Đồng thời, lực lượng Israel tiếp tục tấn công chớp nhoáng bằng không kích cũng như trên bộ nhằm vào Hamas tại Gaza và yêu cầu dân thường rời khỏi một trại tị nạn tại miền Bắc khu nội phận này.
Israel đã không xác nhận hay bác bỏ việc quốc gia này đứng đằng sau vụ ám sát Saleh al-Arouri thông qua cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại thủ đô Lebanon vào ngày thứ Ba.
Tuy nhiên, phát ngôn viên quân đội Israel khẳng định, lực lượng nước này đang có tư thế sẵn sàng và đã chuẩn bị cho mọi tình huống.
Vụ ám sát ông Arouri là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến Israel-Hamas kéo dài ba tháng qua đang dần lan rộng khỏi Gaza, kéo theo Bờ Tây, lực lượng Hezbollah tại biên giới Israel-Lebanon và cả các tuyến vận chuyển hàng hải trên Biển Đỏ vào vòng chiến.
Ông Arouri, 57 tuổi, sống tại Beirut, là lãnh đạo chính trị cấp cao của Hamas đầu tiên bị ám sát ngoài lãnh thổ Palestine kể từ khi Israel triển khai chiến dịch nhằm vào tổ chức dân quân Hồi giáo Palestine này để đáp trả vụ tấn công ngày 7 tháng 10.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình tại Beirut, lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah đã cam kết lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shia do Iran hậu thuẫn “sẽ không còn có thể giữ im lặng” sau vụ ám sát ông Arouri và ông nhận định là “một tội ác lớn”. Tuy nhiên, ông không đưa ra cảnh báo rõ ràng về hành động nhằm vào Israel.
Ông Nasrallah cho biết sẽ “không có giới hạn” và “không có luật lệ” về cách Hezbollah chiến đấu nếu như Israel kéo Lebanon vào chiến tranh toàn diện.
“Bất kể ai muốn gây ra chiến tranh với chúng tôi đều sẽ phải hối hận. Nếu có quốc gia đề ra chiến tranh nhằm vào Lebanon, lợi ích quốc gia của Lebanon yêu cầu chúng tôi phải chiến đấu tới cùng”.
Hezbollah, một đồng minh của Hamas, đã nã pháo qua lại với Israel qua biên giới phía Nam Lebanon gần như hàng ngày kể từ khi cuộc chiến tại Gaza nổ ra. Hơn 120 binh lính Hezbollah và ít nhất 24 thường dân đã thiệt mạng trên lãnh thổ Lebanon, và ít nhất 9 binh lính Israel đã thiệt mạng.
Cuộc chiến tranh lớn giữa Hezbollah và Israel gần đây nhất nổ ra vào năm 2006 và kết thúc trong bế tắc. Các nhà phân tích cho rằng Hezbollah đã trở thành một lực lượng đáng gờm hơn so với thời điểm đó, với hàng ngàn tên lửa và các vũ khí hạng nặng khác.
Phái bộ bảo vệ hòa bình của LHQ tại miền Nam Lebanon đã cảnh báo bất kỳ hành động leo thang nào “cũng sẽ dẫn tới hậu quả tàn khốc cho người dân cả hai phe”.
Việc ông Arouri thiệt mạng đã gạch bỏ một cái tên quan trọng trong danh sách truy nã của Israel, nhưng cũng có thể sẽ khiến các lãnh đạo Hamas bị trục xuất khác ẩn náu kỹ càng hơn, ảnh hưởng tới cố gắng thương lượng đề ra ngừng bắn hoặc trao đổi tù nhân tại Gaza.
Thành viên Bộ chính trị Hamas, Hossam Badran trong điếu văn về ông Arouri đã cho biết: “Tới phe tội phạm chiếm đóng (Israel), chúng tôi tuyên bố cuộc chiến giữa hai phe sẽ không còn giới hạn”.
Israel từ lâu đã cáo buộc ông Arouri đã tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào người dân quốc gia này. Tuy nhiên một quan chức Hamas cho biết, ông cũng là người “đứng giữa vòng thương lượng” do Qatar và Ai Cập đề ra xung quanh cuộc chiến tại Gaza và các cuộc trao đổi con tin người Israel do Hamas bắt giữ.
Ông Nasrallah cũng cho biết, cuộc tấn công chớp nhoáng của Hamas vào ngày 7 tháng 10 đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và nhiều chính phủ các nước Ả Rập được Mỹ hậu thuẫn từ tháng 2020 tới nay, ngay cả sau khi những đàm phán về nhà nước Palestine trong lãnh thổ do Israel chiếm đóng đã sụp đổ.
Ông Nasrallah cũng đã phát biểu nhằm tưởng niệm bốn năm ngày chỉ huy Qassem Soleimani của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ. Hai vụ nổ trong ngày thứ Tư giữa một buổi lễ tưởng niệm tại nghĩa trang tại miền Đông Nam Iran nơi ông Soleimani được chôn cất đã khiến hơn 100 người thiệt mạng, giữa thời điểm căng thẳng giữa Iran và Israel đạt tầm cao mới.
Trại tị nạn bị tấn công
Tính tới ngày thứ Tư, theo Bộ y tế tại Gaza cho biết, tổng số người Palestine thiệt mạng trong chiến dịch của Israel đã đạt mức 22.313 người, gần 1% dân số tại Gaza, trong đó 128 người đã thiệt mạng trong vòng 24 giờ trước đó.
Cuộc chiến này được châm ngòi bởi một cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas nhằm vào các thị trấn của Israel trong ngày 7 tháng 10, mà theo chính phủ Israel đã khiến 1.200 người thiệt mạng và 240 người bị bắt giữ, đưa tới Gaza làm con tin.
Kể từ thời điểm đó, các cuộc đánh bom của Israel đã san bằng phần lớn khu nội phận này, gây ra một thảm họa nhân đạo khiến phần lớn người Gaza trở thành vô gia cư, dồn vào khu vực ngày càng nhỏ nhằm tìm kiếm nơi trú ẩn thô sơ và bị đe dọa bởi nạn đói do thiếu thốn lương thực.
Trong báo cáo hàng ngày vào thứ Tư, quân đội Israel cho biết, “các trận chiến khốc liệt” với các nhóm dân quân đã tiếp diễn tại thành phố chính Khan Younis tại miền Nam Gaza. Trước đó, lực lượng này cho biết đang cố gắng truy tìm lãnh đạo Hamas trong khu vực.
Người dân địa phương và truyền thông Palestine cho biết, lực lượng Israel đã đánh bom trại tị nạn Al-Nusseirat tại miền Bắc Gaza trong đêm cho tới ngày thứ Tư, phá hủy nhiều tòa nhà nhiều tầng.
Máy bay của Israel cũng đã rải truyền đơn tại Al-Nusseirat yêu cầu người dân rời khỏi khu vực bảy quận.
Truyền đơn viết: “Bạn đang ở trong khu vực chiến sự nguy hiểm. IDF đang hoạt động tại khu vực bạn sinh sống. Vì sự an toàn của bạn, IDF hối thúc bạn ngay lập tức rời khỏi khu vực này”.
Máy bay và xe tăng của Israel cũng đã xúc tiến tấn công trại tị nạn Al-Bureij tại miền Trung Gaza. Người dân địa phương cho biết, các xe tăng từ phía Đông và phía Bắc đã bắn phá hai trường học, các binh lính đã bắt giữ nhiều người trú ẩn trong đó.
Người dân cũng cho biết, các tay súng bắn tỉa trên các mái nhà đôi lúc cũng đã nã súng nhằm vào người dân đang di chuyển xung quanh.
Tại Rafah trên biên giới phía Nam của Gaza với Ai Cập, nhân viên y tế cho biết, một cuộc tấn công tên lửa của Israel nhằm vào một nhà dân đã khiến ba người thiệt mạng. Bộ y tế Gaza cũng cho biết, một cuộc không kích của Israel đã khiến hàng chục người thiệt mạng hoặc bị thương tại trại tị nạn Jabalya miền Bắc Gaza.
Quân đội Israel khẳng định cố gắng tránh làm hại thường dân nhưng cũng cáo buộc Hamas đã gài binh lính trong khu vực dân cư, một cáo buộc mà tổ chức Hamas liên tục bác bỏ.
Cánh vũ trang của Hamas cho biết đã tiêu diệt 10 binh lính Israel trong khi chiến đấu tại Al-Bureij và đã làm hư hại năm xe tăng và nhiều xe bọc thép. Quân đội Israel cho biết số binh lính bị thiệt mạng kể từ khi chiến dịch tại Gaza được thực hiện từ ngày 20 tháng 10 tới nay đã lên con số 177.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)