Sáng ngày 23/4, Công ty Cổ phần Vincom Retail (HoSE: VRE) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của doanh nghiệp.
Tổng số cổ đông tham dự đại hội cổ đông ngày 23/4 tính đến 9h của Vincom Retail có 33 cổ đông tham dự trực tiếp và 107 cổ đông ủy quyền tham dự đại hội. Số cổ đông này tương ứng đại diện cho trên 1,4 tỷ cổ phần, chiếm tỉ lệ khoảng 65,79% số cổ phần, đạt điều kiện tổ chức đại hội cổ đông theo quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty.
Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT công ty là bà Thái Thị Thanh Hải xin vắng mặt với lý do cá nhân và uỷ quyền cho bà Trần Mai Hoa – Phó Chủ tịch HĐQT chủ trì cuộc họp này.
Hoàn thành 25% mục tiêu kinh doanh năm trong quý I/2024
Qua đại hội, cổ đông của Vincom Retail đã đồng ý thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu thuần của công ty đạt 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu ở mức 4.420 tỷ đồng, trong đó dự kiến hoạt động cốt lõi cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan tiếp tục tăng trưởng.
Trong khuôn khổ Đại hội, lãnh đạo doanh nghiệp tiết lộ trong quý I/2024 công ty ghi nhận doanh thu tăng trưởng 16% và lợi nhuận đạt hơn 1.080 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. So sánh với kế hoạch kinh doanh năm được đại hội thông qua, công ty đã thực hiện được xấp xỉ 25%.
Theo đó, HĐQT công ty cho biết kế hoạch trên được đề xuất dựa trên kỳ vọng của ban lãnh đạo về triển vọng kinh tế và môi trường kinh doanh năm 2024 khởi sắc hơn so với năm 2023, thị trường bán lẻ dần hồi phục và khai trương thêm 6 TTTM mới nên doanh thu cho thuê tiếp tục tăng.
Tuy nhiên doanh thu bàn giao shophouse được nhận định sẽ thấp hơn năm 2023 do 2023 đã bàn giao phần lớn quỹ căn tại các dự án lớn, trọng điểm là dự án Đông Hà, Quảng Trị.
Bà Phạm Thị Thu Hiền - Tổng Giám đốc công ty cho biết công ty nhận định rõ năm 2024, mức độ hồi phục của thị trừờng bán lẻ phụ thuộc lớn vào nền kinh tế chung và mức độ chi tiêu của khách hàng, Trong khi đó, thực trạng hiện nay là khách hàng vẫn hạn chế chi tiêu khiến doanh thu các khách thuê trong các trung tâm thương mại bị suy giảm, điều này không chỉ xảy ra tại Vincom Retail mà còn trên rất nhiều cơ sở khác.
Dù vậy, bà Hiền cho rằng tỉ lệ lấp đầy trong năm 2024 của Vincom Retail dự kiến vẫn sẽ có sự tăng trưởng 83 trung tâm thương mại hiện hữu vẫn có lượng khách thuê ổn định, đồng thời công ty cũng sắp mở mới thêm TTTM đã có tỉ lệ lấp đầy tương đối cao. Ngoài ra trong năm này, Vincom Retail cũng lên kế hoạch định vị lại chuỗi TTTM để nâng tầm chất lượng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về xu hướng mua hàng online có gây ảnh hưởng đến chuỗi bán lẻ trực tiếp hay không, bà Trần Mai Hoa cho rằng cơ cấu khách bán lẻ chuyên nghiệp vẫn chọn TTTM là phương án tối ưu bởi nhiều yếu tố.
Cụ thể, chi phí bán hàng tại các kênh online tương đối cao; thói quen của người Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung vẫn chuộng việc trải nghiệm cảm giác mua sắm tại TTTM; không chỉ bán hàng mà các TTTM còn tích địa điểm ăn uống, vui chơi nên vẫn là địa điểm thu hút khách hàng đến mua sắm trực tiếp….
“Các nhà bán lẻ vẫn đầu tư, mở rộng thị trường mua sắm trực tiếp của mình, vẫn có kế hoạch đầu tư mở mới trong năm 2024-2025”, bà Hoa khẳng định.
Không đổi tên thương hiệu Vincom, không chia cổ tức 2023
Đặc biệt, Đại hội đồng cổ đông cũng thống nhất thay đổi cơ cấu HĐQT và Ban Kiểm soát sau khi Tập đoàn Vingroup - CTCP (HoSE: VIC) chính thức công bố thông tin về việc Vincom Retail không còn là công ty con của Vingroup.
Đại diện cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Vincom Retail Trần Mai Hoa khẳng định các cổ đông mới tham gia vào công ty dù không có kinh nghiệm làm TTTM nhưng rất thành công trong việc xây dựng mô hình bán lẻ, trong khi đó các nhà bán lẻ lại chính là yếu tố quyết định sự thành công của các TTTM.
Do đó, bà Hoa nhấn mạnh nhóm cổ đông mới tham gia vào công ty sẽ giúp củng cố thêm kinh nghiệm quản trị, điều hành và xây dựng hệ thống bán lẻ phát triển mạnh hơn hiện nay.
Đồng thời, vị lãnh đạo của doanh nghiệp cũng cho biết dù có sự tham gia của các cổ đông mới nhưng Vingroup vẫn luôn song hành cùng Vincom Retail trong việc quản lý, vận hành các TTTM trong thời gian tới.
Đặc biệt, đối với các dự án mà Vincom Retail đã đặt cọc với Vingroup cũng như Vinhomes thì chính sách, giá trị lợi ích đầu tư vẫn được giữ nguyên, tệp khách hàng vẫn tiếp tục được giữ vững, củng cố và phát triển.
Về việc đổi tên công ty sau khi chuyển nhượng, bà Hoa khẳng định đến thời điểm diễn ra Đại hội thường niên 2024 thì công ty vẫn chưa có kế hoạch đổi tên hoặc bỏ chữ “Vin” trong tên gọi của mình, tên “Vincom” vẫn gắn với thương hiệu công ty.
Nguyên do được bà Hoa đưa ra bởi phải mất tới 20 năm gây dựng thương hiệu “Vincom” trở thành TTTM đầu tiên của người Việt xây dựng cho khách hàng Việt Nam, gắn bó với người dân Việt Nam nên tên gọi trên được lãnh đạo công ty coi như “niềm tự hào”.
Vì vậy, sau 20 năm trải qua nhiều thăng trầm phát triển, nhiều bài học phải trả giá để xây dựng được thương hiệu Vincom có giá trị cao như hiện nay sẽ không đổi tên.
“Còn việc thương hiệu Vincom có giữ đc chữ “Vin” hay không sẽ phụ thuộc vào sự thoả thuận, trao đổi giữa các thành viên HĐQT trong tương lai”, bà Hoa bổ sung thêm.
Một nội dung khác cũng được Đại hội thông qua là doanh nghiệp sẽ không chia cổ tức và toàn bộ lợi nhuận luỹ kế đến năm 2023 trị giá 16.476 tỷ đồng sẽ được giữ lại để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Chia sẻ về vấn đề trên, bà Phạm Thị Ngọc Hà – Giám đốc Tài chính Vincom Retail cho biết, trong năm 2024 và giai đoạn 2025-2027 sắp tới công ty dự định dùng 10.000 tỷ đồng để phát triển lưới dự án với diện tích hơn 800.000m2, hướng tới việc phát triển bền vững trong tương lai.