Tại đại hội cổ đông của Vietnam Airlines sáng 10/5, ban lãnh đạo công ty nhận được nhiều chất vấn của cổ đông về tình hình thua lỗ của Jetstar Pacific, công ty con do Vietnam Airlines giữ 70% cổ phần.
"Với khoản lỗ lũy kế hơn 4.200 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ, tương lai của Jetstar Pacific như thế nào? Vietnam Airlines có tính phương án bán lại hay giải thể?", một cổ đông nêu câu hỏi.
Đáp lời, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị Vietnam Airlines, cho biết lỗ lũy kế của Jetstar Pacific hiện tại đã được xử lý hết qua các năm kể từ khi Vietnam Airlines tiếp quản.
"Khoản lỗ lũy kế trước đây của Jetstar Pacific hiện tại chưa có chính sách nào để xử lý nên vẫn treo trên báo cáo tài chính của công ty con chứ không ảnh hưởng đến công ty mẹ Vietnam Airlines và cổ đông công ty mẹ không bị ảnh hưởng gì", ông nói.
Ông Minh cho hay khi tiếp nhận Jetstar Pacific vào năm 2012, nhiệm vụ ban đầu là đảm bảo hãng hàng không này không bị xóa sổ, nhiệm vụ kỳ vọng là để JPA khai thác phân khúc giá rẻ. "Lúc bấy giờ chúng tôi cũng đang có ý định thành lập một hãng hàng không giá rẻ khác là VietAir", ông Minh tiết lộ.
Nhiệm vụ thứ hai là tái cơ cấu lại JPA, theo ông Minh nếu Jetstar Pacific là doanh nghiệp tư nhân thì chỉ thực hiện trong vòng 2 – 3 năm.
Chủ tịch hãng hàng không quốc gia Việt Nam cho biết, Vietnam Airlines khi đó chỉ lãi 200 – 300 tỷ đồng/năm, nếu tái cơ cấu và thực hiện các nghiệp vụ tài chính, mỗi năm lỗ JPA lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng, phân bổ về Vietnam Airlines từ 600 – 700 tỷ đồng thì công ty mẹ không chịu nổi.
Do đó, HĐQT thống nhất phương án cơ cấu là hàng năm khiến cho lỗ của JPA giảm dần, đến năm vừa rồi thì lãi 34 tỷ đồng.
"Từ khi thành lập đến năm 2012, Jetstar Pacific luôn luôn lỗ. Tuy nhiên kể từ khi Vietnam Airlines tiếp nhận, hãng đã thực hiện quy trình tái cơ cấu và đang mang lại kết quả. Năm 2012-2013, Jetstar Pacific đã giảm lỗ, năm 2014 lãi 8 tỷ đồng và năm 2018 kết sổ lãi 34 tỷ đồng", ông Minh chia sẻ.
Về khoản lỗ lũy kế của Jetstar Pacific, lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay khoản lỗ 2.400 tỷ đồng khi tiếp nhận Jetstar Pacific đã được Vietnam Airlines giải quyết và những năm sau đó lỗ cũng được giải quyết theo từng năm, có sự ghi nhận của các đơn vị kiểm toán độc lập và kiểm toán Nhà nước.
“Tình hình tài chính của Jetstar đang được cải thiện và có tương lai”, Tổng Giám đốc Dương Trí Thành nói.
Theo Chủ tịch VNA, để hoạt động hiệu quả cao hơn đáng ra Jetstar phải có khoảng 24 tàu bay, nhưng hiện chỉ duy trì mức 18 chiếc do khó khăn về vốn. Muốn tăng đội tàu bay, Jetstar phải tăng vốn, dù VNA đã xin tăng vốn điều lệ của Jetstar từ năm 2016, nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước không đồng ý, nên không thể tăng. Nên hiện vẫn quản lý theo kiểu nhà nước là giảm lỗ dần.
Sau quá trình tái cơ cấu, dàn máy bay của Jetstar Pacific đã được cải thiện cả về số lượng và chất lượng máy bay. Tuổi trung bình đội bay của hãng đã giảm mạnh sau hai quá trình cải tổ.
Hiện theo Planespotter, tuổi trung bình máy bay của Jetstar Pacific là khoảng 4,3 năm tuổi, nằm trong nhóm hãng bay giá rẻ sở hữu đội máy bay tuổi đời thấp. Trong khi đó, năm 2012, Jestar Pacific có 7 máy bay, thì 5 chiếc có tuổi đời 17, hai chiếc còn lại lần lượt đã 15 và 13 tuổi.
"Sau 7 năm, Jestar Pacific đã cơ bản hoạt động ổn, tình hình kinh doanh cải thiện, có lãi, có tương lai cho chính nó và gắn vào tổng công ty tạo hiệu ứng tốt, góp phần vào kỷ lục lợi nhuận của tổng công ty giai đoạn 2017-2018", ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, nói.
Tính từ năm 2012 tới nay, Jetstar Pacific đã lỗ lũy kế 1.775 tỷ đồng. Nếu tính từ khi thành lập, lỗ lũy kế của hãng là khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ của hãng.
"Quá trình tái cấu trúc Jetstar Paciffic là nhiệm vụ rất khó khăn kể từ khi Vietnam Airlines tiếp quản đội bay. Cho đến bây giờ, hoạt động tái cơ cấu cơ bản đã thành công", ông Thành nói.
Cũng theo CEO Vietnam Airlines, hiện tại hãng cũng thực hiện các nghiệp vụ sale& leaseback để tăng đội bay cho Jestar Pacific.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5, chuyện khoản lỗ “khủng” của hãng hàng không Jestar Pacific đã được đặt ra. Theo đó, trong các năm qua, Công ty Cổ phần hàng không Jetstar Pacific liên tục báo lỗ, con số lỗ lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay từ tháng 2/2012, Jetstar Pacific được chuyển từ SCIC sang HVN. Kể từ thời điểm đó công ty này lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.
“Trách nhiệm cá nhân hoặc trách nhiệm đối với việc lỗ này, chúng tôi sẽ đề nghị VNA báo cáo cụ thể rõ hơn, hàng năm có tính toán và có báo cáo tài chính. Nguyên nhân không phải do VNA sinh ra Jetstar Pacific mà để lỗ như thế. Hiện nay theo dõi các năm 2017, 2018 vừa rồi thì giảm lỗ rất nhiều. VNA đang cố gắng đến ngoài 2020 đơn vị này không lỗ nữa”, ông Nhật cho biết.
Đình Văn