Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc. Đồng thời, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên để cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, những thành quả to lớn mà các thế hệ trước đã dày công gìn giữ.
Căn cứ Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng,... những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đến cấp cơ sở, bảo đảm việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách được thường xuyên, đúng đối tượng, đúng chế độ theo quy định, kịp thời xử lý các trường hợp còn tồn đọng để những người có công với cách mạng được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Qua triển khai thực hiện, đời sống của gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Giai đoạn 2012 – 2018, trung bình hằng năm có 98,4% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú. Đến năm 2021, toàn tỉnh đã bảo đảm 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú. 100% xã/phường làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.
Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý hơn 33.000 hồ sơ người có công với cách mạng, trong đó: 5.644 liệt sĩ; 2.633 thương binh, bệnh binh; 207 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước phong tặng và truy tặng; 363 Cán bộ lão thành cách mạng; 425 Cán bộ tiền khởi nghĩa; 07 Anh hùng lực lượng vũ trang; 151 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trên 23 nghìn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; 126 người có công giúp đỡ cách mạng; 876 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Giai đoạn 2012 - 2020: Thực hiện chi trả kinh phí trợ cấp thường xuyên được 789.585 triệu đồng; giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 37.497 người có công và thân nhân, kinh phí 99.480 triệu đồng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân, giải quyết chế độ ưu đãi giáo dục trong đào tạo cho 2.112 con của người có công, kinh phí 10.047 triệu đồng. Người có công và thân nhân được đảm bảo tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục. Giải quyết trợ cấp một lần và trợ cấp hằng tháng cho 20.798 người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Căm-pu-chia sau ngày 30/4/1975 theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ; trợ cấp một lần cho 7.436 quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ; trợ cấp một lần cho 35.418 dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg, ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trợ cấp một lần và trợ cấp hằng tháng cho 100 cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg, ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ; 917 thanh niên xung phong hưởng trợ cấp theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác chăm sóc sức khỏe đối với người có công được quan tâm, 100% người có công với cách mạng không hưởng lương và bảo hiểm xã hội đều được mua thẻ bảo hiểm y tế; được hưởng trợ cấp mai táng phí khi từ trần. Giai đoạn 2012 - 2020, đã thực hiện điều dưỡng tập trung và tại gia đình cho 24.041 lượt người có công, tổng kinh phí 11.521 triệu đồng.
Trung tâm Điều dưỡng Người có công Lạng Sơn thực hiện tốt chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, điều dưỡng tập trung cho các đối tượng là người có công với cách mạng và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Từ năm 2019 - 2021, thực hiện điều dưỡng 2.548 lượt đối tượng, trong đó: Cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 1.034 lượt, đối tượng người có công của tỉnh là 1.514 lượt.
Nhìn chung, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp Nhân dân, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày càng đi vào chiều sâu, giải quyết các vấn đề khó, cốt lõi, nhất là những vấn đề còn tồn đọng qua nhiều năm, nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ.
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với NCC vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Qua đó, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc với những đóng góp to lớn của NCC, giúp họ yên tâm ổn định cuộc sống, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng.
Hà Anh