Con số này trên thế giới là hơn một nửa số lượng các doanh nghiệp siêu nhỏ, 25% số lượng doanh nghiệp nhỏ và 8% số lượng các doanh nghiệp vừa.
Thống kê cũng cho thấy, quy mô lao động trung bình ở các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo tại Việt Nam là 41 lao động (trong khi ở các doanh nghiệp do nam lãnh đạo là 78 lao động) và lĩnh vực kinh doanh có tỉ lệ cao nhất là dịch vụ lưu trú, ăn uống, dệt may, chế biến hàng nông sản, thủy sản, da giày…
Nhiều lãnh đạo nữ được tôn vinh. (Ảnh minh họa)
Khác với lãnh đạo nam, doanh nhân nữ phải gánh chịu nhiều thiệt thòi và hạn chế. Khó khăn trước hết là việc thiếu cơ hội được đào tạo về quản lý doanh nghiệp và tài chính, thiếu cơ hội tham gia các hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, doanh nhân nữ còn phải gánh chịu nhiều áp lực từ việc luôn phải cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình.
Tuy nhiên, khắc phục những khó khăn của giới nữ, nhiều lãnh đạo đã thành công trên con đường kinh doanh của mình. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – chủ tịch HĐQT tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam là một điển hình. Bà là chủ của doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Trong sự nghiệp, bà đã xây dựng và phát triển được 9 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 2.000 ha tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các KCN này đã thu hút được khoảng 400 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỷ USD và 1.500 tỷ đồng.
Nhiều lãnh đạo nữ chia sẻ, điều quan trọng nhất cho thành công của họ là phải có một gia đình bền chặt, đó là điểm tựa tinh thần để họ vượt qua mọi khó khăn của thương trường.
Tuấn Khanh