Di tích lịch sử Chùa Một Cột đứng đầu Đông Nam Á đứng trước nguy cơ bị ngập và dột nát
Theo đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì Chùa Một Cột cho biết: “Trước những hư hỏng nặng cần được trùng tu gấp, chúng tôi đã không dưới 10 lần gửi đơn lên cơ quan có chức năng nhưng họ cứ lờ đi. Chỉ đến khi chúng tôi ra thông báo sẽ dỡ ngói, hạ giải toàn bộ công trình để trùng tu, lãnh đạo quận mới có thông báo sẽ đến khảo sát”.
Trong “tối hậu thư” do nhà chùa gửi có ghi rõ: “Kể từ hôm nay (tức 2/5/2013), sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.
Cứ trời có mây đen các Phật tử tấp nập đi mặc áo mưa, đội nón cho tượng
Sự việc cho thấy, công trình độc đáo hàng đầu Đông Nam Á này khẩn thiết cần được sửa chữa và bảo vệ ngay trước thời điểm mùa mưa đã đến, tránh nguy cơ ngập lụt và thấm dột. Không tái diễn cảnh tượng phải mặc áo mưa, đội nón…
Sự thực, chiều ngày 08/05, khi chúng tôi có mặt tại Chùa Một Cột, như một phản xạ có điều kiện, cứ trên trời có mây đen kéo đến là nhà chùa lại tấp nập đi mặc áo mưa và đội nón cho các pho tượng để tránh nước bị dột và ngập úng. Ông Trương Minh Tiến (phó giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội) và ông Đỗ Viết Bình (chủ tịch UBND quận Ba Đình) có đến chùa khảo sát nhưng dường như họ chỉ lướt qua cho lấy lệ rồi về.
Cảnh thường thấy trong Chùa Một Cột
Theo anh Thường, đệ tử của Đại đức Thích Tâm Kiên, người đã gắn bó hơn 10 năm với ngôi chùa cho biết: “Sau những trận mưa lớn, cả chùa thay nhau tát nước trong thềm ra. Có những trận, chúng tôi hì hục múc tát nước gần 12 tiếng. Người nào người ấy mệt nhoài. Nhưng sợ nhất là nước dột, bịt chỗ này thủng chỗ kia. Cuối cùng đành mặc áo mưa, đội nón cho các pho tượng”.
Đại đức, trụ trì Chùa Một Cột Thích Tâm Kiên buồn bã trước cảnh dột nát của chùa
Mặc dù đã có thông tin UBND quận Ba Đình đã lập kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích ngôi chùa với kinh phí hơn 31 tỷ đồng từ năm 2009, và theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai vào năm 2012 và hoàn thành vào đầu năm 2013, thế nhưng, đến lúc này, các bước tiến hành trùng tu ngôi cổ tự vẫn chỉ nằm trên giấy.
Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết: “Dự án trùng tu Chùa Một Cột đã rục rịch gần 5 năm, nhưng chưa hề có cuộc hội thảo nào được tổ chức. Và theo thời gian, ngôi chùa càng ngày càng xuống cấp. Chúng tôi đã gửi đơn nhiều lần tới các cơ quan có chức năng, nhưng dường như chẳng bao giờ được họ chú ý tới”.
Lãnh đạo của Sở văn hóa và UBND quận Ba Đình "lướt" xem cho đúng thủ tục
Bà Đặng Thị Bình, Phật tử sống và gắn bó với chùa gần 40 năm cho biết: “Từ ngày sư cụ Thích Tâm Cẩn còn sống, cụ đã nhiều lần kêu gọi trùng tu chùa, nhưng không được chấp nhận. Ngày 14/06/1996, trước khi cụ biên tịch, cụ vẫn dặn dò cần phải trùng tu gấp. Nhưng từ ngày đó đến nay, không có cơ quan nào vào cuộc để thỏa mãn tâm nguyện của cụ cũng như các đời phật tử sau này”.
Về kinh phí cho việc Trùng tu, theo trụ trì Thích Tâm Kiên: “Đó không phải là việc quá khó khăn. Nếu làm theo phương thức xã hội hóa, nhiều Phật tử sẵn sàng đóng góp và nhà chùa cũng sẽ góp tài lực vào công cuộc trùng tu, tôn tạo sao cho nó xứng tầm một công trình mang tầm cỡ trong khu vực”.
Điều làm nhiều người tỏ ra khó hiểu, kinh phí không thiếu, không lo cơ sở kỹ thuật, vì sao việc trùng tu một ngôi chùa giữa trung tâm Thủ đô, có kiến trúc và vị trí đặc biệt trong đời sống người Hà Nội lại bị đình trệ và chậm trễ lâu đến vậy?
Chúng tôi sẽ cập nhật video tượng Phật Chùa Một Cột mặc áo mưa, đội nón và cận cảnh nội thất hư hỏng, xuống cấp của chùa vào sáng mai (9/5), mời độc giả đón xem.
Tuấn Nghĩa