Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí đẩy nhanh dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2), theo Phó Thủ tướng Alexander Novak.
Thông báo được đưa ra sau các cuộc đàm phán cấp cao gần đây nhất của hai nhà lãnh đạo tại thủ đô Moscow của Nga.
Dự án đường ống Power of Siberia 2 được hình thành từ hơn một thập kỷ trước để giúp Nga "hướng Đông", với việc khí đốt Nga từ Bán đảo Yamal ở Tây Siberia được vận chuyển qua lãnh thổ Mông Cổ sang Trung Quốc.
Dự án đường ống khổng lồ theo kế hoạch dự kiến sẽ cho phép vận chuyển tới 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hàng năm, nhưng đã gặp một số chậm trễ do cân nhắc về giá cả và tuyến đường.
"Đã có những cuộc thảo luận, đây thực sự là một dự án quan trọng. Một số công việc nhất định đã được thực hiện, bao gồm cả nghiên cứu khả thi…", ông Novak cho biết.
"Hai nhà lãnh đạo đã đưa ra chỉ thị để đẩy nhanh quá trình này", vị quan chức phụ trách mảng năng lượng của Nga nhấn mạnh.

Một phần của đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) vận chuyển khí đốt Nga tới Trung Quốc. Ảnh: Euronews
Moscow đang theo đuổi dự án này khi tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu năng lượng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây và nhu cầu của châu Âu giảm. Đối với Bắc Kinh, đường ống này hứa hẹn mang lại nguồn cung năng lượng ổn định để hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ của nước này.
Nhưng cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa "bật đèn xanh" cho dự án, gợi ý rằng khí đốt được cung cấp qua đường ống này phải được định giá theo mức giá trên thị trường nội địa của Nga.
Trung Quốc hiện có thể sẵn sàng cân nhắc mức giá cao hơn, có khả năng nằm giữa mức giá trong nước của Nga và mức giá mà Trung Quốc hiện đang trả cho khí đốt thông qua đường ống Power of Siberia ban đầu, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết.
Mặc dù các cuộc đàm phán đã được nối lại, nhưng không có thỏa thuận cuối cùng nào được ký kết, theo nguồn tin của Bloomberg.
Nga hiện đang cung cấp khí đốt cho nền kinh tế lớn nhất châu Á thông qua đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia), một phần của thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD, kéo dài 30 năm giữa Gazprom và CNPC được ký kết vào năm 2014.
Việc giao hàng bắt đầu vào năm 2019 và đường ống dẫn đã đạt công suất hoạt động tối đa vào tháng 12 năm ngoái, đưa Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu của Trung Quốc.
Hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia đã tăng trưởng đều đặn bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Moscow. Kim ngạch song phương giữa Nga và Trung Quốc đạt kỷ lục 245 tỷ USD vào năm 2024, theo TASS.
Gazprom dự đoán rằng xuất khẩu khí đốt sẽ tăng trưởng hơn nữa nhờ nhu cầu tăng cao. Vào tháng 12 năm ngoái, ông Novak tuyên bố rằng Nga đã bắt đầu phát triển một đường ống dẫn khí đốt mới đến Trung Quốc qua Kazakhstan.
Phó Thủ tướng Nga lưu ý rằng khi tất cả các đường ống đi vào hoạt động hoàn toàn, khối lượng khí đốt mà Moscow cung cấp cho gã khổng lồ Đông Á có thể đạt gần 100 tỷ m3 mỗi năm.
Minh Đức (Theo RT, Moscow Times)