Xem thêm >>> Đồng Nai: Huyện công bố dịch tả lợn Châu Phi, tỉnh nói dịch lợn tai xanh
Trước việc 2 huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch (Đồng Nai) công bố xuất hiện dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn, nhưng lãnh đạo tỉnh này lại cho rằng đó là dịch heo tai xanh, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã tiếp tục liên lạc với lãnh đạo tỉnh để tìm hiểu thêm thông tin.
Theo đó, chiều ngày 8/5, trao đổi với PV, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã lý giải về sự việc trên.
Ông Chánh cho biết: "Đúng là dịch tả heo Châu Phi đã vào Đồng Nai từ ngày 24/4. Thời điểm này có 4 điểm trên 4 xã của huyện Trảng Bom và huyện Nhơn Trạch, nhưng tỉnh không muốn công bố thông tin rộng rãi, vì Đồng Nai là "thủ phủ" chăn nuôi heo của cả nước. Nếu thông tin rộng sẽ có hại cho công tác phòng chống dịch bệnh, khiến người dân hoang mang. Người dân tìm cách tháo chạy heo bệnh để gỡ gạc sẽ rất nguy hiểm".
"Ngoài ra tỉnh Đồng Nai cũng lo sợ người dân sợ dịch bệnh sẽ quay lưng với thịt heo, ảnh hưởng đến người chăn nuôi, gây tồn ứ heo. Và từ những lý do trên, tỉnh Đồng Nai chỉ công bố dịch trong nội bộ để tập trung phòng chống dịch, dập dịch", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trần tình.
Bên cạnh đó ông Chánh cũng cho biết, ngay khi phát hiện dịch, các ngành chức năng đã tập trung dập dịch ngay tại chỗ. Từ ngày 24/4 đến nay không phát sinh thêm ổ dịch tả heo châu Phi mới. Hiện, các địa phương đang làm thủ tục theo quy định, để hỗ trợ người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy, và cố gắng hạn chế tối đa phát sinh mới.
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã đưa, trong ngày 6/5, hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đều ra quyết định công bố dịch đối với dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn.
Để khống chế, ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan, chính quyền Nhơn Trạch và Trảng Bom đã thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời. Thực hiện tiêu độc khử trùng, bao vây ổ dịch, cấm người (không nhiệm vụ) vào nơi có ổ dịch.
Chính quyền huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom chỉ đạo các xã trong toàn huyện thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tiến hành tiêu độc khử trùng. Trong thời gian có dịch, người dân không nên cho người lạ, phương tiện ra vào khu chăn nuôi lợn, không mua bán lợn, sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng.
Theo chính quyền hiện đã khoanh được vùng dịch tả lợn châu Phi để xử lý triệt để. Người dân nếu phát hiện lợn mắc bệnh thì lập tức báo cho ngành chức năng, tuyệt đối không bán tháo lợn.
Cùng ngày 6/5, trao đổi với PV, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, các ổ dịch tại 2 địa phương này là ổ dịch heo tai xanh, không phải dịch tả heo châu Phi như các huyện thông báo.