Các nguyên thủ của Phần Lan và Thụy Điển đã bỏ ngang một sự kiện quan trọng được tổ chức trên đảo Åland – một khu vực phi quân sự của Phần Lan.
Nguyên nhân của động thái trên được nghi ngờ là có liên quan đến các cuộc tập trận của Hải quân Nga trong khu vực.
Đại diện của chính phủ cả 2 nước Bắc Âu đã cùng với Tổng thống Sauli Niinistö của Phần Lan, Vua Carl Gustaf và Hoàng hậu Silvia của Thụy Điển tham dự một buổi lễ trang trọng hôm 9/6 nhân kỷ niệm 100 năm tự trị của các đảo nói tiếng Thụy Điển của Phần Lan nằm ở cửa Vịnh Bothnia.
Các hoạt động kỷ niệm bao gồm một buổi hòa nhạc và một chuyến thăm tàn tích của pháo đài Bomarsund và Lâu đài Kastelholm ở phía Đông Bắc thủ phủ Mariehamn, đảo Åland, tờ báo Phần Lan Ilta Sanomat đưa tin.
Theo báo Ilta Sanomat, ông Niinistö và phu nhân là bà Jenni Haukio đã bất ngờ lên máy bay về thủ đô Helsinki ngay khi các hoạt động kỷ niệm đang tiếp diễn. Vua và Hoàng hậu Thụy Điển cũng rời đi trong buổi hòa nhạc.
Vẫn chưa rõ lý do chính xác tại sao các nhà lãnh đạo 2 nước Bắc Âu phải bỏ ngang sự kiện này, nhưng báo Ilta Sanomat đã thông báo trước về việc Tổng thống Phần Lan có thể phải rời đi đột ngột.
Các nguồn tin ở Thụy Điển thì cho biết, thời gian khởi hành rời đảo Åland của Vua Carl Gustaf đã được lên kế hoạch từ trước.
Newsweek đã liên hệ với Hoàng gia Thụy Điển và Chính phủ Phần Lan để yêu cầu bình luận.
Tuy nhiên, có những đồn đoán rằng động thái trên có liên quan đến việc Hạm đội Baltic của Nga tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết 60 tàu và 40 máy bay của Hạm đội Baltic đã tham gia cuộc diễn tập hôm 9/6, “thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện để bảo vệ các tuyến đường biển và các căn cứ của Hạm đội”.
Cuộc diễn tập cũng sẽ diễn ra trên đất liền tại các thao trường ở vùng lãnh thổ tách rời Kaliningrad của Nga.
"Có vẻ như các tàu LCAC lớp Zubr của Hạm đội Baltic của Nga và một số tàu hộ tống được triển khai từ Baltiysk, Kaliningrad, hôm nay (9/6)", nhà báo Phần Lan Petri Mäkelä viết trên Twitter hôm 9/6. "Có thể giải thích lý do tại sao nguyên thủ quốc gia của Phần Lan và Thụy Điển được sơ tán khỏi khu phi quân sự Åland, nơi không có quân đội bảo vệ vào lúc này".
Trước đó, hôm 8/6, lực lượng tuần duyên Thụy Điển báo cáo về vụ tràn chất bí ẩn ở khu vực Biển Baltic, với diện tích tràn rộng tới 77 km2. Tuy nhiên, không có báo cáo nào về cuộc tập trận của Hải Quân Nga.
Nhưng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và đặc biệt là cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine đang diễn ra, mọi thứ cũng trở nên nhạy cảm hơn.
Vào ngày diễn ra các cuộc tập trận của Quân đội Nga ở Biển Baltic (9/6), Tổng thống Vladimir Putin có bài phát biểu trước một nhóm các doanh nhân, kỹ sư và nhà khoa học trẻ ở Moscow.
Trong bài phát biểu, ông Putin đề cập đến Peter Đại đế nhân dịp kỷ niệm 350 năm ngày sinh của vị Sa hoàng (9/6/1672 - 8/2/1725), người nổi tiếng với việc mở rộng lãnh thổ Nga.
Mặc dù không trực tiếp nhắc đến Ukraine, Tổng thống Putin dường như đã so sánh tương quan giữa cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine và những cuộc chinh chiến của Peter Đại đế để lấy lại vùng đất mà ông coi là của Nga.
"Peter Đại đế đã tiến hành cuộc Đại chiến phương Bắc trong 21 năm. Về mặt hình thức, ông ấy có vẻ đã gây chiến với Thụy Điển và lấy đi thứ gì đó từ họ", ông Putin nói. "Nhưng ông ấy không lấy đi bất cứ thứ gì, ông ấy chỉ đang lấy lại (những gì thuộc về Nga)".
“Gót chân Achilles” của quốc phòng Phần Lan
Nằm giữa Thụy Điển và Phần Lan, quần đảo Åland tự trị đẹp như tranh vẽ từng là một phần của Nga và được phi quân sự hóa từ năm 1856.
Tuy nhiên, vị thế đặc biệt của nó đang là đối tượng của một cuộc tranh luận gay gắt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, khiến Phần Lan – quốc gia có chung đường biên giới trên bộ dài 1.343 km và lịch sử khó khăn với Nga – nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO hồi tháng 5.
Theo các hiệp ước quốc tế được ký kết sau cuộc chiến Crimea (1853-1856), không có quân đội hoặc công sự nào được phép bố trí trên quần đảo chiến lược thuộc Biển Baltic.
Giáo sư Alpo Rusi, một cựu cố vấn Tổng thống Phần Lan, nói với AFP: "Đó là gót chân Achilles của quốc phòng Phần Lan".
Là nơi sinh sống của khoảng 30.000 người Phần Lan nói tiếng Thụy Điển, khu vực này được đặc trưng bởi các đảo đá, rừng xanh tươi tốt, nhà thờ đá cổ và kiến trúc bằng gỗ.
Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 58% người Phần Lan chấp thuận sự hiện diện quân sự ở Åland, nơi kỷ niệm 100 năm giành quyền tự trị hôm 9/6.
Quần đảo này từng là nơi giao tranh của các bên trong cả hai cuộc Thế chiến.
“Có lo ngại về việc liệu Phần Lan có thể phản ứng quân sự đủ nhanh trong trường hợp có một cuộc xâm nhập bất ngờ vào Åland hay không”, ông Rusi cho biết.
Mặc dù vậy, nhiều người dân trên đảo Aland muốn duy trì trạng thái đặc biệt của quần đảo và cho đến nay đã kiên quyết bác bỏ ý tưởng chấm dứt phi quân sự hóa.
“Sao phải thay đổi? Tôi nghĩ việc chúng ta ở trạng thái phi quân sự là một yếu tố giúp ổn định ở khu vực biển Baltic”, bà Veronica Thornroos, người đứng đầu chính quyền Åland, nói với AFP.
Minh Đức (Theo Newsweek, France24)