Làng Phú An thuộc xã Cát Thành, huyện Trực Ninh (Nam Định). Ngôi làng nhỏ chỉ gồm có 4 xóm (nay là tổ dân phố): Phú Thọ, Nam An, Liên Phú (hữu ngạn) và Phú Cường (tả ngạn).
Đi lên cùng những con thuyền bên sông Ninh Cơ
Báo Nam Định thông tin, trăm năm về trước, người dân làng Phú An chỉ có nghề chính là sản xuất nông nghiệp. Cả làng chỉ có 2-3 chiếc thuyền “vo” (thuyền gỗ, dùng buồm cánh vuông và các loại: chèo tay, sào tre để chống, đẩy) của những hộ có chức sắc trong xã. Thuyền nhỏ, tải trọng tối đa chỉ khoảng 5 tấn, chuyên chở nông sản, giao thương với các tỉnh lân cận và mang các đặc sản, đồ dùng sinh hoạt (đồ gốm, muối, tơ lụa…) ở nơi đó về cung ứng cho nhân dân địa phương.
Rồi qua những năm tháng kháng chiến thành công, đất nước đổi mới, ngành vận tải của làng Phú An cũng dần đi lên. Những chiếc thuyền “vo” cũ kỹ mới được thay thế bằng thuyền vỏ sắt, tải trọng của các thuyền đã được nâng lên đến 40-50 tấn. Đến năm 1990, làng Phú An có đến 10 tàu sông tải trọng từ 70-150 tấn của các chủ tàu tư nhân. Cũng từ thời điểm này, nghề vận tải pha sông biển của dân làng Phú An phát triển sang bước mới.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường là “đòn bẩy” quan trọng cho nghề vận tải thủy của làng Phú An phát triển mạnh. Nhiều chủ tàu và người làng Phú An đã tận dụng tốt ưu thế kinh nghiệm và nhanh chóng thích nghi với cơ chế làm ăn mới, đầu tư các con tàu to hơn. Các luồng hàng truyền thống được tiếp tục khai thác với những chuyến tàu vận tải từ xa về phân phối trong tỉnh và cả các tỉnh trong vùng. Thời gian vận chuyển mỗi chuyến hàng đã lên đến hàng tháng, thậm chí vài tháng mới hoàn thành.
Người đi trước dìu dắt người đi sau, từ năm 2000 đến nay, đội tàu của làng Phú An ngày càng nhiều lên, hiện tại đã có khoảng 400 phương tiện các loại; trong đó đội tàu vận tải biển (tải trọng từ 2.000-5.500 tấn) khoảng 70 chiếc, còn lại là tàu sông (tải trọng tối đa đến 1.500 tấn). Có khoảng 200 phương tiện vận tải thủy chở công-ten-nơ chuyên tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh. Nhờ đó thu nhập của người dân Phú An tăng lên 1 cách đáng nể.
Ngôi làng của những tỷ phú
Theo ước tính của UBND thị trấn, mỗi chuyến tàu sông sau khi trừ chi phí cho thu nhập thực tế khoảng 100 triệu đồng/tháng; còn tàu biển mỗi tháng có thu nhập thực tế từ 500-600 triệu đồng/tháng.
Ở thời điểm 10 năm trước đây, toàn thị trấn hiện có 60 doanh nghiệp thì có 47 doanh nghiệp vận tải thủy, nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm như: Cty TNHH Thương mại Gia Bảo đạt doanh thu 82,2 tỷ đồng; Cty TNHH Vận tải và Thương mại Đại Lục và Cty CP Minh Trường đạt doanh thu trên 34 tỷ đồng. Ước tính, nghề vận tải biển của làng Phú An tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động, trong đó có đến 60% là người địa phương với mức thu nhập từ 5-30 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ với VnExpress, ông Đỗ Văn Đốc, phó chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho biết "Thu nhập của người lao động ở đây không thua kém gì ở những thành phố lớn, dù họ chỉ phục vụ cho địa phương. Ít ai biết, trước đó hầu hết họ đều là nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn".
Theo thống kê của UBND xã Cát Thành, có đến một nửa dân làng Phú An có thu nhập trên 25 triệu/tháng (cao gấp 4 lần mức thu nhập trung bình của cả nước là 6,5 triệu và gấp 2,5 lần Hà Nội, theo Tổng cục Thống kê năm 2017). Cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng sung túc.
Ông Trần Văn Tiệp, trưởng xóm Phú Thọ (làng Phú An) chia sẻ: "Ở đây đám cưới 100 mâm cỗ là bình thường, vì họ có nhiều mối quan hệ xã hội. Những ngày rét, họ huy động ôtô để đón khách thì có thể đến vài trăm chiếc. Tuy nhiên, tôi nghĩ đời sống ở đây không phải là giàu vượt bậc, chỉ cơ bản là đầy đủ hơn một vài làng khác".
Phần lớn người dân trong làng, kể cả nông dân, đều dư dả để chi tối thiểu 5 triệu mỗi tháng cho bảo hiểm trong gia đình. Dù có nhiều tiền nhưng họ không thoát ly lên các thành phố mà đem tiền về quê xây nhà, khiến làng nhỏ dày đặc những ngôi nhà lầu.
Bởi vậy nên bất cứ ai đến với Phú An sẽ không khỏi choáng ngợp trước những lâu đài xa hoa lộng lẫy, tưởng chừng như chỉ có trong các bộ phim điện ảnh quốc tế.
Ở đây có hơn 400 ngôi nhà trị giá từ 2 tỷ đồng trở lên trong tổng số trên 800 hộ. Thậm chí các loại biệt thự thiết kế theo kiến trúc lâu đài châu Âu trăm tỷ đồng cũng có gần 10 căn.
Một trong những lâu đài nổi tiếng tại đây từng được dư luận xã hội săn đón trong đám cưới của cô dâu “công chúa” Thu Hương. Tòa lâu đài 7 tầng màu trắng cùng chiếc xe sang bạc tỷ khiến ai nấy đều phải xuýt xoa, trầm trồ.
Vừa giàu vừa sống đẹp
Có một điểm nổi bật của người dân Phú An là ở đây toàn bộ dân cư đều theo Công giáo. Hội đồng giáo xứ có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân nơi đây. Mọi người hướng đến lối sống "tốt đời đẹp đạo" mà cha xứ hàng ngày vẫn nhắc nhở.
Ông Đỗ Văn Kiểm (55 tuổi, làng Phú An), cho biết: "Giáo xứ giúp người dân có ý thức và biết tích cóp để làm giàu, từ chuyện phải cấy bao nhiêu mạ cho một mẫu ruộng, đến chuyện ăn bao nhiêu cơm là đủ cho một bữa. Nhờ vậy, người dân vừa có ý thức làm ăn, vừa đề cao tinh thần tiết kiệm".
Với niềm tin vào tôn giáo, người có tiền sẽ ủng hộ quỹ công giáo, và cha xứ sẽ thường xuyên tặng cho người cần, như các học sinh khá giỏi, những gia đình khó khăn. Vài năm gần đây, mức hỗ trợ cho các hộ nghèo trong làng đón Tết thường là 5 triệu đồng.
Bá Di (Tổng hợp)