Cũng theo lời ông Danh, không phải tự nhiên mà ấp Hưng Hiệp được người dân địa phương đặt cho tên "làng sinh đôi". Nguyên nhân được bắt nguồn từ sau khi đất nước bắt đầu giải phóng, khi đó cả ấp chỉ có vài cặp sinh đôi nên không ai để ý. Vì ngoài thực tế cũng có nhiều bà mẹ vẫn sinh đôi. Từ năm 1980 trở đi, cả ấp có tới 70% sản phụ đều sinh đôi, thậm chí là sinh ba nên chính quyền ấp mới bắt đầu thống kê và tổng hợp được con số giật mình. Từ đó, "làng sinh đôi" trở thành "thương hiệu" của ấp Hưng Hiệp này.
PV Người Đưa tin bên giếng nước thiêng tại làng sinh đôi
Ông Trần Văn Danh tiết lộ: "Ngoài những người trong nước, "làng sinh đôi" còn đón tiếp cả người Hàn Quốc, Nhật Bản... đi thành từng đoàn, tới những gia đình con đôi để thị sát, chụp hình, rồi họ cũng xin nước mang về, bảo là để nghiên cứu gì đó. Có ngày lượng người đến ấp đông đến mức tôi phải dành rất nhiều thời gian cho việc tiếp khách, dẫn họ đi, lắm lúc công việc của gia đình đành phải bỏ dở".
Qua quá trình tìm hiểu chúng tôi được biết, cặp song sinh nhiều tuổi nhất hiện nay là bà Trương Hoàng Yến và bà Trương Bạch Mai đã ngoài lục tuần hiện vẫn đang sinh sống tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất. Cặp ít tuổi nhất cũng đã bước vào độ tuổi 15. Ở độ tuổi 15 - 20 cả ấp có hơn 20 cặp sinh đôi.
Theo ghi nhận của PV Người đưa tin, trường hợp sinh ba duy nhất của "làng sinh đôi" là hộ anh Trần Văn Thành, cả ba đều là con trai. Hai con trai Trần Phúc Tam và Trần Lộc Thiên nay đã học lớp 9, còn con út đã mất lúc còn nhỏ trong một cơn bệnh nặng.
Ông Trần Văn Phước (55 tuổi) cho biết: "Dạo trước nhiều người từ khắp nơi như TP.HCM, Bình Thuận, một số tỉnh miền Tây, thậm chí tận ngoài Hà Nội... đổ xô về "làng sinh đôi". Họ nhờ một số người dân dẫn đi gặp những gia đình có con song sinh. Không biết họ nghe tin ở đâu uống nước làng này thì sẽ sinh con đôi, nên họ thủ rất nhiều can, chai lọ với mục đích xin nước mang về. Ngày đó, trong ấp lúc nào cũng rộn ràng bàn tán ông này, bà nọ không có con, họ mặc áo vét, đi xe xịn, họ bao nhiêu tuổi ở đâu, làm gì đến ấp mình tìm hiểu".
Nhưng đó đã là câu chuyện của 10 năm về trước. Còn hiện nay, hầu hết các gia đình nhất là những hộ gia đình trẻ chỉ sinh một như nhiều ngôi làng khác. Có một điều đáng lưu ý hằng ngày những hộ gia đình trẻ này vẫn uống nước giếng, vẫn làm ăn canh tác, sinh hoạt trên mảnh đất của "làng sinh đôi".
Nhưng có một điều phải thừa nhận rằng lâu lắm rồi, người dân ấp Hưng Hiệp không còn thấy các cặp vợ chồng sinh đôi nữa. Chị Nguyễn Thị Hồng người dân ấp Hưng Hiệp cho biết: "Nhiều cặp sinh đôi vào khoảng những năm 80, phần đa, họ đã lập gia đình, còn có cặp sinh đôi lấy nhau nữa đấy, nhưng vẫn không có hiện tượng di truyền sinh đôi".
Nguyễn Thị Liên, Bí thư chi bộ ấp Hưng Hiệp bày tỏ: "Thi thoảng vẫn có người lạ tìm đến ấp Hưng Hiệp này hỏi về chuyện sinh đôi. Để thỏa chí tò mò của nhiều người, bà con nơi đây vẫn tận tâm chỉ nhà, dẫn tận nơi để họ được nghe các câu chuyện do các bà mẹ kể lại. Nhưng hầu hết nội dung câu chuyện tương tự nhau, vì chuyện sinh đôi của ấp Hưng Hiệp được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Và "làng sinh đôi" mà mọi người vẫn quen gọi giờ đây chỉ là cái danh mà thôi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận hiện tượng sinh đôi xảy ra trong một khoảng thời gian dài đó đã tạo nên nét đặc trưng cho ấp Hưng Hiệp này".
Người Nhật Bản, Hàn Quốc từng đến thị sát chụp hình và… xin nước Ông Trần Văn Danh tiết lộ: "Ngoài những người trong nước, "làng sinh đôi" còn đón tiếp cả người Hàn Quốc, Nhật Bản... đi thành từng đoàn, tới những gia đình con đôi để thị sát, chụp hình, rồi họ cũng xin nước mang về, bảo là để nghiên cứu gì đó. Có ngày lượng người đến ấp đông đến mức tôi phải dành rất nhiều thời gian cho việc tiếp khách, dẫn họ đi, lắm lúc công việc của gia đình đành phải bỏ dở". |
T.Q