trong ấy.

Tôi lại cho rằng, chúng ta không nên quy chụp như vậy. Việc thu hồi dự án không triển khai là thuộc thẩm quyền của địa phương, Trung ương  không thể xuống thu hồi dự án được thì luật đã quy định rồi. Bởi vậy, lãng phí ở đâu thì nơi ấy phải có trách nhiệm.

Xin cảm ơn ông!

Còn "bệnh" kinh tế kế hoạch hóa

“Quan trọng nhất hiện nay, chúng ta vẫn còn bệnh của kinh tế kế hoạch hoá. Chúng ta làm gì cũng thích theo chỉ tiêu. Chúng ta đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng là một con số cố định thì việc đầu tư cũng phải tương ứng. Chúng ta mong muốn phát triển nhanh nhưng thực lực của nền kinh tế không có. Năm nào chúng ta cũng nói đầu tư công theo Chỉ thị 1792 của Chính phủ, nhưng  năm nay vẫn khởi công dự án mới. Do vậy, biết lãng phí nhưng chúng ta vẫn làm nên hạn chế là rất khó. ở đây cũng có tâm lý nhiệm kỳ, anh nào cũng muốn trong nhiệm kỳ của mình khởi công được một vài dự án, hạng mục công trình. Điều này cho thấy, chúng ta không có kế hoạch dài hạn mà chỉ có kế hoạch ngắn hạn và trung hạn là 5 năm nên chính cách điều hành ấy đã gây ra lãng phí”.

Nguyễn My (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.