Ăn cơm trộn muối, uống nước xà phòng
Anh Tằng Văn Sáu, cán bộ phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Tiên Yên đã dẫn phóng viên đi khảo sát lại những dấu tích còn sót lại của những vụ thảm sát kinh hoàng. Hiện, những dấu vết còn lại là chiếc máy chém và dòng sông bên lở, bên bồi chảy qua thị trấn Tiên Yên.
Huyện Tiên Yên được coi là huyết mạch về giao thông, kinh tế đối với toàn khu vực miền Đông của tỉnh. Thời Pháp thuộc, địa bàn này là nơi dựng đồn bốt lý tưởng để thực hiện âm mưu thống trị lâu dài của chúng. Chính vì vậy, khi đã chiếm đóng được toàn bộ khu mỏ giàu có, chúng tấn công Tiên Yên để làm bàn đạp cho âm mưu xâm lấn toàn miền Đông Bắc. Chúng ráo riết lập trụ sở mới tại khu vực ngã ba sông Tiên Yên, đầu tư xây dựng đường bộ, đường thủy và đường hàng không nối với Hà Nội, Hải Phòng, Móng Cái...
Anh Tằng Văn Sáu, cán bộ phòng Văn hóa cho biết: Tù binh nào chống đồi sẽ bị chúng xử tử bằng máy chém này.
Khe Tù được bố trí rất cẩn mật. Các trại giam được xây dựng bằng gạch đất chưa nung, nền đất nện. Tuy nhiên, xung quanh Khe Tù được rào bởi ba lớp dây thép gai. Cổng nhà tù được rào kiên cố bằng ba lớp cửa, ngoài cùng là một lớp cửa sắt, bên trong lại một lớp cửa bằng gỗ, lớp trong cùng là một dải thép gai chằng chịt. Khu vực bên trong Khe Tù có nhiều bốt canh gác, đèn điện quét sáng suốt ngày đêm để ngăn chặn ý định vượt ngục của tù nhân. Khi phát hiện được tù nhân nào bỏ trốn, chúng sẽ tra tấn, đánh đập dã man bằng cách trói vào ghế để hành hạ đến bê bết máu rồi mới đem chém đầu.
Để xây dựng được khu nhà tù rộng lớn này, cùng với việc vắt kiệt sức tù binh Khe Tù, chúng còn bắt thêm tù binh từ Mông Dương. Chúng ép tất cả các tù binh làm việc cả ngày lẫn đêm. Tù binh nào không làm việc tốt hoặc bị kiệt sức sẽ bị chúng cho ăn cơm trộn muối, khát nước thì bị chúng đè ra, đổ nước xà phòng cho uống. Tù binh hứng chịu ngón tra tấn này đã nôn thốc nôn tháo, nôn ra cả mật xanh, mật vàng. Nôn xong, tù binh lại bị ép làm việc tiếp. Chúng còn dở thói nhân đạo bằng việc công bố, sẽ cho mỗi tù nhân được 4 lạng gạo với 2 lạng khoai/ngày và 12 đồng Đông Dương mỗi tháng. Nhưng, những đồng tiền đó chẳng bao giờ đến được tay tù nhân, vì những tên cai tù đã ăn chặn trước khi tới được tay tù nhân. Sách lịch sử của Đảng bộ huyện Tiên Yên ghi lại rằng, những tù binh bị bắt và tra tấn tại Khe Tù sống không bằng chết ở "địa ngục trần gian" này.
Năm 1917, máy chém được thực dân Pháp đưa sang Việt Nam để hành quyết những người dân yêu nước. Máy này được đặt tại Khám Lớn Sài Gòn, đường Lagrandière, nay là đường Lý Tự Trọng.
Hầm bí mật và “dòng sông máu”
Dù sự kiện xảy ra cách đây đã hơn 60 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến Khe Tù, ông Lương Quốc Chung, 88 tuổi, trú tại khu phố Long Tiên - nhân chứng còn sót lại của những vụ thảm sát ở Khe Tù vẫn bị ám ảnh: "Nhà tôi ở gần Khe Tù nên đã được chứng kiến những cuộc thảm sát dã man cách đây hơn 60 năm. Sau khi bắt tù binh lao động khổ sai, nhiều người đã không chịu nổi đã gục trước những đòn tra tấn trung cổ của thực dân Pháp. Đó là đục tay, bẻ răng, móc mắt... Những tiếng kêu la thảm thiết vang từ nhà giam ra khắp cả khu phố Long Tiên. Được biết, thực dân Pháp đã xích chân tay những người bị chúng nghi là cộng sản rồi đem ra máy chém chặt đầu. Đó là một bệ đá với lưỡi chém bằng sắt nặng 80kg, dài 2m, dày 3cm. Chiếc máy chém này đã từng hoạt động hết công suất. Chúng chém những chiến sỹ, người dân vô tội, người có ý định vượt ngục. Chiếc máy chém còn lại là bằng chứng ghi dấu những tội ác dã man của thực dân Pháp tại nhà giam Khe Tù".
Bên cạnh máy chém, chúng còn cho xây dựng những căn hầm mật để nhốt cách ly những tù binh nghi là cộng sản hoặc có ý định vượt ngục. Những hầm nhốt tù nhân được đào dưới những mô đất cao và cứng. Những dãy nhà giam được bố trí thành hình vuông, được đậy bằng một nắp bê tông nặng trịch, đóng kín cửa hầm. Do sự phá hoại của chiến tranh, những dãy nhà này chỉ còn nền móng. Cạnh chiếc máy chém, thực dân còn xây đường hầm bí mật để giành riêng cho việc vận chuyển để phi tang những xác tù binh. Qua những dấu vết còn sót lại, có thể nhận định rằng, những đường hầm đã được đào bí mật từ chiếc máy chém nối sát bờ sông để tiện cho việc vứt xác tù binh bị chúng hành hình xuống sông. Dòng sông này đã thấm máu của biết bao người con anh dũng. Ngoài ra, thực dân Pháp còn đào hệ thống đường hầm lên tận sân bay ở trên một mỏm đồi cách nơi đặt máy chém vài trăm mét. Hiện nay, những căn hầm bí mật này đã bị xói mòn, đất đá san lấp và trơ lại những vết tích, cỏ mọc um tùm, phủ kín hoang phế.
Ông Chung dẫn chúng tôi đến một cái lô cốt nằm ở cạnh bờ sông, cách chiếc máy chém khoảng 100m. Đây là một trong những tháp canh vẫn còn khá nguyên vẹn. Tháp canh cao gần chục mét, đứng trên tầng tháp có thể quan sát được bốn phương tứ phía. Thực dân Pháp xây dựng tháp canh này để phòng trừ các cuộc đột kích của Việt Minh, những đợt giải cứu tù binh và những cuộc vượt ngục bí mật. Tốp lính đứng trên chòi canh được trang bị rất nhiều súng đạn, ống nhòm. Chỉ cần nhìn thấy có hiện tượng bất thường, chúng sẽ lia những làn đạn xối xả về hướng đó. Đã bao chiến sỹ cách mạng, tù binh vượt ngục bị tử nạn dưới những làn đạn được xả từ tháp canh này.
Do hệ thống canh chừng quá cẩn mật của thực dân Pháp, nên đa số những cuộc vượt ngục của tù binh đều bị dìm trong bể máu. Nhiều tổ tù binh hoạt động bí mật đã nghĩ cách phá còng và chạy thẳng ra hướng bờ suối hòng thoát thân sang bờ bên kia. Tuy nhiên, chẳng có mấy người thoát dưới làn đạn của địch. Có tù binh đào hầm ra khỏi vòng vây thép gai để chốn thì giẫm phải bãi mìn và nổ tan xác. "Ở khu vực rộng lớn này được bao bọc bởi mấy lớp thép gai. Nhiều cuộc vượt ngục đã phải hứng chịu kết cục bi thảm. Ai chạy ra khỏi được vòng thép gai cũng không thể thoát được những làn đạn liên thanh xối xả, họa hoằn lắm mới có người trốn thoát dưới mưa bom bão đạn của giặc", ông Chung nói.
Khi hành quyết tù binh xong, chúng bỏ xác, chôn tại chỗ hoặc bắt tù binh khác vác đem theo con đường hầm để vứt ra dòng sông Tiên Yên. Do vậy, những bộ hài cốt nằm lộn xộn và không xác định được cụ thể phạm vi của những xác chết nằm ở khoảng cách bao xa trong cùng một khu vực? Ngoài ra, việc bom đạn tàn phá cũng đã phần nào làm xáo trộn xương cốt, dẫn đến việc tìm kiếm vô cùng khó khăn để xác định danh tính, phân biệt hài cốt giữa các tù binh. Thêm vào đó, ngoài những xương cốt của các chiến sỹ cách mạng cũng còn có những xác quân địch nằm lại ở đây
Tâm sự của một tù binh trở về từ "cõi chết" Tù binh Hoàng Cương (tên thật là Nguyễn Văn Chuyên) sau khi trốn thoát khỏi nhà lao Khe Tù đã từng nói: "Tôi như người từ "cõi chết" trở về. Trở về từ Khe Tù, tôi đã rèn luyện thêm bản lĩnh cách mạng, tinh thần cứng cỏi hơn, giúp tôi thêm hăng hái để tiếp tục chiến đấu trên các mặt trận mới. Công tác cách mạng thật vinh dự và tự hào". |
Hoàng thế Tào