Trao đổi với báo chí chiều 6/2, ông Khánh tái khẳng định, sau vụ cưỡng chế, huyện đã bàn giao lại cho xã Vinh Quang tiếp quản, chứ không tham gia phá nhà ông Vươn.
Tính đến hôm nay, (7/2), là mốc 33 ngày nóng bỏng kể từ khi xảy ra vụ việc cưỡng chế đất tại Tiên Lãng – TP. Hải Phòng. Ảnh: GDVN
Trong khi đó, vài ngày trước, chủ tịch UBND xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm khẳng định, nhà ông Đoàn Văn Vươn nằm ngoài diện tích cưỡng chế và việc ngôi nhà 2 tầng bị phá sập thì "phải hỏi huyện, xã không nắm được", dù thực tế xã vẫn cử người bảo vệ hiện trường sau vụ cưỡng chế.
Trước đó sáng 17/1, phó chủ tịch UBND Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lại đổ cho dân bất bình nên phá nhà ông Vươn. "Sau vụ nổ súng, chống người thi hành công vụ, lực lượng công an phải rà phá và tìm được vũ khí, vật liệu nổ trong nhà. Các đồng chí báo cáo không ra lệnh san phẳng nhà, nhưng do... nhân dân bất bình nên vào phá. Chứ còn lực lượng cưỡng chế của huyện, lực lượng công an không san phẳng nhà này", ông Thoại nói.
Trước hành động phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng đổ cho dân bức xúc phá nhà ông Vươn, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nhìn nhận "đây là hành động thiếu chín chắn, thậm chí thiếu trung thực, có phần vô trách nhiệm".
Trước thông tin trong tuần này Thủ tướng sẽ chủ trì buổi họp với lãnh đạo các bộ, ngành và UBND TP Hải Phòng về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, ông Mão cho hay: "Đây là một trong những vụ đầu tiên Thủ tướng trực tiếp xem xét, giải quyết. Dư luận đòi hỏi và rất ủng hộ việc giải quyết đúng đắn việc này. Nếu giải quyết tốt sẽ tạo được niềm tin trong nhân dân. Thủ tướng là đại biểu Quốc hội Hải Phòng và Tiên Lãng, được nhân dân gửi gắm và kỳ vọng rất nhiều trong việc giải quyết vụ việc này."
Từng là Bí thư huyện ủy của một huyện biên giới miền núi thời chiến tranh nên ông Mão hiểu và hình dung được trách nhiệm của một người lãnh đạo chủ chốt. "Rõ ràng trong trường hợp này, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng không đủ trình độ lãnh đạo, do đó đã đưa ra những chủ trương sai lầm. Sau khi sự việc xảy ra thì đã không đủ độ mẫn cảm để xử lý một cách có lý, có tình sự việc", ông thẳng thắn.
Chiều 6/2, trong buổi giao lưu trực tuyến tại báo Giáo dục Việt Nam về vụ cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng), đại tướng Lê Đức Anh chia sẻ: "Tôi không tin một người có chí làm ăn, chưa từng vi phạm pháp luật mà lại đi chống đối chính quyền. Đến bây giờ tôi nghe mà vẫn không tin. Phải đặt vấn đề: 'Tại sao người nông dân ấy lại làm vậy?'.
Nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh cho hay, đất của nông dân thu hồi làm gì thì chính quyền phải rõ ràng, thông báo trước cho dân ít nhất một năm và phải đền bù thỏa đáng cho tài sản của nhân dân nếu lấy đất.
Theo đại tướng, cần phải làm rõ các câu hỏi: Chính quyền thu hồi khu đất đó cho mục đích gì? Việc thu hồi của chính quyền Tiên Lãng có đúng pháp luật? Quyền lợi của người dân có được đảm bảo, nếu việc thu hồi là đúng? Có chuyện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm việc riêng?
Theo luật sư Phạm Thanh Bình, quyết định cưỡng chế thu hồi đất không đồng nghĩa với việc phá hủy các tài sản trên đất. Đoàn cưỡng chế hoặc những cá nhân khác phá hủy tài sản trên đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý nằm ngoài khu vực cưỡng chế là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Dù đã có đủ cơ sở để kết luận việc phá hủy tài sản trên đất của ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý là trái pháp luật nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng ở Hải Phòng vẫn chưa khởi tố vụ án để điều tra. Đây là việc làm chậm trễ, vi phạm các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự về trách nhiệm khởi tố điều tra vụ án.
N.Linh (tổng hợp theo VNE, GDVN)