Gập ghềnh hành trình “lều chõng” đi thi
Kỳ thi Đại học năm 2012 vừa qua, tại cụm thi Vinh (Nghệ An) có một điều đặc biệt hơn các năm khác. Đó là có sự xuất hiện một thí sinh tuổi đã ngoài ngũ tuần, dáng người nhỏ thó, tóc lấm chấm bạc bước vào phòng thi cùng bao thí sinh tuổi mười tám đôi mươi khác.
Người đàn bà đó tên Nguyễn Thị Phong, thí sinh thi vào Khoa Ngôn ngữ học (Trường ĐHKHXH&NV TP. HCM). Bà hi vọng sẽ được bước vào ngồi ở ghế giảng đường để sau này trở thành nhà nghiên cứu ngôn ngữ.
Bà Phong cho biết bà được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở vùng đất Thanh Chương (Nghệ An). Ông nội của bà là một nhà Nho nức tiếng về cả tâm lẫn tài trong vùng, chính vì thế mà hết thảy mọi người trong gia đình đều thành danh nhờ học vấn. Bố đẻ của bà Phong là y sỹ quân đội. Mặc dù họ bận nhiều công việc nhưng vẫn kèm cặp bốn người con học hành.
Bà Phong luôn hãnh diện vì được sự ủng hộ của con cháu
Tốt nghiệp trường THPT, năm 1975, thiếu nữ đất học Nguyễn Thị Phong khăn gói lên đường thực hiện ước mơ vào cổng trường Đại học. Năm đó, với tất cả sự quyết tâm, Phong thi đậu vào trường Đại học Thủy sản Thái Bình.
Tuy nhiên may mắn đã không mỉm cười với cô nữ sinh 19 tuổi khi giấy báo trúng tuyển đến quá muộn. Bà không thể nhập học. Không nản chí, bà tiếp tục làm hồ sơ thi tiếp vào trường Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh Nghệ An. Lần này, cô trò nhỏ lại đậu vào khoa Kịch nói. Nhưng với những định kiến cũ về nghệ thuật, gia đình đã không cho bà theo học. Buồn chán, bà xin phép bố mẹ lên huyện Quỳ Hợp làm công nhân nông trường.
Khi bà lấy chồng và đứa con mới lên hai tuổi thì họ ly hôn. Tuổi đời còn trẻ, lại thêm một đứa con còn nhỏ dại nên cuộc sống của hai mẹ con rất vất vả. Bà đã quyết định bỏ nông trường ra đi, ôm đứa con phiêu dạt vào tận TP. Đà Lạt (Lâm Đồng).
Hiểu được sự vất vả của mẹ, anh Nguyễn Tử Ngọc Anh đã học rất giỏi, hai lần đạt danh hiệu học sinh giỏi Quốc gia và hiện đang là Giám đốc một trung tâm đào tạo và phát triển nhân lực tại TP. HCM.
Khi con cái trưởng thành, có chút công danh, bà trở về quê nhà đền nghĩa sinh thành với bố mẹ. Cũng chính tại nơi đây, hạnh phúc đã gõ cửa trái tim vốn đã lạnh giá của người phụ nữ này. Bà cảm mến và khâm phục vị đại tá quân đội vì chữ hiếu với người mẹ già 90 tuổi. Từ chỗ chỉ là bạn bè, hai người ngày càng hiều và chia sẻ cho nhau nhiều hơn. Đến năm 2002, hai ông bà đến với nhau dưới sự hân hoan, chúc mừng của hai bên họ hàng.
Ngày bà quyết định làm hồ sơ để thi Đại học, lúc đầu gia đình ai cũng phản đối không cho vì lo cho sức khỏe và điều kiện sau này để đi học. Nhưng bà vẫn quyết định vừa ôn thi vừa thuyết phục mọi người trong gia đình để được đi thi. Cuối cùng mọi người đành phải chấp nhận nguyện vọng của bà.
Đích thân người con dâu sống xa nhà đã gửi cho bà ba bộ đề để bà ôn thi cấp tốc khi chỉ còn gần hai tháng nữa là kỳ thi Đại học đến. Ngày bà khăn gói xuống Vinh trên tay chỉ có mấy bộ quần áo và số tiền ít ỏi để sống tạm mấy ngày đi thi.
“Lão bà” trong ngày dự thi
Kỳ thi đại học kết thúc, bà Phong đạt được là 12 điểm sau khi làm tròn của ba môn Văn, Sử, Địa.
Không bao giờ nguội tắt ước mơ
Với 12 điểm, hy vọng đậu Đại học của bà không cao. Tuy nhiên, ai cũng khâm phục nghị lực của người đàn này. Bà Phong chia sẻ: “Lúc đầu nghe con thông báo điểm tôi rất buồn. Bởi khi thi môn Sử, tôi khá tự tin. Lúc đó tôi làm được 80%”. Bà đã kiểm tra lại nhiều lần do không tin vào số điểm đó nhưng sau nhiều lần kiểm tra bà mới hoàn toàn tin vào kết quả đó.
Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi về dự định sau khi biết được điểm, bà Phong tươi cười nói: “Tôi sẽ tiếp tục ôn để đợi sang năm thi lại chứ. Bỏ cuộc sao được hả cô chú!”. Bà nói với giọng chắc nịch về dự định của mình. Hằng ngày, bà vẫn ở nhà vừa đảm nhiệm vai trò người bà, người mẹ, người vợ vừa tìm tài liệu từ con cháu và các hiệu sách để ôn thi. Bà vẫn quyết định theo đuổi ngành Ngôn ngữ học.
“Tuy trước đây tôi có năng khiếu bên tự nhiên nhưng vì thời gian đã khá lâu rồi nên kiến thức dần mai một đi. Mặt khác, tôi cũng đam mê môn Văn học từ nhỏ và thấy ngôn ngữ tiếng Việt rất hay nên quyết định thi khối C vào ngành Ngôn ngữ học”, bà Phong chia sẻ.
Được biết, ước mơ của người đàn bà này là được ngồi trên ghế giảng đường rồi sau đó cùng chồng làm công tác dịch thuật và nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam.
Ngồi cạnh bà Phong là người chồng đã bước sang tuổi 70. Ông nói với vợ bằng giọng hóm hỉnh: “Em đừng buồn, sang năm mình thi lại. Đời còn dài mà em. Anh vẫn luôn ủng hộ em”. Nghe xong câu nói đó bà Phong chỉ biết nhìn chồng và mỉm cười cách hạnh phúc.
“Hiện nay nhiều người chỉ chạy theo khối tự nhiên để học, còn các ngành xã hội thì không ai đoái hoài. Còn tôi thì vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê của mình mặc dù nhiều người nói mình bị “hâm”. Nhưng tôi nghĩ nghề gì cũng được miễn sao mình phải có lòng đam mê với nó”, bà Phong bộc bạch.
Kim Long – Khánh Ly