“Chứng cứ đã rất rõ ràng, Triều Tiên có khả năng chế tạo tritium”, Giáo sư Siegfried Hecker nói với hãng Thông tấn Yonhap hôm 27/6. Theo phân tích của Giáo sư, những “chứng cứ” này dựa trên kinh nghiệm của Bình Nhưỡng trong việc chế tạo lithium-6, một thành phần chính cấu tạo nên hydrogen-3. Vì Triều Tiên có thể chế tạo tritium nên họ có những “thành phần cơ bản” cần thiết cho vũ khí nhiệt hạch như bom H, hay còn gọi là bom khinh khí. Bom H có sức công phá vượt trội hơn nhiều lần so với bom A (bom nguyên tử).
Trước đó, hồi tháng Năm, chỉ ít ngày sau khi ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung. Theo nhận định của các chuyên gia Mỹ, điều đó cho thấy bước tiến chưa có tiền lệ trong quá trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
“Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên cho thấy mức độ thành công chưa hề có của Bình Nhưỡng”, ông John Schilling, chuyên gia hàng không vũ trụ Mỹ nhận định. Ông cho rằng, Triều Tiên không hề “ngây ngô” và sẽ không thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa công khai, dù họ thừa khả năng làm chuyện đó.
Những đợt thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung có thể giúp ích cho Bình Nhưỡng trong việc phát triển các nguyên liệu có thể đáp ứng cho công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Việc Triều Tiên cho tới nay vẫn chưa thử tên lửa đạn đạo liên lục địa một cách công khai là một cách mà Bình Nhưỡng đang che giấu những kế hoạch của mình.
Xem thêm: Cựu TT Hàn Quốc từng 'bật đèn xanh' cho kế hoạch ám sát Kim Jong-un?
Danh Tuyên