Con đường bê tông thô cứng dẫn vào thôn 5 xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) nay đã khoác lên mình một lớp nhựa đường khang trang. Người, xe, máy móc rộn ràng, đi ngã nào cũng nghe tiếng hỏi thăm những anh trai làng từ Lào trở về.
Ngôi làng ngày thường chỉ toàn người già, phụ nữ và trẻ con, những ngày lễ lớn được dịp đón những người đàn ông trở về trong những chiếc xe ô tô lớn. Họ về trong phú quý giàu sang sau những chuyến xuất ngoại sang Lào.
Hơn chục năm trước, thôn 5, Hòa Khương là một thôn nghèo quanh năm chỉ biết trông vào hạt thóc, đói khổ bám riết từng nhà. Một thời gian trong làng có vài người sang Lào rồi đổi đời trở về, từ ấy Lào được coi là “mảnh đất hứa”, thanh niên trai tráng lần lượt kéo nhau qua.
Tết năm nay, cả nhà ông Trương Văn Phẩm Bí thư thôn háo hức sắp được ở trong ngôi biệt thự lộng lẫy mọc lên giữa làng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng.
Chỉ tay vào căn nhà ba gian xập xệ kế bên, ông chia sẻ với báo Tiền Phong: “Đó là căn nhà gia đình tôi ở bao lâu nay. Ngày chưa qua Lào tôi cũng chăm chỉ làm ăn nhưng thiếu thốn miết, khổ quá phải bỏ xứ mà đi. Tuy xa xôi nhưng đổi lại cuộc sống của cả nhà tôi ấm cúng, đủ đầy, có nhà lầu, xe hơi, lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn”.
Ở làng bây giờ nhà lầu mọc lên san sát như khu đô thị mới, ô tô biển Lào chạy rầm rập. Những cái Tết phải chắt ngược bóp xuôi mà vẫn thiếu thốn, lạnh lẽo chỉ còn trong ký ức.
Trả lời Dân trí, Bí thư xã cho hay, thanh niên trong làng sang Lào làm công nhân xây dựng, ông chủ cũng là người làng nên nương tựa nhau. Nhờ chăm chỉ, thật thà nên được người Lào giao xây nhà, trụ sở lớn, dần dần thành chủ thầu nhận luôn công trình mướn thợ về làm. Đến lúc về quê ông chủ thanh toán nên gom được món tiền về xây nhà. Nhờ đó, bộ mặt làng quê thay đổi hẳn. Nhiều người đi Lào đứng ra đóng góp tiền làm đường, kéo điện thắp sáng cho thôn xóm.
Trong số hàng chục nhà tầng, biệt thự được xây gần đây, to lớn và lộng lẫy nhất huyện Hòa Vang phải kể đến ngôi biệt thự của ông Nguyễn Bảy - ông chủ thầu xây dựng nổi tiếng của làng trên đất Lào. Đó là một khối nhà 3 tầng, đồ sộ giữa không gian làng quê yên bình. Nơi cổng vào được ông Bảy cho xây dựng hàng rào cách điệu rất quy mô.
Cũng chia sẻ Vietnamnet, ông Bảy khiêm tốn: “Người ta đồn bảo tôi xây ngôi biệt thự này hàng chục tỷ. Làm gì đến cái giá đó, thiết kế tự tôi làm, rồi thuê nhân công, tự đứng ra mua vật liệu, chắc hết khoảng 3 tỷ thôi. Nhà xây để ở chứ có khoe khoang đâu”.
“Đây là ngôi biệt thự tôi xây cho một đại gia bên Lào rồi chụp lại. Bây giờ ở đó ai cũng thích biệt thự như vậy nên tôi lấy mẫu về làng xây ở cho mát”.
Ông Bảy sang Lào làm ăn từ năm 1997. “Hồi mới sang, tôi cùng nhóm anh em được một số người Việt giúp đỡ, xin giúp vào làm tại một công ty của Lào. Có việc làm, thu nhập tốt, nhưng khó khăn nhất vẫn là ngôn ngữ. Vì vậy, cả nhóm anh em quyết học tiếng Lào”. Nhờ cần mẫn cộng với sự chăm chỉ, hơn 3 năm sau vừa làm vừa học tiếng, chúng tôi đã giao tiếp được. Cả nhóm đứng ra thành lập công ty nhỏ nhận thầu lại công trình.
Thời gian đầu, để tìm được mối làm ăn, những người Việt mới qua không chỉ cạnh tranh với người Lào mà cạnh tranh ngay cả với người Việt. Công việc ban đầu khá khó khăn. Sau 2 năm, ông Bảy đã tìm được chỗ đứng cho riêng mình.
Câu chuyện về làng giàu và những nông dân đi chân đất, cưỡi ô tô sang lấy vợ ngoại về làng xây biệt thự như ông Bảy không hiếm. Bí thư chi bộ thôn 5, ông Trương Văn Phẩm, nhẩm tính trong thôn có cả chục người như ông Bảy. Phần lớn họ đi lên từ đôi bàn tay trắng, vài người qua Lào làm ăn rồi cưới luôn vợ Lào và chung sống khá hạnh phúc.
Còn phần lớn thanh niên trai tráng sang Lào làm thuê, dù chưa giàu nhưng thu nhập ổn định, đổi đời sau một thời gian làm việc.
Thôn 5 xã Hòa Khương giờ là làng độc nhất có nhiều người xuất ngoại sang Lào làm ăn, mang lại cuộc sống ấm no. Lớp trẻ ngày nào lớn lên, học xong cấp 2, cấp 3 là sang Lào làm ăn. Hiện nhiều nhà có 2-3 người xuất ngoại sang Lào, cứ đến Tết là kéo nhau về khiến làng thôn 5 vui như hội.
Bá Di (Tổng hợp)