Nghề nông chỉ dành cho... đàn ông
Rời dòng sông Hương êm dịu nằm giữa lòng TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), chúng tôi men theo quốc lộ 1A chừng 10km để đến với ngôi làng kỳ lạ này. Mặc dù đã biết đến tục lệ không cho vợ làm ruộng từ trước, thế nhưng chúng tôi vẫn không tránh khỏi sự ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh tượng nơi đây. Cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay nhưng chẳng có bóng dáng một "má hồng" nào cả. Phóng tầm mắt ra xa hơn nữa, cũng chỉ thấy dáng vẻ thô kệch của các chàng trai quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" đang hăng say làm việc. Những câu chuyện ăn nhậu thâu đêm, những trận cầu đinh làm say đắm người hâm mộ, hay những lời bán tán về một cô gái xinh đẹp làng bên cứ thế vang lên khắp cánh đồng.
Mấy sào ruộng trong nhà đều do một tay ông Hồ Công Lâm chăm sóc.
Nơi đây, tất cả mọi công việc đồng áng từ cày cuốc, gieo giống, bón phân, nhổ cỏ, gặt hái... tất tần tật cho đến ngày thu hoạch đều do đàn ông trong làng thực hiện. Đến những việc có phần nặng nhọc trong nhà như sửa chữa chuồng trại, bưng bê... phụ nữ đều không được làm. Người phụ nữ ở làng này chỉ có việc duy nhất liên quan đến lúa gạo là... nấu cơm.
Ông Trương Hữu Chi (59 tuổi), trưởng thôn Công Lương, chỉ tay về phía cánh đồng rồi nói: "Đồng lúa trong làng được rộng mênh mông, quanh năm xanh tốt, năng suất vượt trội tất cả đều nhờ mồ hôi công sức của những thanh niên trai tráng và đàn ông trong làng tạo nên đấy. Chỉ nhìn qua thì không thể nào biết được điều đó đâu".
Nói như thế không có nghĩa phụ nữ trong làng là những người vô công rồi nghề, vô dụng không làm được gì cả. Họ sinh ra là đã có được đặc ân này, rất nhiều lão nông khẳng định với chúng tôi như vậy. Ông Hồ Công Lâm (60 tuổi, ngụ thôn Công Lương) nói: "Đàn bà con gái ở làng này sướng lắm, vợ tôi cũng vậy, tôi không bao giờ cho vợ ra đồng làm việc. Tục lệ này đã có từ rất lâu rồi, từ khi tôi sinh ra đã có nên cứ thế mà mần theo thôi".
Chúng tôi tiếp tục men theo đường mương, lội xuống ruộng để tìm hiểu rõ hơn về tục lệ này. Anh Nguyễn Văn Lai (28 tuổi) vừa nhổ cỏ vừa cho hay: "Tôi mới cưới vợ cách đây mấy năm thôi. Nhưng từ ngày cưới đến giờ chưa một lần tôi cho cô ấy xuống ruộng". Hỏi tiếp lí do thì anh cười bảo: "Một phần vì tôi thấy làm nông cực quá nên không để vợ tôi phải ra đồng. Phần vì cô ấy có biết gì đâu mà làm, không biết làm ruộng là làm những việc gì cả. Tục lệ xưa giờ thế rồi!".
Lội tiếp qua thửa ruộng bên cạnh, chúng tôi gặp anh Nguyễn Sáu (47 tuổi) đang ngồi nghỉ bên lề. Anh cho hay: "Vợ tôi hiện đang ở nhà chăm sóc cho mấy đứa nhỏ, xong rồi lo cơm nước trong nhà, chứ đồng áng bao đời nay gia đình tôi đâu có cho phụ nữ làm. Còn tôi thì sáng chiều hai buổi ra đồng lo cho mấy sào ruộng. Tuy làng này là làng thuần nông nhưng cánh đàn ông chúng tôi mới đích thị là nông dân, còn phái đẹp thì không phải".
Chưa dừng lại ở việc không biết làm ruộng, ngay cả con đường đi đến ruộng của nhà mình các chị cũng không biết. "Có lần tôi nhờ vợ mang cơm trưa ra đồng vì tôi mệt quá, thế mà phải mất hơn tiếng đồng hồ sau cơm mới đến được. Hỏi ra mới biết là do không biết đường nên đi vòng vèo, hỏi hết người này đến người khác mới tìm ra", anh Sáu cho biết thêm.
Ông Trương Hữu Chi nói vui với chúng tôi: "Ở làng này, dù các chàng đau ốm đến mức không thể ra đồng cày cấy thì các nàng cũng không phải ra đồng mà chỉ việc thuê vài người tin cậy về thay chồng quán xuyến việc đồng áng. Tuy nhiên, những lúc này, để đáp lại tình yêu mà chồng dành cho mình, các cô thường lo toan, chăm sóc rất chu đáo. Nào là thuốc thang, cơm cháo đều được các cô chuẩn bị sẵn sàng. Nhiều đêm như thế mà bị cúp điện, những người phụ nữ ở đây thường thức trắng để quạt mát và chăm sóc khăn nước cho chồng mình".
“Công việc của các chị em phụ nữ trong làng chủ yếu là làm hương, chằm nón và buôn bán”, bà Hoàng Thị Hoa, 55 tuổi cho biết.
Vợ là số 1
“Làng thương vợ” độc đáo ở Việt Nam Ông Trương Hữu Chi cho biết thêm: "Hiện làng có khoảng 300 hộ dân sinh sống và chủ yếu sống bằng nghề nông. Từ trước đến nay các cặp vợ chồng trong làng đều sống với nhau hạnh phúc, hết mực yêu thương và hòa thuận. Tuy có đôi lúc cãi vã nhưng rồi cũng êm ấm như trước. Đặc biệt, là chưa có đôi vợ chồng nào phải ra tòa viết đơn ly hôn. Có lẽ cũng chính vì lý do không để vợ ra đồng dầm mưa dãi nắng nên mọi người đặt cho nơi đây cái tên ngộ nghĩnh là "làng thương vợ". Nói như vậy cũng đúng vì ở đây chỉ có tình yêu là một thứ diệu kỳ, các cặp vợ chồng rất tôn trọng nhau, họ dành cho vợ mình những gì tốt nhất mà hiếm vùng đất nào có được”. |
Chồng không cho làm ruộng, các công việc vất vả khác cũng không được đụng vào nhưng các cô gái trong làng không vì thế mà chỉ biết ở nhà ăn chơi. Công việc thường ngày của các chị em là làm hương, chằm nón, buôn bán phụ giúp thêm cho gia đình.
Tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Sa (53 tuổi), bên ly nước mía chị kể: Trước đây, khi chưa lấy chồng chị ở xã Thủy Thanh, gia đình làm nông rất giỏi và chị là một trong số những người làm chính trong nhà. Từ khi về làm dâu ở xã Thủy Vân này cũng đã hơn 20 năm nhưng chưa lần nào chồng chị bắt phải ra làm ruộng hay bất cứ một việc nặng nào cả. Nhà có 5 sào ruộng và tất cả mọi việc đều do chồng chị một tay làm. Hiện nay chị Sa chỉ việc ở nhà lo cơm nước và bán nước mía để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.
Ông Lâm chia sẻ: "Vợ chồng tôi sống với nhau đã mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ có một vụ to tiếng nào làm xóm làng phải dị nghị cả. Mỗi nơi mỗi khác, nơi đây không để vợ ra đồng làm việc là cách mà đàn ông chúng tôi thể hiện tình cảm. Tục lệ này nghĩ lại cũng vô cùng đúng, bởi lẽ những người phụ nữ khi sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi hơn đàn ông, lại phải chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau cho chúng ta những đứa con, đứa cháu bụ bẫm. Đàn ông chúng ta chấp nhận làm những việc nặng nhọc đó cũng là điều tất yếu nên làm mà thôi!".
Chị Trương Thị Đụng (48 tuổi) là một phụ nữ xinh đẹp, làn da trắng bóc, đôi tay thoăn thoắt đan những vòng nón để chờ ngày giao hàng. Gặp chúng tôi, chị hồ hởi nói: "Các chú nhìn da tôi là thấy rồi đấy, tôi không bao giờ phải ra ruộng cày bừa. Chồng tôi yêu tôi lắm, cả ngày làm dù có mệt mấy cũng chẳng lớn tiếng quát mắng dù chỉ một câu. Thấy thương chồng nên tôi chăm chút việc nhà rất kỹ càng, cơm luôn sẵn có để anh ấy về có cơm nóng mà ăn cho ngon miệng". Để phụ giúp thêm cho chồng mình, chị Đụng ở nhà làm thêm việc chằm nón rồi nuôi vài ba con gà, con vịt. Chị kể, những năm kinh tế hao hụt, vụ mùa không đạt năng suất cao, đã nhiều lần chị trao đổi với chồng là cùng nhau ra ruộng làm việc, trồng thêm vài ba loại sắn, đậu nhưng anh ấy đều không chấp nhận.
Thông thường ở đây một năm người dân canh tác hai vụ lúa, sau khi kết thúc công việc đồng áng, đàn ông trong làng thường đi làm thuê phụ hồ ở thành phố, đạp xích lô, làm mộc để kiếm sống hoặc ở nhà phụ bán với vợ. Tất cả đều rất "chuyên nghiệp" như những người thợ lành nghề. Anh Lưu (50 tuổi) chia sẻ: "Sau khi thu dọn bán hết số lúa thu hoạch được, tôi thường xuôi về thành phố làm thợ nề. Nhưng việc này thường bữa có bữa không nên thu nhập cũng không ổn định. Nhưng dù sao cũng kiếm được thêm chút tiền để vợ ở nhà khỏi lo thiếu cái ăn".
Diễm phúc của người phụ nữ Công Lương Ông Trương Hữu Chi, trưởng thôn Công Lương cho biết: "Ở dải đất miền Trung khắc nghiệt này, chắc không có nơi nào người phụ nữ "sướng" như ở làng Công Lương này. Vừa được chồng hết mực yêu thương lại chẳng phải hằng ngày ra đồng giẫm bùn đạp đất. Bù lại cánh mày râu cũng được hãnh diện khi có những người vợ hiền đảm đang việc nhà, thương chồng lo con. Kể ra đây cũng là diễm phúc mà làng có được từ bao đời nay!". |
Du Ngoạn