Dưới gốc đa bén duyên với nghề
Buổi sáng tinh mơ, đất trời Bảo Lộc còn lờ mờ trong sương sớm, những giọt sương long lanh trên búp trà non càng làm cho không khí nơi đây thêm lạnh. Trong cái không khí ấy chúng tôi đã có mặt tại nhà của bà Đức ở xã Lộc Nga để diện kiến con người đặc biệt này. Nhưng cũng ngay khi chúng tôi đến người nhà của bà thì được biết bà vừa đi chùa để tụng kinh từ sáng sớm. Trò chuyện với con dâu bà, cô Nguyễn Thị Vân cho biết: "Cứ đến rằm hoặc mùng một hàng tháng là bà chuẩn bị đồ đạc để ra chùa tụng kinh và ăn chay. Mặc dù từ nhà tôi tới chùa hơn 2km, nhưng không khi nào bà để con tôi lấy xe chở ra chùa. Bà muốn đi bộ để tập thể dục cho khỏe, bà đi rất nhanh, chỉ 30 phút là đã tới chùa, khi về cũng vậy".
Bà Đức ra vườn tìm thuốc
Sau những giây phút đợi chờ bà lão đặc biệt, cuối cùng chúng tôi cũng được gặp bà. Dáng bà lão gần 90 tuổi vẫn nhanh nhẹn trên đường, không gây một tiếng động. Ngả chiếc nón lá đội trên đầu xuống, bà cười với chúng tôi nụ cười hiền từ với những chiếc răng đen láy của người đất bắc xưa. Không cần nghỉ ngơi, bà Đức bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng những ký ức ly kỳ của con người có cái duyên với nghề thuốc đặc biệt này. Trò chuyện với chúng tôi bà Đức cho biết, cơ duyên bà đến với cái nghề thuốc hết sức bất ngờ. Đó là khoảng thời gian năm 1953, bà mới lấy chồng ở Thanh Hóa. Chồng bà Đức không may mắc phải căn bệnh lậu ké, trong khi hai người sống với nhau chưa được mụn con nào. Bà và chồng đã hết sức lo lắng rằng nguy cơ căn bệnh có thể làm cho hai người không sinh con được. Sự lo lắng đã khiến người phụ nữ chân quê, không biết một chữ nhất này phải chạy Đông chạy Tây suốt mấy tháng trời lo tìm thầy chữa bệnh.
Như để nhớ lại khoảnh khắc trời định với nghề, bà Đức nhấp ngụm nước và khẽ phe phẩy chiếc nón lá. Bà buông giọng nhẹ nhàng: "Cứ đi tìm mãi mà không có thầy nào chữa được bệnh cho chồng, tôi đành đánh liều lên tận vùng rừng núi ở Thanh Hóa tìm thầy. Ở đây tôi không có người thân, tìm thầy giỏi thì khác gì mò kim đáy bể, đi suốt hai ngày trời ngủ bờ ngủ bụi mà vẫn không tìm được. Đến buổi chiều ngày thứ ba, khi tôi đang ngồi dưới gốc cây đa nghỉ mệt thì có một ông già gầy ốm tới bắt chuyện. Ông này nói là có thể chữa được bệnh cho chồng tôi và kêu tôi về nhà ông để ông bốc thuốc về nhà cho chồng uống. Khi ấy tôi lo bị lừa lắm nhưng không thể bỏ qua một tia hy vọng nào được, tôi theo ông ấy về nhà. Tôi thấy ông ấy loay hoay ngoài vườn một hồi, rồi cầm vào một nắm lá cây mang vào giã rồi vò với nước. Sau đó ông ấy đổ nước ấy vào hai cái chai sành đưa cho tôi mà không lấy một đồng nào. Sau khi có thuốc mang về cho chồng uống trong hai ngày thì chồng tôi đã đỡ đau hẳn. Thế là tôi lại tức tốc đi tìm thầy đã chỉ mẹo hay. Lần này ông thầy hỏi địa chỉ nhà tôi rồi kêu nhà ở xa quá, địa hình lại hiểm trở nên quyết định chỉ cho tôi một vài phương thuốc chữa bệnh. Đầu tiên ông ấy chỉ cho tôi phương thuốc dùng các loại lá cây chữa bệnh lậu ké, rồi sau đó đến lậu máu, lậu sỏi, sỏi thận và viêm đường tiết niệu. Thế là từ đó tôi tự về nhà hái thuốc cho chồng. Chỉ sau một tháng uống thuốc do tôi hái, chồng tôi đi tiểu ra một cục lạ to bằng hạt đậu, có gai bên ngoài, uống thêm vài bữa nữa bệnh đã khỏi hẳn. Kể từ đó tôi cũng biết thêm một số phương thuốc chữa bệnh cứu người.
Hữu xạ tự nhiên hương
Theo lời bà Đức kể, sau ngày chữa được bệnh nặng cho chồng, bà Đức được nhiều người trong xóm biết và loan tin khắp nơi. Nhiều người trong xóm có những bệnh khó nói cũng đến nhờ bà hái thuốc mang về uống và khỏi bệnh. Nhiều người ở xóm khác, xã khác thì không tin vì cho rằng bà không biết chữ thì không thể hái thuốc chữa bệnh được. Mãi đến ngày 28/12/1965 (âm lịch), khi có một ông khách ở xã khác đến chơi với chồng bà từ chối uống rượu vì ông này đang bị bệnh viêm tiết niệu rất đau. Chồng bà đã kêu bà hái thuốc cho ông khách, sau hai ngày uống thuốc bệnh của ông khách đã khỏi. Từ đó thông tin có một người phụ nữ không biết chữ có thể hái thuốc chữa bệnh rất hiệu quả được lan truyền khắp nơi. Cũng từ đó nhiều người đang mang bệnh như sỏi thận, tiết niệu, lậu, cảm cúm, bệnh phụ khoa biết tin kéo đến nhà bà nhờ chữa trị.
Mặc dù có tài chữa bệnh bằng lá cây, cỏ nhưng lúc nào trong đầu bà cũng nhớ về người thầy y đức đã truyền nghề cho bà. Bà cho rằng thầy mình đã chỉ cho mình mà không lấy một xu thì mình chữa bệnh cho người cũng chỉ nên vì y đức. Nhưng cuộc sống chật vật không cho phép bà hành nghề chuyên tâm được. Trong khi chữa bệnh, bà phải bán buôn đủ thứ để có thể trang trải cuộc sống gia đình, nuôi dưỡng con cháu. Về sau, năm 1998 gia đình các con cái bà chuyển vào Lâm Đồng sinh sống, bà cũng theo các con vào, lúc này bà đã 74 tuổi.
Cuộc sống ở một nơi hoàn toàn không ai biết đến bà những tưởng những bài thuốc chữa bệnh cứu người của bà bị mai một. Nhưng rồi một ngày, có người bà con tên Sáu đã sống ở đất Lâm Đồng nhiều năm qua ghé thăm gia đình bà tại xã Lộc Nga. Trong bữa ăn gia đình người này cho biết mình đang mắc phải căn bệnh sỏi thận, đã mổ 3 lần nhưng vẫn còn sỏi. Biết là căn bệnh mình có thể chữa được, bà và gia đình khuyên anh Sáu nên ghé thăm để lấy thuốc về uống. Cũng chỉ sau một thời gian ngắn uống thuốc, một hôm anh Sáu chạy lật đật xuống nhà và ôm trầm lấy bà Đức mừng rỡ cho biết hai hòn sỏi trong thận anh đã được đào thải ra ngoài. Từ đó, tin đồn bà có thể chữa bệnh sỏi thận cứu người lại một lần nữa được lan truyền khắp nơi, nhiều người có bệnh là lại đến nhà xin bà cứu giúp.
Chân dung bà lão gần 60 năm chữa bệnh cứu người
Trò truyện với chúng tôi, bà Đức không hề giấu bí quyết chữa bệnh của mình. Nhưng bà cũng nhấn mạnh, việc hái thuốc còn tùy thuộc vào người hái có mát tay hay không. Ngoài ra còn tùy thuộc liều lượng và bệnh nặng hay nhẹ. Tất cả những thứ đó bà có được từ quá trình gần 60 năm hái thuốc cho người bệnh. Bà Đức chia sẻ bí quyết: "Đối với bệnh sỏi thận, thì tùy vào kích cỡ loại sỏi và thời gian bị bệnh mà hái thuốc. Ngoài ra, từ vị trí đau của người bệnh mà xác định sỏi còn trong thận hay đã ra khỏi thận. Cũng tùy thuộc cơ địa từng người mà có người mau ra hoặc lâu ra. Thông thường bệnh nhẹ, sỏi nhỏ thì tôi chỉ cần lá rau ngót và lá rau má vò với liều lượng thích hợp sẽ cho kết quả tốt. Ngoài ra trong quá trình uống, người bệnh tuyệt đối tránh chuyện chăn gối, rượu bia và không được làm việc nặng nhọc.
Trong suốt quá trình chữa trị cho người bệnh, bà Đức cũng không nguôi chuyện có một con bệnh hết sức đặc biệt. Đó là một bệnh nhân tên Thanh, người ở Cần Thơ lên Lâm Đồng làm việc vào dịp mùa cà phê. Anh Thanh bị bệnh sỏi thận rất nặng, hòn sỏi lớn tới 17mm. Khi vừa tới nhà bà Đức, anh Thanh đã chịu không nổi cơn đau mà lăn ra nền nhà kêu khóc thảm thiết. Biết là người bệnh rất đau, bà tức tốc ra vườn cà phê tìm thuốc về vò cho anh Thanh uống. Đến ngày thứ hai sau khi uống thuốc anh Thanh đã đỡ đau. Kiên trì uống thuốc chữa bệnh, sau một tháng anh Thanh đã đào thải ra hòn sỏi và khỏi bệnh.
Cũng ngay sau đó, anh Thanh xin bà về quê lấy tiền lên trả lại, không những bà nói không cần mà còn móc tiền túi ra cho anh Thanh hai trăm ngàn tiền xe để về quê. Cảm kích tình thương đó, sau này nhiều lần lễ, tết anh Thanh đã lên tận Lâm Đồng để thăm bà trả nghĩa.
Sự kết hợp hai loài rau chữa bệnh Theo các chuyên gia y học cổ truyền và theo Từ điển Bách khoa dược học, rau má vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt, sốt, sởi, vàng da, vàng mắt, giãn tĩnh mạch, thiểu năng tĩnh mạch chi dưới. Ngoài ra rau má còn có tác dụng chống loét hoá dạ dày, làm chậm phát triển u (khi thử nghiệm trên chuột), kháng virus và kháng nấm. Còn rau ngót, hay còn gọi là bồ ngót, vị ngọt, tính mát, có thể trị chứng nước tiểu vàng đục và đau vùng thắt lung. Lá bồ ngót sắc lên uống trị chứng bí tiểu hoặc tiểu đường. Sự kết hợp hai loại rau này theo liều lượng thích hợp sẽ cho công dụng chữa các bệnh liên quan đến đường tiểu. |
Hà Hưng - Hoàng Minh