Nếu tìm hiểu về lịch sử hậu thuộc địa của các nước châu Phi, những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới thì Chủ tịch Cuba Fidel Castro đóng một vai trò lo lớn, giúp các nước châu Phi phát triển như ngày nay.
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi chủ tịch Cuba Fidel Castro qua đời, ngoài Venezuela ở Nam Mỹ, Algeria tuyên bố quốc tang 8 ngày thì rất nhiều lãnh đạo nhiều quốc gia khác ở châu Phi đã bày tỏ lòng thương tiếc cũng như hết lời ca ngợi những đóng góp của Chủ tịch trong việc giải phóng nhân dân tại châu lục này.
Sau khi cách mạng dân tộc của nhân dân Cuba giành thắng lợi (1959), lãnh tụ Fidel đã tập trung phát triển chính sách đối ngoại của Cuba khác hẳn với những nước láng giềng xung quanh. Theo đó, châu Phi đã trở thành trung tâm trong chính sách đối ngoại của Cuba. Lãnh tụ luôn hết lòng cho sự nghiệp đoàn kết quốc tế, thúc đẩy giải phóng thuộc địa, chiến đấu chống chế độ thực dân ở các lục địa châu Phi.
Những tài liệu nghiên cứu về cuộc đời cách mạng của lãnh tụ Cuba cho thấy:
“Chủ tịch Fidel cho rằng châu Phi là tâm điểm của cuộc giải phóng thế giới và Cuba cần phải trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên tham gia giúp sức cho họ”. Vì vậy, Chủ tịch Cuba hỗ trợ giải phóng Angola khỏi ách thực dân Bồ Đào Nha và giúp quân đội Ethiopia trong cuộc kháng chiến chống Somali.
Không chỉ vậy, Cuba hỗ trợ tối đa về hậu cần và kỹ thuật tại nhiều nước châu Phi khác như Algeria, Guinea, Guinea Bissau, Guinea Xích đạo, Sierra Leone và Libya. Hàng nghìn bác sĩ, nha sĩ, các điều dưỡng chăm sóc sức khỏe, giáo viên, kỹ sư của Cuba đều sang giúp sức nhiệt tình cho công cuộc giải phóng và xây dựng các nước châu Phi.
The Guardian dẫn lời giáo sư Piero Gleijeses thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp Paul H.Nitze của ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho hay: “Sẽ không công bằng khi trong các tài liệu mật của cục Tình báo Trung ương Mỹ và bộ Ngoại giao nước này cũng như hồi ký của các quan chức cấp cao Mỹ không hề có dòng nào viết rằng Cuba đã có vai trò to lớn khi hỗ trợ công cuộc giải phóng dân tộc ở châu Phi”.
Khi chiến tranh kết thúc, Cuba vẫn tiếp tục tham gia giúp đỡ đào tạo nhân lực cho các quốc gia châu Phi. Gần đây nhất, nước này đã gửi 300 bác sĩ, y tá đến Tây Phi để đối phó với việc lây nhiễm vi rút Ebola trong cộng đồng, hay cử các chuyên gia kinh tế tư vấn chính sách, giúp châu Phi bước qua cuộc khủng hoảng kinh tế.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Margaret Chan khẳng định: “Những bác sĩ của Cuba thực sự là nhóm nhân viên y tế nước ngoài đông nhất đến từ một quốc gia kể từ khi dịch sốt Ebola bùng phát vào cuối năm 2013.
Hành động này của CuBa như gửi một thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết dành cho châu Phi tới toàn thể thế giới và sẽ đóng vai trò là xúc tác để nhiều nước khác hỗ trợ thêm cho lục địa đen”. Đến nay, tổng số nhân viên y tế CuBa tình nguyện tham gia công tác hỗ trợ các nước châu Phi, Mỹ Latinh lên đến 50.000 người.
“Lãnh tụ Cuba Fidel Castro giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của các dân tộc châu Phi. Ông là người bạn vĩ đại và chân thành của nhân dân chúng ta”, cựu Thủ tướng Kenya Raila Odinga phát biểu trước người dân trong dịp sinh nhật lần thứ 90 của lãnh tụ Fidel. Để tỏ lòng kính trọng, cựu Thủ tướng Raila đã đặt cho con trai đầu lòng của mình theo tên vị lãnh tụ Cuba.
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari cũng tri ân sâu sắc: “Những công lao to lớn của lãnh tụ Cuba đã được khẳng định nhờ việc duy trì cam kết và vai trò to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân ở châu Phi. Nếu không có sự giúp đỡ quên mình, tình cảm quốc tế cao đẹp của Cuba dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Fidel thì các quốc gia châu Phi hẳn sẽ mất thêm nhiều thời gian nữa mới có thể giải phóng khu vực khỏi sự đàn áp của thực dân”.
Cho tới bây giờ, khi lãnh tụ Cuba đã ra đi, nhưng đối với những người dân châu Phi, ông sẽ sống mãi trong lòng họ như một biểu tượng về tự do và đấu tranh. Hiếm có một vị lãnh tụ nào trên thế giới, mà người dân đồng loạt hô vang đầy kính trọng: “Cuba… Cuba”, “lãnh tụ Fidel…”.
Phương Anh