Chiều 30/10, UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp Hội Nông dân tỉnh tổ chức chương trình Lãnh đạo UBND tỉnh đối thoại với cán bộ, hội viên, nông dân năm 2024.
Ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết, trong những năm qua, tổ chức Hội Nông dân trong tỉnh không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại địa phương. Dưới sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự phối hợp của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp; các cấp Hội trong tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong giai đoạn mới; nông dân từng bước làm chủ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế, đời sống người nông dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Việc phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn của tỉnh, được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định là một trong ba khâu đột phá. Tỉnh đã ban hành nhiều đề án và các nghị quyết để thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn như: Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa. Huy động mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn còn nhiều khó khăn, thị trường giá cả không ổn định, sản xuất còn manh mún, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn yếu... Với những khó khăn này, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cán bộ Hội Nông dân các cấp và rất cần sự chung tay, góp sức, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị; nhất là cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc ban hành các chủ trương, chính sách cho sự phát triển và sát sao trong triển khai để chính sách đến được với người dân nông thôn.
Tại buổi đối thoại các cán bộ, hội viên, nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị đối với các vấn đề như: ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn nhưng hiện nay nông sản bẩn, thực phẩm bẩn (thực phẩm hóa chất), kém chất lượng, giá rẻ bán tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sạch.
Hiện nay, những liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa triển khai được, chủ yếu người dân tự sản xuất và tự tiêu thụ do đó sự cạnh tranh trong mua bán sản phẩm làm ra giá cả chưa cao. Tình trạng đánh bắt sử dụng chất nổ và thuốc nổ trên biển đang diễn ra hết sức phức tạp. Ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản và các tàu thuyền đánh bắt trên biển. Đề nghị có giải pháp xử lý nghiêm những trường hợp đánh bắt phá hoại nguồn lợi thủy sản và các tàu thuyền trên biển. Giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế hợp tác xã, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp giữa người nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã; chính sách khuyến khích nông dân dồn điền, đổi thửa phục vụ cho sản xuất lúa nước theo cánh đồng mẫu lớn; phát triển chuỗi giá trị liên kết từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm… Hiện nay, tình hình giá trái thanh long không ổn định, sản xuất thua lỗ nên bà con nông dân phá bỏ thanh long rất nhiều và rất lúng túng trong việc chuyển đổi cây trồng trên đất thanh long bị phá bỏ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải đề nghị các sở, ngành, đơn vị địa phương theo chức năng nhiệm vụ chủ động phối hợp, thực hiện.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục rà soát các chính sách về liên kết chuỗi để hỗ trợ hội viên, nông dân; tập trung quy hoạch vùng trồng, nâng chất lượng cây giống. Sở Công thương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về quản bá sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dồn điền, đổi thửa phục vụ cho sản xuất lúa nước theo cánh đồng mẫu lớn; các vấn đề liên quan đến môi trường sản xuất chế biển thuỷ sản nuôi trồng.
Còn đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xem xét chính sách về đầu tư hạ tầng, nguồn lực dự kiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm trong việc đào tạo nghề, xây dựng nội dung đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của nông dân. Ngân hàng nhà nước tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận vay vốn.