Theo Reuters, tuần trước, ông Lee đã bị triệu tập thẩm vấn liên tục 22 giờ vì bị tình nghi hối lộ liên quan tới bê bối "Choigate" (vụ bê bối chính trị liên quan tới Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và bạn thân Choi soon-sil). Các công tố viên nói rằng, Samsung đã bỏ ra gần 43 tỉ won (khoảng hơn 36 triệu USD) để đút lót.
Cụ thể, trên cương vị là phó Chủ tịch tập đoàn và lãnh đạo cấp cao nhất của Samsung (con trai duy nhất của Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-hee), ông Lee được cho là đã chỉ đạo quyên góp 20,4 tỉ won cho 2 quỹ từ thiện trá hình do bà Choi Soon-sil thành lập để đổi lấy sự ủng hộ trong thương vụ sáp nhập hai công ty vào Samsung trị giá 8 tỷ USD.
Thêm vào đó, tập đoàn này còn ký hợp đồng mang danh nghĩa tư vấn trị giá khoảng 18,3 triệu USD với một công ty có trụ sở tại Đức, vốn thuộc sở hữu của bà Choi.
Hiện ông Lee vẫn một mực phủ nhận những việc làm sai trái cũng như cáo buộc tham ô và khai man. Cá nhân bà Choi phủ nhận đã nhận tiền và hỗ trợ Samsung trong thương vụ sáp nhập nói trên.
Song tòa án trung tâm Seoul sẽ tổ chức một buổi điều trần vào ngày 18/1 để quyết định có ra lệnh bắt phó Chủ tịch Samsung hay không?
Các nhà điều tra cũng đang tính đến khả năng Tổng thống Park có thể liên quan tới việc hối lộ của ông Lee. Hai người đã gặp nhau một lần vào ngày 25/7/2015.
Trong thông cáo gửi đến truyền thông, tập đoàn Samsung bác bỏ các cáo buộc hối lộ nhắm vào ông Lee và cho rằng “thật khó hiểu về quyết định nói trên”.
Một quan chức tòa án cho hay: “Sau phiên điều trần, các thẩm phán sẽ xem xét hồ sơ, các chứng cứ phạm tội một lần nữa, kết quả phiên điều trần sẽ có vào rạng sáng ngày thứ Năm (19/1)”.
Kim Kwang-sam, một luật sư tư nhân dự đoán: “Rất khó để tòa án có thể chấp nhận kháng cáo của ông Lee bởi “cơn thịnh nộ” của người dân Hàn Quốc về vụ bê bối Choi Soon-sil vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt”.
Giá trị cổ phiếu của Samsung Electronics đã mất 2,3% giá trị trong phiên giao dịch chiều 16/1 sau động thái của văn phòng công tố đặc biệt Hàn Quốc.
Phương Anh