Giảm 3 bậc so với tháng trước
Kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh Quảng Nam tháng 4 đạt 74,4/100 điểm, đứng thứ 16 cả nước, giảm 3 bậc so với tháng 3.
Trong đó, chỉ số thành phần dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và chỉ số công khai, minh bạch thủ tục hành chính tăng hơn so với tháng trước; chỉ số mức độ hài lòng tương đương so với tháng trước.
Tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn cao ở Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện trong tháng 4/2024.
Theo đó, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận: 10.711 hồ sơ. Tổng số hồ sơ đã giải quyết: 7.172 hồ sơ, trong đó: đã giải quyết trước và đúng hạn: 6.953 hồ sơ, trễ hạn: 219 hồ sơ. Tổng số hồ sơ đang giải quyết: 3.539 hồ sơ, trong đó: trong hạn: 3.476 hồ sơ, trễ hạn: 63 hồ sơ.
Tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn (bao gồm hồ sơ đã giải quyết và đang giải quyết): 97,37% (tăng 13,87% so với cùng kỳ tháng trước). Tổng số hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến: 4.677 hồ sơ (chiếm 60,11% tổng số hồ sơ tiếp nhận).
Có 5 đơn vị có tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trong kỳ đạt tỉ lệ cao là các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, thành phố: Đông Giang, Tiên Phước, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hội An.
Số TTHC cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn tỉnh đã tích hợp trên Cổng DVC quốc gia: 1.215; số TTHC cung cấp DVC trực tuyến một phần: 17; Số TTHC thực hiện hình thức khác: 639.
Dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, tỉnh đạt 7,8/12 điểm, điểm số mặt bằng chung của cả nước 5,8/12 điểm. Trong đó, tỉ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tỉnh đạt 60,04%.
Thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, tỉnh đạt 7,4/10 điểm; điểm số mặt bằng chung của cả nước 6,0/10 điểm…
Nguyên nhân do đâu?
Liên quan vấn đề này, theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc số hóa kết quả giải quyết TTHC gặp khó khăn do khối lượng rất lớn và dữ liệu điện tử chưa được chỉnh lý, chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật cho việc thuê dịch vụ thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC.
Người dân vẫn chưa thành thạo với việc nộp hồ sơ TTHC trên môi trường mạng nên số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp tại cấp huyện và cấp xã. Số lượng hồ sơ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính của địa phương được triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia chưa được đồng bộ về Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, hồ sơ chứng thực chiếm phần lớn tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nhưng thủ tục này chưa đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến nên tỉ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến tại Uỷ ban nhân dân cấp xã thấp.
Tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn, chậm xử lý vẫn còn; một phần nguyên nhân do khối lượng công việc chuyên môn tương đối nhiều nên công chức, viên chức xử lý chưa kịp thời trên phần mềm, việc kết thúc quy trình trên phần mềm chậm (thực tế nhiều hồ sơ đã trả đúng hạn cho tổ chức, cá nhân).
Khối lượng công việc ngày càng tăng, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại cấp huyện, cấp xã thường thay đổi nên thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC còn chậm và gặp khó khăn.
Hiện nay, một số TTHC quy định thời gian giải quyết là ngày làm việc hoặc ngày chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, gây khó khăn trong quá trình xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC và cấu hình trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Ông Bửu cũng chỉ rõ, việc áp dụng Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 khó thực hiện, chưa hướng dẫn cụ thể và thống nhất điểm số công khai, minh bạch.
Đồng thời, Bộ chỉ số này chưa cung cấp đầy đủ công cụ, số liệu đối chiếu, kiểm chứng; tính trễ hạn xử lý hồ sơ của địa phương vẫn chưa đúng theo thực tế như việc tạm dừng đợi bổ sung hồ sơ hoặc lấy ý kiến các cơ quan theo quy định; xếp hạng được cho các Sở, Ban, ngành của tỉnh; số lượng tài khoản dữ liệu dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính xác thực với Cổng dịch vụ công quốc gia chưa thống kê riêng cho từng tỉnh, thành phố.
Kết quả công khai, minh bạch (công bố, công khai TTHC) trong Quý I năm 2024, điểm số của tháng sau đều tăng so tháng trước. Tuy nhiên, các TTHC do Bộ chủ quản đã được công bố nhưng công khai trễ hạn trên cơ sở dữ liệu về TTHC vẫn còn tính cho địa phương công khai trễ hạn, thể hiện trên Trang https://quantri.dichvucong.gov.vn/ (vì địa phương chỉ công khai được sau khi Bộ chủ quản công khai trên trên cơ sở dữ liệu về TTHC).
Chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật về nội dung chi cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, giấy tờ, trả kết quả giải quyết TTHC do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023.
Ngoài ra, ông Bửu cũng cho rằng, số liệu Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tại các hệ thống thông tin chưa khớp với số liệu công khai Cổng DVC quốc gia; chưa xếp hạng được các sở, ngành, phải xử lý thống kê thủ công, chỉ số công khai minh bạch phụ thuộc vào thời gian các Bộ, ngành công bố, công khai vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và số liệu giải quyết TTHC chuyên ngành do Bộ, ngành triển khai nhưng chưa kết nối đồng bộ được với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh.