Những ngày cận Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp Âm lịch) là thời điểm người dân làng Đồng Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bận rộn nhất. Bởi lẽ, thời điểm giáp Tết là lúc họ vừa phải chuẩn bị sản phẩm cho ngày Tết ông Công ông Táo, vừa phải tập trung làm hàng dự trữ để phục vụ lễ khai xuân và giải hạn trong suốt 3 tháng đầu năm mới.
Nhà văn hóa được tận dụng làm nơi phơi mũ mã. Vì chủ yếu nguyên liệu được làm từ giấy bồi, bột màu, keo hồ... nên trong những ngày này, việc phơi hàng mã phụ thuộc lớn vào thời tiết. Trung bình mỗi hộ dân có thể sản xuất từ 700 - 1.000 đơn hàng mũ mã này trong một ngày.
Từ người già đến trẻ em đều có thể ngồi làm được những đồ hàng mã đơn giản. Mỗi gia đình chỉ làm từ 1 đến 2 món đồ chuyên biệt. Như nhà bà Mai (làng Đông Hồ) chỉ thực hiện công đoạn làm mũ. Còn công đoạn ghép đồ, đóng gói hay làm giày lại của một gia đình khác.
Lễ cúng ông Công ông Táo vẫn thường như mọi năm bao gồm hia, mũ, cá chép… nhưng lại đòi hỏi chất lượng cao hơn, chi tiết tỉ mỉ và công phu hơn. Các chi tiết trên mũ đều được dán bằng loại hồ làm từ gạo nếp được nghiền ra thành bột, chưng lên rồi cho thêm một chút vôi. Khi dán xong, hồ nếp càng khô, càng dính chắc.
Thời gian gần đây, mặt hàng thỏi vàng xếp thành hình đẹp đẽ thế này là mặt hàng mới được người mua ưa chuộng sử dụng.
Giá bán buôn mỗi bộ đồ lễ tiễn Táo quân loại đẹp khoảng 80.000 -100.000 đồng/bộ. Bộ nhỏ hơn chỉ hơn 10.000 đồng. Tuy nhiên, những bộ đồ lễ này khi được chuyển về các thành phố lớn đã bị đội giá lên chóng mặt.
Gia đình nhà anh Phú luôn tất bật vận chuyển hàng đến các khu tập kết đồ mã để chuyển cho thương lái.
Những chiếc xe máy chất đầy vàng mã, nhộn nhịp khắp nẻo đường trên địa bàn xã.
Thời điểm này, gia đình chị Hương đang phải tất bật làm đồ ông Công ông Táo cả ngày lẫn đêm để kịp có hàng đi giao cho khách. Chị chia sẻ: "Nhà mình bận bịu quanh năm, vừa hết ngày Rằm tháng 7 đã lại tất bật chuẩn bị cho ngày 23 tháng Chạp và Tết Nguyên Đán, chẳng lúc nào ngơi tay. Việc làm hàng ông Công ông Táo cũng đã phải tiến hành từ rất sớm, thời điểm này độ mã ông Công ông Táo đang rơi vào tình trạng "cháy" hàng. Từ khách đặt hàng đến đồ bình dân đều làm không kịp bán".
Hiện nay, kỹ thuật làm vàng mã ở đây cũng được cải tiến nhiều, từ chất liệu cho đến mẫu mã. Có những bộ váy áo nhìn và sờ vào rất tinh xảo, giống hệt đồ thật. Hoa văn thì đủ cả, thậm chí là chất liệu ren cũng được làm rất giống, cũng là bởi quan niệm "trần sao âm vậy".
Trong những năm qua, nhờ chuyển sang làm hàng mã mà giờ đây thu nhập của người dân cũng trở nên ổn định, nhiều gia đình giàu lên vì làm đồ hàng mã.
Clip: Người dân làng Đông Hồ hối hả trước Tết ông Công ông Táo.
Nguyễn Long