71 triệu USD cho "thương vụ bí mật"?
Giữa tuần này, hãng tin Nga Sputnik dẫn nguồn Trung tâm Báo chí Điều tra Séc cho hay, Lầu Năm Góc đã cung cấp vũ khí cho các lực lượng chống Chính phủ tại Syria.
Số vũ khí này được cho là có xuất xứ từ Cộng hòa Séc và một số quốc gia Đông Âu khác như Georgia, Serbia, Bulgaria, Romania và Ukraine. Chúng được mua về theo yêu cầu từ bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo số liệu của trung tâm (được thu thập từ các nguồn mở), Lầu Năm Góc mua vũ khí lỗi thời trị giá 71 triệu USD, gồm súng trường AK-47, súng phóng lựu và súng cối.
Đại diện Lầu Năm Góc tuyên bố, số vũ khí nêu trên được mua để phục vụ nhu cầu riêng của họ, nhưng thực tế lại được chuyển tới Syria để huấn luyện và trang bị cho các nhóm phiến quân chống Chính phủ Syria, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nguồn tin từ trung tâm trên cho biết.
Một trong những giấy tờ cần thiết để làm thủ tục cấp phép xuất khẩu vũ khí được gọi là “giấy chứng nhận người dùng cuối”.
Loại giấy này nhằm đảm bảo vũ khí không rơi vào tay những kẻ xấu.
Theo trung tâm Báo chí Điều tra Séc, bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp thông tin sai lệch đối với loại giấy chứng nhận nêu trên khi khẳng định người dùng là lính Mỹ.
Những cuộc điều tra trước đó (có sự tham gia của trung tâm Báo chí Điều tra Séc) cho thấy trong 4 năm trở lại đây, các quốc gia Đông Âu, trong đó có, Cộng hòa Séc, đã phê duyệt việc bán vũ khí trị giá hơn 1,2 tỷ USD cho một số quốc gia Trung Đông, mà sau đó bị cáo buộc là chuyển sang Syria.
Bình luận về vấn đề này, ông Jan Skalicky, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và buôn bán vũ khí, đạn dược Séc cho rằng Cộng hòa Séc không liên quan tới các thương vụ trên.
“Theo tôi được biết, những cáo buộc này chỉ liên quan tới vòng kiểm soát của Mỹ chứ không có sự dính dáng của các nhà sản xuất vũ khí Séc. Với nguyên tắc không sử dụng tiền bẩn, tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp Séc không liên quan tới việc cung cấp vũ khí cho khủng bố”, ông Jan Skalicky nói với tờ Sputnik.
Ông nói rằng bản thân “không thể tưởng tượng được tình huống khi một công ty vũ khí Séc phải xin phép từ bộ Công nghiệp và Thương mại, bởi theo luật 38/1994, các hoạt động buôn bán như vậy phải có giấy phép và họ sẽ biết số vũ khí rơi vào tay khủng bố”.
Theo chuyên gia, Chính phủ Séc chắc chắn cần chủ động can thiệp vào các vấn đề liên quan tới buôn bán vũ khí, nếu có nghi ngờ rằng những mặt hàng đó sẽ được tái xuất khẩu sang một quốc gia khác nơi đang xảy ra xung đột vũ trang.
“Tuy nhiên, những hoạt động buôn bán như vậy chắc hẳn không thể thực hiện được dưới vỏ bọc lực lượng vũ trang Nhà nước hoặc Chính phủ”, chuyên gia Jan Skalicky chỉ rõ.
Washington trước đây cũng bị cáo buộc để lọt vũ khí vào tay khủng bố.
Những cáo buộc rùng mình
Cuối năm ngoái, nhóm Nghiên cứu vũ khí xung đột (CAR) có trụ sở tại Anh từng khẳng định, vũ khí do Mỹ và Saudi Arabia cung cấp cho phe “đối lập ôn hòa” ở Syria đã lọt vào tay các chiến binh thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Vũ khí, đạn dược được vận chuyển cho những nhóm đối lập ở miền Bắc Syria qua ngả miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ rồi được phát hiện khi trên đường tới tay IS.
Trước đó, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, từ năm 2013, cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã bắt đầu chương trình huấn luyện và trang bị vũ khí cho “phiến quân ôn hòa” nhằm lật đổ chính quyền Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, nhận thấy chương trình này không gặt hái được nhiều thành công nên người kế nhiệm của ông Obama là Tổng thống Trump hiện tại đã quyết định chấm dứt chương trình này từ hồi tháng Bảy 7.
Xem thêm: TT Putin và nghệ thuật quan hệ với hai đối thủ "không đội trời chung"
D.T